Bị cáo Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm tại tòa ngày 21/12. |
Trong số 18 bị cáo, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, quê Nam Định) được xác định là bị cáo đầu vụ, là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định dẫn đến thiệt hại tiền vốn của Agribank Nam Hà Nội.
Chuyển nhượng thương hiệu không có thật
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần Enzo Việt thành lập tháng 6/2007, đăng ký đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Dệt - Nhuộm - May công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình với số vốn gần 530 tỷ. Qua ba lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và cổ đông góp vốn, tới đầu năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, dự án Dệt - Nhuộm - May đổi tên thành dự án Luxfashion của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam.
5 đối tượng người nước ngoài gồm: Yang Yong (quốc tịch Trung Quốc, Chủ tịch HĐQT, đại diện theo pháp luật), Ahmed El Fehdi (quốc tịch Canada, cổ đông chính), Boubker El Fehdi (quốc tịch Canada, Tổng giám đốc); Driss Bouchama (quốc tịch Canada, Giám đốc công nghiệp) và Manuela Polga (quốc tịch Italia, Giám đốc thương mại) của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.
Cựu nữ giám đốc được tặng xe Bentley 3,5 tỷ Trong quá trình điều tra, các bị cáo, người liên quan đã nộp lại tiền được hưởng lợi tổng cộng là hơn 7,8 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã có quyết định trả lại cho Agribank Nam Hà Nội. Ngoài ra, CQĐT còn tạm giữ 1 xe ô tô nhãn hiệu Bentley trị giá gần 3,5 tỷ đồng được Ahmed El Fehdi, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam gửi tặng cho Phạm Thị Bích Lương. |
Thông qua việc xin chuyển đổi pháp nhân và dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty cổ phần Enzo Việt thành dự án Luxfashion của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, các đối tượng trên đã tạo lập hồ sơ vay vốn mua máy móc, thiết bị và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang để được ngân hàng phê duyệt nâng quyền phán quyết cho Giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội cho vay đối với dự án mới.
Trên cơ sở đó, các bị cáo lập Hợp đồng chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt; Chỉ đạo đồng bọn kê khai khống số lượng vải, hóa chất, máy móc thiết bị nhập khẩu trong dự án Luxfashion để chiếm đoạt tiền vay sau khi được giải ngân, chiếm đoạt tiền vay của Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade. Tổng cộng số tiền mà các đối tượng này đã lừa đảo chiếm đoạt là hơn 2.425 tỷ đồng. Tính đến tháng 9/2012 (thời điểm khởi tố vụ án), số dư nợ của các công ty tại Agribank Nam Hà Nội là hơn 3.429 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 5 đối tượng trên về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do 5 đối tượng này đang bỏ trốn, nên cơ quan CSĐT đã tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Cho vay không thẩm định
Cáo trạng đã xác định, từ tháng 8/2008 - 8/2012, bị cáo Phạm Thị Bích Lương đã ký đề nghị HĐQT nâng quyền phán quyết cho vay, ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay, giải ngân các khoản mà chi nhánh đã cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade, Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam. Bị cáo Lương đã chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay đối với Công ty Lifepro Việt Nam hoàn toàn không có căn cứ, thực tế không thẩm định mà chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp.
Đồng thời, Lương còn chỉ đạo và trực tiếp tham gia quá trình thẩm định, giải ngân đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, cố tình bỏ qua các điều kiện giải ngân cho vay; Không tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn sau cho vay nên không phát hiện việc ngân hàng bị lừa đảo trong giai đoạn cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam. Với những sai phạm của mình, Lương bị truy tố về hai tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Nguyên Tổng giám đốc Agribank nhận 310.000 USD
Cùng ra trước vành móng ngựa còn có bị cáo Phạm Thanh Tân (SN 1955, quê Thái Bình, nguyên Tổng giám đốc Agribank). Cáo trạng xác định, quá trình điều hành, Phạm Thanh Tân đã ký cho Agribank Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Hội sở. Hành vi này là cố ý làm trái nghị quyết HĐQT của Agribank. Từ tháng 3 - 4/2011, Phạm Thanh Tân đã bốn lần nhận tiền từ Phạm Thị Bích Lương với tổng số tiền 310.000 USD.
Ngoài hai bị cáo Phạm Thanh Tân và Phạm Thị Bích Lương còn có 11 bị cáo nguyên là các cán bộ của ngân hàng, trong đó có Chử Thị Kim Hiền (SN 1958, nguyên Phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội), Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, quê Nam Định, nguyên Ủy viên HĐQT Agribank), Kiều Trọng Tuyến (SN 1953, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách Ngân hàng Agribank)... Có bốn bị cáo nguyên là cán bộ hải quan, trong đó có Lương Thị Yên (SN 1958, nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Tây, Cục Hải quan Hà Nội). Cùng ra trước vành móng ngựa còn có bị cáo Lê Minh Hiếu (SN 1974, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietmade và Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam, cổ đông Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam). |
Trong việc giải quyết vay vốn đối với công ty Lifepro Việt Nam, bị cáo Phạm Thanh Tân đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra cụ thể khi ký tờ trình gửi Chủ tịch HĐQT đề nghị nâng mức phán quyết tín dụng ngắn hạn lên đến 400 tỷ đồng, phần tăng thêm là 320 tỷ đồng. Bị cáo Tân được Chủ tịch HĐQT giao cho chỉ đạo thực hiện hai Nghị quyết số 62 và 77 nhưng không có văn bản, chỉ đạo đối với chi nhánh Agribank Nam Hà Nội.
Chi nhánh đã giải ngân 50 triệu USD cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam mua thương hiệu vượt quá mức cho phép 15 triệu USD, giải ngân khi không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được hiệu quả khả thi. Đến nay khoản tiền giải ngân không có khả năng thu hồi gây thất thoát cho Agribank hàng nghìn tỷ.
Hôm nay (22/12), phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong 10 ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận