Theo Chánh án TAND Tối cao, nếu xét theo đúng ba-rem của Bộ Tài chính thì mức tiền bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén sẽ rất thấp, chênh lệch khá cao so với mức bồi thường cho người tù oan Nguyễn Thanh Chấn trước đó. |
Sáng 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 6, thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đánh giá, cái khó nhất là định lượng mức bồi thường chứ không phải nguồn tiền bồi thường. Về nguồn tiền này, ông Bình cho rằng có áp lực từ phía dư luận khi nhiều ý kiến cho rằng không thể lấy tiền thuế của dân bồi thường những oan sai do cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật gây ra.
“Vì vậy, ở các nước như Australia, người ta hình thành quỹ để bồi thường oan sai, nhưng chúng ta không đồng tình hướng này. Nếu không chấp nhận thì chúng ta vẫn phải chịu áp lực trước câu hỏi tiền thuế của dân sao mang đi bồi thường cho những sai sót của cán bộ? Đằng nào thì cũng là tiền ngân sách thôi”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, có những khoản bồi thường tính rất dễ, như tính theo mức lương cơ sở, nhưng cũng có những khoản không thể định lượng được như thiệt hại về tinh thần, về danh dự…
Lấy dẫn chứng trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Bình cho rằng cán bộ làm nhiệm vụ khi vận dụng và giải quyết bồi thường vụ này đã kiểm điểm lại và thấy việc vận dụng không đúng dẫn đến mức bồi thường quá lớn, nhưng nếu không đạt mức đó thì người dân không chịu. Việc này đã tạo ra một tiền lệ.
So sánh với vụ ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) đang được đàm phán, thoả thuận, Chánh án TAND Tối cao cho rằng nếu làm theo đúng ba-rem của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén sẽ rất hạn chế và chênh lệch khá cao so với trường hợp ông Chấn, dù ông này ngồi tù dài hơn ông Chấn đến 7 năm.
Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay, qua thực tế giải quyết thì thấy căn cứ tính chi phí thiệt hại để tính mức bồi thường là cái khó nhất, bởi khi thương lượng không có ba-rem nào cụ thể cả, "ông thì đòi mà ông thì chối". Vì vậy cần đưa vào luật cái gì tính cứng, cái gì thiệt hại vô hình như gia đình tan nát, sức khoẻ suy sụp, công việc đã mất…
Về quy định bồi hoàn, ông Thể cho rằng, cán bộ thay mặt nhà nước để làm thì “con dại cái mang”, cơ quan công quyền phải đền là đúng chứ cán bộ không thể bỏ tiền ra đền. Nếu xác định cố ý làm trái dẫn đến sai như vậy thì phải tự bỏ tiền túi ra bồi hoàn, còn nếu do trình độ kém, nhận thức chưa tới mà gây oan sai thì nên áp dụng biện pháp khác như chuyển công tác nơi khác, hạ bậc lương, không bổ nhiệm lại…
Bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân nguyện cũng đồng tình cho rằng nên có khoản độc lập để bồi thường oan sai, tạo ra tính minh bạch, rõ rang để người dân không còn băn khoăn việc lấy tiền nhà nước bồi thường oan sai do cá nhân cán bộ gây ra.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều không đồng tình việc thành lập quỹ bồi thường oan sai, vì thành lập quỹ sẽ làm phát sinh nhiều thứ, trong khi đó xét về bản chất thì đó cũng vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận