Thi công trải lớp bê tông siêu tính năng UHPC dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long
Ngày 9/12, thông tin tại hội thảo về ứng dụng giải pháp kỹ thuật mới trong dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay dự án đã hoàn thành thi công cấp phối bê tông Polymer và bắt đầu rải thử nhựa asphalt. Dự kiến công tác thi công hoàn thành trước 31/12/2020, về đích sớm hơn nửa tháng so với dự kiến.
Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng của Tổng cục cho biết: "Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, khoa học trong lĩnh vực cầu đường, Tổng cục đang tính đến giải pháp lắp đặt trạm cân tải trọng xe tự động trên cầu Thăng Long để kiểm soát tải trọng, bảo vệ kết cấu công trình cầu trong quá trình khai thác. Đồng thời, tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất về giới hạn tốc độ tôi đa chạy xe trên cầu 60km/h, thay vì 80km/h như trước để tăng tuổi thọ công trình".
Theo các chuyên gia, công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long có sự tiếp thu tiến độ khoa học kỹ thuật của thế giới
Theo các chuyên gia, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long dựa trên ứng dụng giải pháp kết cấu mặt cầu bản thép liên hợp nhẹ, với công nghệ hàn đinh neo plasma (vào bản mặt thép) và bê tông siêu tính năng UHPC là công nghệ có tính kinh điển, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới.
Trong quá trình triển khai dự án, các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam đã làm chủ được công nghệ này. Đến nay, các công tác chính của quá trình thi công đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng tương đương với tuổi thọ của kết cấu thép, có thể lên đến 30 năm.
TS. Nguyễn Ngọc Long cho rằng, trong công tác quản lý, duy trì chất lượng công trình trong quá trình khai thác cần kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện lưu thông qua cầu, bằng giải pháp lắp đặt trạm cân tự động và từ chối cho xe quá tải lưu thông qua cầu như một số tuyến đường bộ cao tốc đang áp dụng.
Còn theo TS. Nguyễn Thế Hải, mặt cầu Thăng Long có kết cấu đặc thù, vì vận cần giới hạn tốc độ xe chạy phù hợp để giảm tác động của xung kích lên lớp bê tông nhựa, giúp tăng thời gian bảo trì mặt cầu.
“Cầu có chiều dài 1,7km, nếu xe chạy với tốc độ 80km/h sẽ lưu thông qua cầu nhanh hơn 25s so với tốc độ 60km/h. Tuy nhiên, tác hại là xe chuyển động nhanh hơn khi phanh lại lại tạo nhiệt độ cao, gây nóng hơn gấp 1,5 lần, lực xung kích mạnh hơn. Nên chăng giới hạn tốc độ xe lưu thông qua cầu tối đa 60km/h”, TS. Nguyễn Thế Hải đề xuất, cho rằng thời gian duy tu trung hạn là 5 năm/lần, đại tu 10 năm/lần.
Được biết, sau khi dự án hoàn thành, Tổng cục Đường bộ VN sẽ bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quán lý khai thác, quản lý bảo trì.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận