Pháp đình

Lật tẩy đường dây "mua bán chính sách", có nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh

19/11/2021, 13:56

Lợi dụng việc miễn giảm tiền sử dụng đất đối với gia đình chính sách, nhóm cán bộ này "hô biến" nhiều mảnh đất nông nghiệp thành đất đô thị...

Ngày 19/11, TAND tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sở thẩm hình sự đối với 17 bị cáo trong vụ “vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

17 bị cáo bị truy tố, gồm: Diệp Văn Thạnh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh), Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch); nhóm nguyên là cán bộ địa chính phường, văn phòng đăng ký đất đai, chuyên viên Phòng TNMT thành phố Trà Vinh, gồm: Nguyễn Văn Chiến, Lê Hữu Lễ, Lý Kiến Trung, Trần Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Nghĩa; Lâm Pho La và Lữ Thị Thảo Trang; nhóm cò đất và chủ đất, gồm: Trần Mười, Trần Thanh Vũ, Huỳnh Công Chúc, Lê Hoàng Anh, Trầm Ngọc Long, Phú Thanh Tâm, Trang Thị Xây và Võ Thị Thu Trang.

img

Các bị cáo tại phiên tòa.

Nghèo khó, cái tên cũng bán!

Suốt một dạo, ở các vùng quê giàu truyền thống cách mạng ở Trà Vinh, bỗng rộ lên một câu chuyện rất lạ, mà người dân gọi là “bán tên”. Hễ nơi nào có đông gia đình chính sách, là ngay lập tức các tay “cò” sẽ tìm đến đặt vấn đề “mua tên”. Ban đầu, người dân cảm thấy rất lạ, vì cái tên làm sao bán được. Tuy nhiên, vì nghèo khó, cộng thêm số tiền “cò” đưa ra tới vài chục triệu đồng, nên nhiều người đã bán thử.

Ông T. (ấp Phú Hòa, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) kể: “Cha tui là liệt sĩ mất năm 1968. Dạo trước, có người đến kêu tui “bán tên”. Thấy lạ quá, nên tui mới đi tìm hiểu”.

Theo ông T., chuyện bắt đầu từ khi tỉnh Trà Vinh cho triển khai chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất đối với gia đình chính sách khi họ chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị (lên thổ cư). Tùy vào từng trường hợp, có thể là Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sỹ… sẽ được miễn giảm từ 65-100%.

Lợi dụng việc này, các đối tượng là cò đất, cán bộ đã móc nối với nhau, tìm mua đất nông nghiệp, hoặc đất sẵn có của người thân, quen. Sau đó, chúng tìm đến gia đình chính sách. Chúng đặt vấn đề với người dân là “mượn” hồ sơ, bao gồm: Sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận liệt sĩ, thẻ thương binh… Nói chung là những giấy tờ chứng minh đây là gia đình có công với cách mạng.

img

Một thân nhân liệt sỹ trao đổi với phóng viên về việc "bán tên".

Mỗi hồ sơ như vậy, “cò” sẽ trả cho người dân từ 10 đến hơn 30 triệu đồng. Sau đó, chúng lập ra những hợp đồng khống, chuyển nhượng đất cho gia đình chính sách đứng tên, rồi làm thủ tục xin chuyển đất lên thổ cư, để được miễn tiền sử dụng đất.

Xong việc, chúng tiếp tục làm hợp đồng khống, chuyển nhượng trở lại từ gia đình chính sách cho những đối tượng được sắp đặt sẵn. Như vậy, đất nông nghiệp sau khi đi 1 vòng đã được “hô biến” thành đất đô thị, còn ngân sách nhà nước không thu được đồng nào.

Ông H.V.D (72 tuổi) ở ấp Kinh Lớn, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, là một thương binh 3/4, tỉ lệ thương tật 45%. Vào khoảng đầu năm 2020, đối tượng Huỳnh Công Chúc (sinh năm 1969, ngụ xã Long Đức, một trong 17 bị cáo) tìm đến nhà ông D. ngỏ ý “mua tên”.

Ban đầu, Chúc đề nghị “mua tên” của ông D. với giá 7 triệu đồng, nhưng bị từ chối. Chúc tiếp tục cò kè, và tăng giá lên 12 triệu đồng. “Nó vừa là hàng xóm, vừa có quan hệ bà con với tui. Lúc đó, gia đình tui đang khó khăn, cần tiền sửa nhà, nên tui đồng ý bán 12 triệu đồng”, ông D. kể.

Sau đó, ông D. ra phòng công chứng ký giấy tờ đất. “Khi đó, tui ký, nhưng không đọc kỹ nội dung, chỉ nhớ là tui đứng tên miếng đất nông nghiệp khoảng 300m2. Đứng tên xong, họ làm thủ tục chuyển sang đất thổ cư (đất đô thị) và được miễn giảm 75%, còn số tiền cụ thể tui không biết”, ông D. nhớ lại.

img

Cò đất Trần Mười, một trong số 17 bị cáo bị công an bắt giữ vào tháng 7/2019.

Tương tự, bà Lệ Thị C. (83 tuổi, ấp Láng Khoét, xã Song Lộc, huyện Châu Thành), là vợ liệt sĩ Trần Văn S. Mấy năm trước, một đối tượng “cò đất” tên Võ Văn Vui tìm đến nhà hỏi “mua tên”, nhưng bà C. không đồng ý.

Khi “cò đất” Vui không thực hiện được ý định, đã gặp anh Trần Văn H., là cháu ngoại của bà C. Anh H. làm nghề thợ hồ, cuộc sống khó khăn, nên khi nghe Vui ra giá “mua trộm tên” bà ngoại 20 triệu đồng liền đồng ý. Sau đó, H. âm thầm đưa hồ sơ vợ liệt sĩ của bà ngoại cho Vui sử dụng.

Không lâu sau, có một người tên Nguyễn Thị Mít (ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành), vốn hoàn toàn xa lạ, bỗng dưng “tặng” cho bà C. 300m2 đất lúa (tại ấp Tri Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành). Mảnh đất này nhanh chóng được đi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (sang thổ cư) và được miễn 100% tiền thuế 432 triệu đồng. Xong xuôi, mảnh đất do bà C. đứng tên được chuyển nhượng lại cho một người tên Thạch Thị Thanh (phường 6, TP Trà Vinh).

Qua tìm hiểu của PV, rất nhiều trường hợp là mẹ VNAH, thân nhân liệt sỹ… hiện đã tuổi cao sức yếu, chỉ sống quanh quẩn trong nhà, chưa từng biết tới chuyện đất đai. Tuy nhiên, do hoàn cảnh nghèo khó, nên con cháu của họ đã lén lút lấy hồ sơ để “bán” cho “cò”. Khi cơ quan chức năng tìm đến nhà để làm rõ vụ việc thì họ ngơ ngác, không biết gì.

img

Bị cáo Diệp Văn Thạnh (nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh) bị bắt giữ vào tháng 8/2019.

Trục lợi cả đồng bào thiểu số

Sau khi vụ việc bị phát hiện, cơ quan chức năng Trà Vinh đã vào cuộc để mở rộng điều tra, làm rõ. Qua đó phát hiện thêm tại 5 huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và Duyên Hải, từ năm 2011 đến nay, có 223 hồ sơ được miễn giảm với số tiền gần 25 tỉ đồng. Trong đó có 28 hồ sơ bị người khác lợi dụng gia đình chính sách, gây thất thu ngân sách với số tiền hơn 5 tỉ đồng.

Trong 223 hồ sơ, UBND các huyện ban hành quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất cao hơn quy định 25 hồ sơ, gây thất thu ngân sách hơn 1 tỉ đồng, trong đó 24 hồ sơ quy định giảm 70% nhưng giảm tới 100%. 4 hồ sơ, giảm tiền sử dụng đất thấp hơn quy định, đáng lẽ giảm 80-90% nhưng các huyện chỉ giảm 65-70%, lạm thu của gia đình chính sách hơn 97 triệu đồng…

Đặc biệt, thanh tra tỉnh Trà Vinh đã phát hiện thêm đường dây trục lợi chính sách dành cho đồng bào dân tộc Khmer với thủ đoạn tương tự.

img

Bị cáo Trần Trường Sơn (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Trà Vinh) bị bắt cùng thời điểm với Diệp Văn Thạnh.

Theo hồ sơ của phóng viên, tháng 4.2018, bà Thạch Thị Krưm (SN 1944, Khóm 3, thị trấn Trà Cú), do tuổi già sức yếu, đã được chính quyền địa phương xem xét đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh để được chăm sóc.

Tuy nhiên, trước đó, ít ngày, bà Krưm bất ngờ được UBND huyện Trà Cú ban hành quyết định về việc công nhận quyền sử dụng đất ở có thu tiền sử dụng đất với diện tích 147,8m2. Sau đó, hộ bà Krưm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù bà đã được vào Trung tâm bảo trợ.

Cũng trong tháng này, hồ sơ thể hiện bà Krưm chuyển toàn bộ khu đất cho ông Nguyễn Khả Mạnh (ngụ cùng thị trấn Trà Cú), rồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chuyển qua tên ông Mạnh. 4 ngày sau, ông Mạnh chuyển nhượng lại cho ông Lê Thanh Vũ - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Trà Cú - và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cuối năm 2018, ông Vũ cho người san lấp mặt bằng ngay căn chòi của bà Krưm trước sự ngỡ ngàng của người dân. Khi được hỏi, bà Krưm không hề biết gì về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như không ký, lăn tay vào Hợp đồng chuyển nhượng.

Ngoài trường hợp của bà Krưm, tính từ năm 2011 đến 2019, các tổ chức, cá nhân thực hiện còn chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến 154 hồ sơ bị người khác lợi dụng, gây thất thoát gần 24 tỉ đồng và 147m2 đất ở…

Theo điều tra của phóng viên, phần lớn các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều thực hiện công chứng, chứng thực tại các cơ quan nhà nước là UBND các xã, phường, thị trấn… Những hồ sơ này, người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng đều không trực tiếp ký tên vào hợp đồng hoặc không trực tiếp ký tên trước mặt công chứng viên và người chứng thực; nhưng các thủ tục vẫn diễn ra trót lọt. Những thủ đoạn này có tính móc nối, lập thành đường dây trục lợi chính sách giữa các đối tượng cò đất và cán bộ…

Kỳ tới: Lãnh đạo Trà Vinh đã "nhúng chàm" như thế nào"?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.