Thông tin đường bay nội địa hoạt động bình thường cùng việc kiểm soát tốt dịch bệnh tưởng như sẽ khiến ngành Du lịch khởi sắc sau kỳ “đóng băng”. Thế nhưng thực tế các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang sống lay lắt, chờ đợi phép màu sớm có thể mở cửa du lịch quốc tế…
Ngoi ngóp, chờ hỗ trợ “trên tivi”
Dân mê du lịch ai cũng thích tới Đà Lạt vào tháng 6, mùa săn mây, cảnh sắc đâu đâu cũng tuyệt đẹp. Thế nhưng, từng làm du lịch hơn 10 năm tại Đà Lạt, ông Trần Duy Thắng, Giám đốc Công ty Thiên Nhân chia sẻ: “Chưa bao giờ thấy Đà Lạt tháng 6 lại buồn như vậy! Du khách chỉ tới vào ngày cuối tuần theo gia đình, nhóm nhỏ lác đác, còn ngày thường thì vắng hoe…”.
Ông Thắng cho biết, doanh nghiệp của ông “chơi dài” từ tháng 2 tới cuối tháng 4. “Dịp nghỉ lễ 30/4 sau khi hết hạn cách ly, người dân ùa lên Đà Lạt mình mới nạp được chút sinh khí nhưng những ngày sau lại trở về tình trạng cố gắng duy trì”, vị chủ doanh nghiệp lữ hành nói và cho biết tới nay khi đường bay nội địa hoạt động bình thường, danh sách đoàn đăng ký trong tháng 6 và tháng 7 đã cơ bản được chốt. “Dù đã giảm giá tour 30% so với năm trước nhưng vẫn không có chuyện sốt vé vào dịp cao điểm như mọi người nghĩ. Công suất hoạt động của chúng tôi chỉ đạt 30 - 40%. Với tình hình này, sống tạm qua được năm 2020 là tốt lắm rồi”, ông Thắng chia sẻ.
Bi kịch hơn lữ hành, những ông chủ khách sạn tại Đà Lạt đang phải đau đầu với bài toán đóng cửa ngồi im hay mở ra để chịu lỗ. Thực tế trong những ngày đầu tháng 6, hàng loạt khách sạn từ 3 sao trở lên tại “thành phố ngàn hoa” vẫn đang cửa đóng then cài.
Chia sẻ với PV, ông Đoàn Duy Khôi, giám đốc điều hành Công ty TNHH Kim Tâm An, đang sở hữu 3 khách sạn và 2 nhà hàng tại Đà Lạt cho biết: “Bất đắc dĩ chúng tôi phải tạm đóng cửa từ cuối tháng 3, tới 1/6 mới bắt đầu mở cửa cầm chừng để chuẩn bị mùa khách hên xui sắp tới. Do đó, chúng tôi chỉ huy động khoảng 30% nhân sự quản lý làm việc”.
Theo ông Khôi, sau dịch, khách chủ yếu đi nghỉ với tinh thần đổi gió, tiết kiệm chi phí tối đa. Do đó, nhà nghỉ, homestay là lựa chọn số 1. “Nếu khách sạn 3 - 4 sao như chúng tôi muốn đón được khách phải hạ giá 50% như khách sạn 2 sao. Trong khi đó, chi phí tối thiểu để duy trì hoạt động đã chiếm khoảng 30% giá phòng, chưa tính thuế, lương nhân sự, lãi suất ngân hàng… rất nhiều chi phí phải bỏ ra”, ông Khôi nói.
Nhẩm tính tổng chi phí phải bỏ ra để duy trì hoạt động cho một khách sạn 4 sao với hơn 130 phòng, ông Khôi cho hay, ít nhất phải mất 2,5 - 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu hoạt động cầm chừng như hiện nay thì con số thu về chưa được 1 tỷ đồng. “Trước đây, khách sạn 4 sao chủ yếu phục vụ khách nước ngoài hoặc khách nội địa VIP với giá cao nhưng tới nay thì phải chấp nhận “vơ bèo vạt tép”, chịu để hãng tour chèn ép về giá. Thế nhưng, số lượng lấp phòng cũng không đáng là bao. Xác định năm nay không có nguồn thu, lợi nhuận của năm trước đã “ăn” gần hết, ngoi ngóp duy trì chưa biết trụ được tới bao giờ”, ông Khôi nói và nhận định, những tháng cuối năm nếu vẫn chưa thể mở cửa đón khách quốc tế thì rất có thể nhiều chủ khách sạn phá sản.
Thế nhưng, theo ông Khôi, những chính sách hỗ trợ chỉ mới thấy “trên ti vi” với văn bản. “Ngay từ tháng 2 khi chính sách mới rục rịch chúng tôi đã làm hồ sơ xin hỗ trợ cho người lao động, giảm hoãn đóng bảo hiểm… nhưng tới nay chưa được đồng nào. Ngân hàng cũng không giảm lãi suất, điện nước cũng vẫn thu như cũ… chưa thấy nguồn hỗ trợ trực tiếp nào”, ông Khôi bày tỏ.
Nói về chương trình liên minh kích cầu, ông Khôi cho biết: “Không hề thấy bóng dáng cơ quan quản lý, hiệp hội du lịch cũng đứng ra hô hào giải quyết nhưng tiếng nói lại không đủ trọng lượng. Nhiều cuộc họp mở ra, doanh nghiệp đóng góp ý kiến, phản ánh khó khăn, đã tập hợp thành văn bản trình lên tỉnh, bộ, ngành nhưng tới nay cũng không rõ trôi về đâu. Những buổi hội thảo dần trở thành hình thức, liên minh kích cầu chỉ dừng ở việc hô hào treo băng rôn cho vui, họp xong đi nhậu là hết!”.
Chuẩn bị đón “cú sốc” lần 2 trong năm?
Tình hình phục hồi du lịch tại các thành phố lớn sau dịch tới nay cũng chưa thấy dấu hiệu khả quan. Tại Hà Nội, số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tổng lượng khách du lịch 5 tháng đầu năm sụt giảm tới 65,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm gần 65%. Tại Đà Nẵng công suất phòng khách sạn chỉ đạt khoảng 40% vào dịp cuối tuần, còn ngày thường cao nhất là 20%.
Còn tại TP HCM, trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP cho hay: “Tính tới đầu tháng 6, công suất phòng hoạt động của các cơ sở lưu trú trên địa bàn khá thấp do chỉ đón khách nội địa. Cụ thể, công suất của khách sạn 1 - 2 sao chỉ đạt 40 - 50% và 15 - 30% đối với khách sạn 3 - 4 sao”.
Cũng theo bà Hoa, tới nay trên địa bàn TP đã có 37 doanh nghiệp lữ hành nhỏ xin rút giấy phép hoạt động. Những “ông lớn” cầm cự được thì cũng thua lỗ nặng nề trong quý II/2020 như: Vietravel, Saigontourist lỗ tới 1.700 - 2.200 tỷ đồng; BenThanh Tourist dự báo thiệt hại hơn 250 tỷ đồng; Fiditour 259 tỷ đồng, TNT dự báo lỗ gần 1.200 tỷ đồng...
Ông Phùng Công Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định, với các tour kích cầu, tổng cầu có tăng nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì “chưa là gì”. “Đơn cử tại Hanoitourist, đầu tuần tháng 5 chúng tôi chỉ bán được cho khoảng 200 khách thì cuối tháng con số này lên hơn 1.000 khách. Tuy nhiên, so với năm ngoái thì chưa thấm tháp gì”.
Theo ông Thắng, du lịch đang được truyền thông cổ vũ, chính quyền địa phương cũng cổ vũ, người dân không còn e ngại đi lại bởi dịch, nhưng học sinh vẫn chưa được nghỉ học. “Không nên nhìn vào những điểm đang hot như: Phú Quốc, Quy Nhơn, Cát Bà, Hạ Long để đánh giá khả năng hồi phục tốt của du lịch trên cả nước. Bởi, đây đều là những điểm được đầu tư nhiều, giá tốt, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên. Ngược lại còn rất nhiều địa điểm khác vẫn đang rất đau đầu để hút khách”, ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, trong bối cảnh sau dịch, tỷ lệ người có tiền để đi đu lịch chỉ chiếm khoảng 10 - 20% tổng số khách nội địa. “Với những tour khám phá hiện đang rất vắng khách. Do đó, phải có yếu tố mới đặc sắc để lái nhu cầu của khách, mới có thể hi vọng sớm phục hồi”, ông Thắng nói và dẫn ví dụ: “Tour kích cầu trọn gói 4 ngày 3 đêm Đà Nẵng - Hội An, nghỉ tại khách sạn 3 - 4 sao, giảm hết cỡ chỉ còn 3 - 4 triệu đồng/người mà bán mãi không có khách”.
“Chưa bao giờ thấy du lịch có giá rẻ như thế! Vấn đề các doanh nghiệp có thể chịu lỗ được tới bao giờ?”, ông Thắng đặt vấn đề rồi tự trả lời: “Những doanh nghiệp làm kích cầu như chúng tôi lợi nhuận rất thấp, làm để lay lắt duy trì, không muốn thị trường đóng băng quá lâu. Chứ nguồn thu chưa đủ trả tiền văn phòng chứ chưa nói lương cho nhân viên!”.
Dựng kịch bản trong tháng 7, 8 tới sẽ là mùa cao điểm của du lịch khi học sinh được nghỉ học, song ông Thắng lại đặt ra tình huống: “Hạ tầng du lịch Việt Nam đang phục vụ 85 triệu khách nội địa và 18 triệu khách quốc tế, trong đó chủ yếu sống bởi nguồn thu từ những tour phục vụ khách ngoại. Tới tháng 9 trở đi, học sinh bước vào năm học mới, nếu dịch thế giới chưa được kiểm soát thì sao? Nếu là sự thật thì đây lại là một câu chuyện buồn diễn ra, thậm chí còn là “cú sốc” khủng khiếp hơn bây giờ, cơ hội làm du lịch rất khó nếu không mở cửa quốc tế”.
Theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cuối tháng 5 của Tổng cục Thống kê, ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhiều nhất là hàng không 100%; dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%.
Báo cáo của Tổng cục Du lịch cũng cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng thu của ngành đạt 150.300 tỷ đồng, giảm 47,4%. Đáng chú ý, có tới 95% các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động. 137 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỷ lệ 52% của năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận