Xã hội

“Lấy nước ô nhiễm làm nước sạch bán cho dân”: Sở TN&MT Nghệ An có tiếp tay?

14/06/2019, 06:53

Nước sông Đào bị ô nhiễm nặng với nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng trong thời gian dài nhưng Sở TN&MT Nghệ An lại không báo cáo kết quả lên tỉnh...

img
Kết quả quan trắc nước sông Đào trong tháng 3 tại trạm bơm Cầu Mượu, có 4/37 thông số vượt ngưỡng cho phép

Phiếu kiểm nghiệm không hợp quy

Ngày 12/6, làm việc về nội dung Báo Giao thông phản ánh, ông Hoàng Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Nghệ An cùng ông Lê Đình Hoan - thành viên HĐQT Công ty khẳng định: “Đến nay, tỉnh Nghệ An chưa có bất kỳ quyết định nào cấm công ty lấy nước sông Đào mà chỉ có văn bản không cho lấy nước sông Đào ô nhiễm để sản xuất nước sạch”.

Theo ông Hoan, Văn bản 6923 năm 2017 của UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu dừng sử dụng nước sông Đào làm nước sạch, cũng như các thông báo, kết luận của tỉnh chỉ mang tính định hướng, không có giá trị pháp lý nên công ty không nhất thiết phải thực hiện... Lãnh đạo công ty này cũng đưa ra Phiếu kết quả thử nghiệm nước thô sông Đào tại cầu Mượu ngày 4/5/2019 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, với 11/11 thông số trong giới hạn QCVN 08.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Nghệ An lại phủ nhận tính pháp lý của phiếu này. Ông Hưng cho biết: “Đơn vị chúng tôi là đơn vị duy nhất ở Nghệ An được Bộ TN&MT cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, trong đó có 36 thông số về nước mặt. Kết quả quan trắc được Sở TN&MT sử dụng làm cơ sở đánh giá chất lượng nước thô cấp cho các nhà máy nước; được Chi cục Bảo vệ môi trường sử dụng để đánh giá chất lượng, xây dựng mạng lưới nguồn nước”.

Ông Hưng cũng khẳng định: Kết quả quan trắc nước sông Đào tại Trạm bơm Cầu Mượu luôn có những thông số vượt ngưỡng. Chiếu theo QCVN 08 thì nước này không đủ điều kiện sử dụng để sản xuất nước sinh hoạt. Ngày 26/4/2019, Trung tâm cũng đã có văn bản báo cáo lên Phòng Tài nguyên nước, biển và hải đảo thuộc Sở TN&MT.

Nội dung này cũng được ông Chu Trọng Trang, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An thừa nhận: “Các kết quả thử nghiệm của chúng tôi hiện nay được thực hiện theo hợp đồng chuyên môn và không có giá trị pháp lý bên tài nguyên môi trường”.

Bỏ tiền mua nước sạch, dân phải dùng nguồn nước ô nhiễm

Trong quá trình làm việc với Công ty CP Cấp nước Nghệ An, lãnh đạo công ty thừa nhận từ ngày 20/12/2018 đã bắt đầu vận hành 2/4 tổ máy bơm nước từ sông Đào qua Trạm bơm Cầu Mượu rồi đưa về Nhà máy nước sạch Hưng Vĩnh, với công suất 800m3/giờ/tổ. Từ 27/4/2019, 100% nước thô đưa vào Nhà máy nước Cầu Bạch được lấy từ sông Đào qua hồ để sơ lắng.

Kết quả quan trắc nước sông Đào tháng 3/2019 tại vị trí M42 - Trạm bơm Cầu Mượu cho thấy có 4/37 thông số vượt chỉ tiêu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mặt (QCVN08). Tương tự, các kết quả quan trắc vào tháng 1/2019, 11, 9 và 7/2018 đều có từ 2 - 5 thông số vượt ngưỡng, trong đó thông số về độ phân hủy chất hữu cơ NO2-, NO3-, Amoni NH4+, là những chất nguy hại tới sức khỏe, khó lọc bỏ khi sản xuất nước sạch.

Cần lưu ý rằng, trong cách tính giá nước hiện nay đối với người dân TP Vinh và khu vực phụ cận, giá nước sạch đã bao gồm 1.950 đồng/m3 - giá mua nước thô từ Công ty Cấp nước Sông Lam. Khi bơm nước thô sông Đào thì đơn vị này chỉ phải trả 900 đồng/m3 tiền thủy lợi phí.

Điều đáng nói, trong công văn ngày 13/3/2019, báo cáo UBND tỉnh Nghệ An về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với 2 công ty cấp nước, Sở TN&MT tỉnh này không nhắc đến các kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc TN&MT mà chỉ trích Kết quả thử nghiệm nước đạt 11/11 thông số từ Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An (đơn vị không được giao quyền, không được Bộ TN&MT cấp chứng nhận). Báo cáo này cũng thường xuyên được Công ty Cấp nước Nghệ An sử dụng như “bảo bối” khi có ý kiến trái chiều về chất lượng nước sông Đào. Ông Lê Đình Hoan cũng khẳng định: “Chưa nhận được bất cứ văn bản khuyến cáo nào từ phía Sở TN&MT nói rằng nước sông Đào ô nhiễm”.

Điều đó phần nào lý giải về việc, khi muốn lấy tài liệu xác định hiện trạng chất lượng nước thô sông Đào, PV đã phải 3 lần tới Sở TN&MT, 2 lần tới Trung tâm quan trắc, 2 lần sang Chi cục Bảo vệ môi trường nhưng cũng không được cung cấp đủ. Thứ PV nhận được là những câu trả lời có phần lảng tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên. Đáng ra theo quy định những tài liệu quan trắc này phải được công khai để các cơ quan đơn vị và nhân dân cùng biết, theo dõi.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.