Bà Thảo khỏe mạnh và hạnh phúc sau khi hiến thận |
“Mày điên thật rồi con ạ”
Những ngày này, anh Bùi Văn Thực (trú tại thôn Thanh Hảo, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đang ngược xuôi Hà Nội - Hải Phòng để thực hiện các xét nghiệm trước khi có “cơ hội” được hiến tạng cho người khác. Trong bản đăng ký hiến tạng của mình, anh sẵn sàng hiến đi một phần gan hoặc một quả thận nếu có người bệnh nào cần đến nó. Nguồn cơn quyết định hiến tạng của anh Thực lại xuất phát từ chính người vợ của mình. Đó là chị Phạm Thị Tuyết. Cách đây chừng 5 tháng, chị đã tình nguyện hiến một quả thận của mình để cứu mạng một người không hề quen biết.
“Đừng viết về em, còn rất nhiều người có tấm lòng thiện nguyện hơn em nữa cơ”, đó là câu nói mở đầu cuộc trò chuyện thân mật của tôi với người mẹ trẻ đó. Ở tuổi 32, khi nhiều người còn đăm đắm với mối lo “cơm áo, gạo tiền” thì người mẹ hai con này lại nhẹ lòng với quan niệm “cần biết hài lòng với cuộc sống hiện tại”. Thu nhập cả hai vợ chồng ước chừng 15 triệu đồng/tháng, ngoài lo cho hai con đang tuổi ăn học, anh chị tiết kiệm được phần nhỏ vốn liếng với dự kiến sẽ hoàn thiện ngôi nhà nhỏ bé của mình trong năm 2017.
Chị Tuyết cho hay, cách đây chừng 2-3 năm, khi lơ mơ thông tin về cuộc vận động hiến tạng cứu người, chị đã ước nguyện có một ngày thực hiện được điều đó. Qua nhiều nguồn tìm hiểu, chị Tuyết quyết định đăng ký hiến tạng mà không phải chỉ là hiến sau khi chết não mà là hiến “sống”. Thời gian đó, chồng chị còn đang lao động tại nước Nga xa xôi. Sợ chồng lo lắng, chị không dám chia sẻ, chỉ âm thầm tự lên Hà Nội làm các xét nghiệm để đủ điều kiện được hiến tạng. “Cơ hội được hiến tạng” đến với mình không lâu sau khi đăng ký. Nó như cởi trói tâm lý cho mình vậy, mãn nguyện vô cùng. Chính vì thế, mình tăng cân vù vù, từ 41 lên 49 kg lúc nào chả hay”, chị Tuyết vui vẻ chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ quyết định của chị. “Mày điên thật rồi con ạ”, cha mẹ chị đã thốt lên câu nói đó khi biết rằng ngày hôm sau chị sẽ lên đường đến viện để thực hiện phẫu thuật hiến thận. “Điều may mắn nhất với mình chính là ông xã luôn hiểu, động viên và bên mình trong suốt thời gian đó”, chị Tuyết cho hay. Đến lúc lên bàn mổ chị vẫn không hay quả thận của mình sẽ dành cho ai. Mãi sau này chị mới biết, người may mắn được ghép thận từ chị là một chàng trai mới 28 tuổi và vừa làm cha được 5 tháng.
Chị Tuyết bảo: “Dù đã nhiều lần trò chuyện qua điện thoại nhưng mình cũng chưa từng gặp mặt chàng trai đó. Mà điều đó đâu có quan trọng. Chỉ cần biết rằng họ cũng như mình sống khỏe mạnh, hạnh phúc”.
Trở về sau lần phẫu thuật hiến thận đó, chị một lần nữa lại đối mặt với không ít lời đàm “bán thận kiếm tiền” từ những người xung quanh. “Em đừng buồn, miễn sao mình hiểu ý nghĩa của việc mình làm. Anh tự hào vì lòng can đảm của em. Thế là đủ phải không”, những lời động viên của chồng đã giúp chị thêm vững tin với quyết định cứu người.
Không dừng lại đó, mới đây chị tiếp tục đăng ký hiến “sống” một phần gan của mình. Tiếp bước vợ, chồng chị cũng sẵn sàng tham gia hiến tạng.
Giấu chồng, vận động con cùng đi hiến tạng
Lần thứ hai gọi điện hỏi thăm bà, giọng vẫn rổn rảng, bà bảo: “Tôi khỏe lắm. Mà đợt này bận nhiều việc, tôi chẳng có thời gian nghỉ nữa”. Vẫn xông xáo mọi việc, ít ai biết rằng bà vừa mới trải qua đợt phẫu thuật hiến một quả thận cứu mạng một người xa lạ cách đây chừng nửa năm. Người đàn bà ấy tên Lê Thị Thảo (trú tại thị trấn Thứa, Lương Tài, Bắc Ninh).
Ở tuổi ngoài 50, con cái cũng đã trưởng thành nên bà Thảo vẫn thường cùng bè bạn lên chùa làm công quả. Chính những ngày tháng tu thiền nơi thanh tịnh giúp bà tịnh tâm hơn. Cách đây hơn ba năm, bà từng ấp ủ ước nguyện được hiến giác mạc cho người khác sau khi khuất núi. Thế rồi, tình cờ một lần được khi tham gia hội nghị tại Hải Phòng, được phát tài liệu về cuộc vận động hiến mô tạng, bà mới hay, con người ta có thể tham gia hiến tạng ngay cả khi còn sống. Bà lặn lội lên Hà Nội, tìm đến Trung tâm ghép Mô tạng Quốc gia bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng của mình.
Lường áp lực và rào cản từ gia đình nên bà quyết định giấu cả nhà. Cứ lặng lẽ một mình, sáng đi chiều về, bà lên Hà Nội để thực hiện hàng chục lần xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Bà khấp khởi mừng khi nhận được kết quả “đủ điều kiện sức khỏe để hiến thận” từ bệnh viện. Để sẵn sàng cho gần chục ngày vắng mặt ấy, bà Thảo phải dối cả nhà là về Hòa Bình theo bạn, học cách gây giống mới. Nhưng vào phòng mổ, thấy bà một thân một mình, các bác sỹ yêu cầu phải có người nhà ký cam kết, chăm sóc bà mới được làm phẫu thuật. Cực chẳng đã, lúc này bà mới gọi điện cho cô con gái từ Bắc Ninh lên nhưng vẫn đề nghị con giấu nhẹm không cho bố biết việc của mẹ.
Buổi tối ngày đầu tiên từ viện về nhà, chồng bà mới hay chuyện, bà chỉ nhẹ nhàng giải thích: “Nếu em nói cho anh biết, chắc chắn em sẽ không hoàn thành tâm nguyện này”. Bà Thảo chia sẻ: “Vì mình trở về với sắc diện hồng hào, khỏe mạnh nên dù bất ngờ nhưng ông xã không có phản ứng tiêu cực”.
Cũng giống chị Tuyết, không ít cái nhìn thiếu thiện cảm và cả những lời xì xào về “việc hiến thận” từ những người hàng xóm bủa vây lấy bà Thảo. Bỏ ngoài tai những ồn ào thị phi, bà Thảo chia sẻ: “Quan trọng là lương tâm thanh thản. Bởi nếu có so đo, tính toán hơn thiệt hay e ngại dư luận thì tôi đã không quyết tâm làm đến cùng như vậy”.
Trao đổi với bà Thảo, được biết, cô con gái út của bà cũng tiếp bước bà với ý nguyện được hiến một phần gan để có thể “giúp những ai cần”. “Nhưng thôi nói trước sợ bước không qua, tôi sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ để cháu thực hiện được tâm nguyện của mình. Mọi sự còn tùy duyên”, bà Thảo cho hay.
Sẽ thành lập ngân hàng tạng “Hiện, cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp. Tuy nhiên, sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, một ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc. Mặc dù rất cố gắng nhưng hiện vẫn còn trên 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang mòn mỏi chờ ghép tạng và hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc. Sắp tới, Bộ Y tế dự kiến thành lập ba trung tâm tiếp nhận hiến tạng ở ba miền, có đường dây nóng tiếp nhận. Sau này sẽ thành lập ngân hàng tạng”. Bộ trưởng Bộ Y tế Vẫn vướng rào cản tâm lý “Ngoài nguồn mô tạng từ những người tình nguyện đăng ký hiến, còn có một nguồn người chết não bị TNGT cũng rất lớn. Bởi chỉ tính riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì TNGT. Còn tại BV Việt Đức, con số này cũng xấp xỉ 1.000 người… Đây là nguồn mô, tạng cứu sinh cho nhiều người chờ ánh sáng và chờ chết. Tuy nhiên vì những lý do khác nhau, trong đó có vấn đề về nhận thức, quan niệm tâm linh mà trường hợp chết não được gia đình đồng ý hiến tặng tạng rất hiếm hoi. Và một thực tế là không ít những người đồng ý hiến tạng đang vấp phải định kiến và cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội. Đó là những rào cản vô hình khiến nhiều người cần nguồn tạng hiến mà không được đáp ứng”. GS.TS. Trịnh Hồng Sơn |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận