Xã hội

Lấy tiền thu được từ tham ô, buôn lậu để bồi thường oan sai?

27/10/2016, 17:40
image

Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết trên thế giới nhiều nước đã làm việc này, thay vì lấy tiền thuế.

IMG_9660

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đề cập đến những câu chuyện bất cập trong việc bồi thường oan sai

Chiều 27/10, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Góp ý vào dự án Luật này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, việc bồi thường trong lĩnh vực hình sự dù đã làm nhiều năm và có kinh nghiệm nhưng còn nhiều khó khăn. “Tôi theo dõi mấy vụ án oan sai thì nhận chúng ta bồi thường theo kiểu nào cũng bị lên án. Nếu bồi thường theo đúng quy định Bộ Tài chính hướng dẫn thì phải có đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu… Mà theo quy định này thì mức bồi thường không được bao nhiêu, lúc đó lại lên tiếng, giống như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Nhưng nếu như chúng ta vận dụng số tiền quá nhiều thì dư luận lại lên án là tại sao tiền của Nhà nước mất nhiều như thế, ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn” – ông Bình lấy dẫn chứng và phân tích.

Từ thực tế ấy, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng, khi vận dụng Luật có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, bởi có những khoản không thể nào chứng cứ hóa được, ví dụ như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần… “Đó là áp lực mà chúng tôi phải giải quyết vấn đề của ông Chấn, ông Nén, ông Thêm… Các căn cứ rất khó khăn” – ông Bình chia sẻ.

Theo ông Bình, việc thu hồi tiền bồi thường thì mới chỉ đề cập đến yêu cầu phải có định lượng là 30 - 50 tháng lương, nhưng thu hồi của ai thì việc này chưa được giải quyết. Vụ án oan của ông Chấn hay ông Nén là lỗi tổng hợp của điều tra viên, kiểm sát viên và của tòa án… Nên giờ nếu yêu cầu bồi hoàn thì không thể nói của riêng toà án.

“Trước kia chúng ta quy định nếu lỗi ở giai đoạn điều tra thì điều tra phải đền, lỗi ở cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra đền, xử lý điều tra viên, lỗi ở giai đoạn truy tố thì VKS phải đền, xử lý kiểm sát viên. Nếu như ở giai đoạn xét xử thì tòa án phải đền, thẩm phán bị kỷ luật. Như vậy nghĩa là người bị kỷ luật phải đền, nhưng vấn đề là giai đoạn sau bị chịu ảnh hưởng, trách nhiệm của giai đoạn trước…” – Chánh án TAND tối cao phân tích và đề nghị giai đoạn điều tra cơ quan điều tra phải đền, xin lỗi, điều tra viên phải bị kỷ luật. Nhưng giai đoạn truy tố thì VKS phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật phải xử lý cả kiểm sát viên, điều tra viên. Đến giai đoạn xét xử, tòa phải xin lỗi, bồi thường nhưng phải xử lý cả 3 bên liên quan. “Phải chịu trách nhiệm như thế, chứ nếu cứ làm xong rồi chuyển rồi vô can là không công bằng” – ông Bình nói.

Chánh án TAND tối cao cũng nêu rõ, 10 năm mới có vụ ông Chấn, 17 năm mới có vụ ông Nén nên việc lập riêng một cơ quan để chuyên làm về vấn đề bồi thường oan sai cần phải cân nhắc rất kỹ.

Về vấn đề tiền đâu để bồi thường oan sai, ông Bình cũng nêu ý kiến của dư luận và Quốc hội cũng đặt ra, tiền của nhân dân đóng không phải để chi trả cho chuyện sai của các cơ quan điều tra, tố tụng làm sai.

"Một vụ ông Chấn bồi thường mấy tỷ, bây giờ các anh làm sai lại bảo nhân dân bỏ ra thì đây là câu chuyện rất nhức nhối. Thế giới làm một việc mà cơ quan Tòa án chúng tôi cũng đã nêu, đó là lập ra quỹ từ các khoản tiền thu được từ buôn lậu, tham ô, ma túy... và lấy tiền đó để trả cho bồi thường. Việc làm này sẽ không phải lấy tiền thuế của dân và nhiều nước đã làm được...", ông Bình đề xuất và mong Quốc hội sẽ xem xét.

Xem thêm Video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.