Ông Phạm Thế Duyệt |
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nếu có được sự đồng thuận của dân thì làm việc gì cũng suôn sẻ, khi làm chính sách nhất thiết không được bỏ qua ý kiến người dân.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ một số quan điểm khi trao đổi với Báo Giao thông về việc xin ý kiến nhân dân đối với những chủ trương, chính sách quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh hay những vấn đề có tác động đến cuộc sống của đông đảo người dân.
Lấy dân làm gốc, việc gì cũng xuôi
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bất cứ việc gì có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của dân trước khi làm đều phải xin ý kiến nhân dân. Thế nhưng vừa qua, với hai dự án chặt hạ cây xanh ở Hà Nội và lấp sông ở Đồng Nai, việc lấy ý kiến của dân đã bị xem nhẹ. Ông nghĩ sao về việc này?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, việc gì muốn thực hiện được cũng phải làm bài bản, có bước đi rõ ràng. Trước tiên, phải minh bạch thông tin, làm cho dân hiểu, dân tin thì mới có thể tiến hành được. Đặc biệt, những việc có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của dân mà không được dân đồng tình thì sẽ rất phức tạp, khó triển khai. Những việc như chặt hạ, thay thế cây xanh có thể xuất phát từ những cái tốt nhưng cách làm không đúng, vội vàng nên mới dẫn đến việc dân khó hiểu, dân nghi ngờ, dân phản ứng. Với cách làm “không bình thường” như vừa qua thì rất không nên, nếu không muốn nói là làm phản cảm. Một khi đã làm cho dân thấy “phản cảm tập thể” thì làm sao coi đó là việc làm đúng được. Vì vậy, bài học là đừng bao giờ đánh giá thấp người dân. Việc lấy ý kiến dân lúc nào cũng có lợi, bởi nếu lấy dân làm gốc, được dân đồng thuận, thì việc gì cũng xuôi.
Từng 8 năm giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội, có bài học nào về việc lấy ý kiến của dân khiến ông suy nghĩ?
Trong 8 năm làm Bí thư, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ được dân tin, dân ủng hộ nên mọi việc đều vượt qua được. Ví như vào thời điểm có nguy cơ vỡ ngân hàng, vỡ tín dụng, hàng ngàn người tưởng là sẽ biểu tình nhưng tôi công khai lên truyền hình khẳng định, thành phố sẽ kiên quyết bảo vệ những người đã gửi tiền vào các quỹ tín dụng, không để mất nên nhân dân yên tâm.
Hay như vào khoảng năm 1989, chúng tôi dự định chuyển nhà tù Hỏa Lò đi để giảm tình trạng ô nhiễm, đỡ phức tạp về chính trị trong khu nội đô. Khi đưa ra việc đó, người dân phản đối rất dữ dội. Chúng tôi phải tổ chức rất nhiều buổi làm việc với các đồng chí lão thành cách mạng để trình bày, nêu rõ lý do, mục đích, thậm chí, phải có cả lãnh đạo Đảng xuống tham gia thuyết phục. Sau 5-7 cuộc làm việc như thế, thì người dân đồng thuận và chúng tôi di dời được nhà tù Hỏa Lò lên khu vực cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm như ngày nay, còn chỉ giữ lại một phần tái hiện nhà tù này ở vị trí cũ nhằm lên án tội ác của đế quốc.
Việc thay thế cây xanh ở Hà Nội được triển khai vội vàng khiến người dân ít đồng thuận (Công nhân Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội chặt hạ cây trên tuyến đường Cầu Giấy) - Ảnh: Sơn Long |
Dân phản đối không lo, quay mặt làm ngơ mới đáng sợ
Ông có cho rằng, có khi nào đó những người ra chính sách cũng muốn xin ý kiến dân vấn đề nào đó, song bản thân họ cũng loay hoay vì không biết xin ý kiến thế nào, những vấn đề gì thì cần xin ý kiến, bởi Luật Trưng cầu ý dân đến nay vẫn chưa có?
Đó chỉ là một phần thôi. Tôi cho rằng điều quan trọng là mình luôn luôn phải lấy dân làm gốc. Việc gì cũng phải bảo đảm quyền lợi của dân, nếu dân hiểu, dân ủng hộ thì việc gì cũng sẽ xuôi, khi đó thì dù chưa có Luật Trưng cầu ý dân, việc này vẫn được thực hiện một cách có hiệu quả.
Có ý kiến cho rằng, những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của dân thì nhất thiết phải lấy ý kiến nhân dân, nhưng lại có quan điểm, nếu việc gì cũng đem ra hỏi ý dân thì sẽ rất khó để thực hiện. Quan điểm của ông thế nào?
Phải xác định rằng, "dân" ở đây không phải chung chung, dân ở đây phải hiểu theo nghĩa có tính thiết thực. Ví dụ, có những việc báo cáo các tổ chức đại diện cho dân, báo cáo những người quản lý việc của dân thì đó cũng là tôn trọng dân, chứ không nhất thiết phải báo cáo tới từng người dân. Nhưng với những chính sách như hưu trí, BHXH, liên quan tới toàn xã hội thì phải lấy ý kiến rộng rãi…
Nếu nghĩ dân làm khó dễ cho mình thì không nên làm việc nữa. Những người “sợ” dân, chỉ muốn bảo sao dân nghe vậy thì cũng không nên làm lãnh đạo nữa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng, “dân” ở đây phải được xác định trong từng nhóm đối tượng cụ thể chứ không phải là định nghĩa “vô điều kiện”.
Theo ông, với mỗi chính sách, để khi đưa vào cuộc sống có hiệu quả thì cần phải có những nghiên cứu, có những bước đi thế nào cho phù hợp?
Với những chính sách liên quan đến dân thì phải cẩn trọng, phải làm sao từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo đến người dân đều hiểu, đừng nghĩ nó là hạn chế quyền hành hay làm chậm tiến độ, mà phải nghĩ nếu làm được thế sẽ rất tốt. Trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách nhất thiết phải có bước đi, có cách làm cụ thể, thông suốt trong chủ trương, lãnh đạo, báo cáo từ nhân dân đến các cấp có thẩm quyền để mọi người đều hiểu, đều đồng tình. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền, phổ biến thông tin rộng rãi.
Những việc trái với lòng dân, với yêu cầu, nguyện vọng của dân, hay kể cả những việc làm tốt mà dân chưa hiểu, dân chưa đồng thuận thì không nên làm. Khi lấy ý kiến, đừng ngại dân phản đối, vì dân phản đối tức là dân vẫn quan tâm đến chính quyền, vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền, chỉ khi nào dân ngoảnh mặt làm ngơ thì mới đáng lo ngại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận