Showbiz

Lê Cát Trọng Lý: Xin ăn, xin ở làm tour Khù khờ

20/04/2016, 07:03

Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Lý, nghe cô chia sẻ về tour diễn đặc biệt đầu tiên trong đời này.

le cat trong ly
Lê Cát Trọng Lý biểu diễn cho các học sinh cấp II tại đồi thông Eo Gió (Trạm Tấu, Yên Bái). Ảnh: TTO

Kết thúc chuyến hành trình 33 ngày của Khù khờ tour, một chương trình diễn thiện nguyện tại 17 điểm trên 17 tỉnh, thành trong cả nước của cô nhạc sĩ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý và những người bạn, Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Lý, nghe cô chia sẻ về tour diễn đặc biệt đầu tiên trong đời này.

Tôi phải đi xin ăn

Tại sao chị lại lấy tên chương trình diễn thiện nguyện của mình là “Khù khờ tour” nhỉ?

Tôi thích những người khù khờ. Tiêu chí chọn người của tôi là những người giỏi nhưng có tính cách trong sáng. Tôi thích người thông minh nhưng ngốc hơn người khôn mà không thông minh. Xã hội ngày nay đang đề cao những người khôn ngoan.

Tôi nghĩ quan điểm như vậy làm những người có phẩm chất tốt đẹp, trung thực, thẳng thắn thường bị đánh giá thấp. Khù khờ với tôi là những người thông minh, nhưng họ không dùng trí thông minh của mình để tư lợi mà dùng nó vì những mục đích tốt đẹp khác.

Những người khù khờ đi cùng chị, họ thế nào?

Tôi chỉ tìm những người mình quen để đi cùng nhưng họ không biết nhau. Chuyến đi này, chúng tôi chia thành 4 nhóm: Nhóm âm nhạc, khuyến học, sức khỏe và biên tập. 4  nhóm làm việc giống như một tòa soạn vậy. Đi tới đâu, làm xong, chúng tôi đưa tin tới đó.

Chúng tôi mất 4 tháng để dựng chương trình, 2 tháng hình thành nguyên tắc hoạt động. Trước một tháng đi tour biểu diễn, chúng tôi phải gửi hết giấy tờ chương trình đi các tỉnh và thành phố.

Kinh phí cho tour diễn này, chị lấy từ đâu?

Tôi phải đi xin. Chúng tôi đã xin trước trên facebook, rồi làm thành đường dây xin ăn và xin ở. Ai cho ăn thì mình ăn, chỗ nào không cho thì lấy tiền bán album của tôi để mua đồ ăn. Số tiền đó còn để mua vé máy bay cho mọi người nữa.

Một chuyến đi tới những nơi hẻo lánh của đất nước và tới những người lao động nghèo, hẳn là chị có nhiều xúc cảm?

Có rất nhiều kỷ niệm vui, nhưng khiến tôi nhớ nhất là khi ở Quản Bạ, Hà Giang. Một cô bé cứ đi theo tôi. Dù mình là người xa lạ nhưng nó cứ ôm, nắm tay như quen biết mình vậy. Mình ngồi thì nó nhìn, mình hát nó hát theo, mình nhảy nó nhảy. Tôi đã viết một bài hát tại đó để dạy tụi nó hát, vui lắm, dù đôi khi hơi phiền toái vì nó cứ đi theo mình cả ngày (cười).

Trong chuyến đi này, tôi còn bị dị ứng và sốt, phải nằm nghỉ mất 4 ngày. Tôi phải bỏ điểm diễn ở Kon Tum, vì trước đêm diễn bị sốt, chúng tôi phải xuống núi tìm bác sĩ.

Kinh phí thiếu thốn, sốt bệnh, còn khó khăn gì nữa mà nhóm chị gặp phải không?

Khó khăn nhất là chuyện di chuyển. Chúng tôi phải di chuyển hơn 5.000km trong 30 ngày, tính ra mỗi ngày 100 - 200 km. Có những ngày không di chuyển, nhưng có những ngày lại đi tận 300km. Đoạn đường lên miền núi là đoạn đường cực nhất, lưng của chúng tôi muốn gãy luôn vì ngồi và nằm ôtô nhiều quá. Có những đêm phải ngủ trên ôtô, ăn lương khô, vất vả nhưng mà vui.

Tôi được niềm vui, hạnh phúc, được kinh nghiệm cho mình học tập. Tôi rất quan tâm tới việc phục vụ cộng đồng, đó là lý tưởng sống của tôi. Nói thì nghe cao sang nhưng với tôi đó là chuyện bình thường. Mỗi người có một ước mơ khác nhau. Ước mơ của tôi là mở rộng tri thức, tìm được những người cùng chí hướng để cùng làm việc tốt hơn, giúp đỡ cộng đồng. Điều đó giúp mình hình thành những hạt giống tâm hồn, xây dựng nền tảng về kinh nghiệm làm việc.

Danh tiếng cũng chỉ tới một mức nào đó, tiền bạc nhiều mà mình không biết tiêu thì cũng tiêu tầm bậy thôi mà.

Tôi cô đơn giữa đám đông

“Khù khờ tour” có làm thay đổi điều gì ở chị?

Tôi đã thay đổi, ví dụ như việc chấp nhận tính khác biệt của đồng đội. Mình có thể cùng một lý tưởng, làm việc chung, nhưng quá trình thực hiện thì tính cách mỗi người khác nhau. Chúng ta buộc phải chấp nhận những tính cách khác biệt để làm việc tốt hơn. Tôi cũng hiểu ra rằng, không phải lúc nào người ta cũng cần những thứ mình cho. Mình đừng nghĩ mình ở vị trí người cho mà chỉ là người chia sẻ và học hỏi thôi.

Những chỗ mình tới là họ làm mình vui chứ không phải mình làm họ vui. Có một điều mà tôi còn tiếc nuối, đó là đôi khi mình nóng tính nên xử lý tình huống khá căng thẳng. Nếu được làm lại, tôi sẽ xử lý nhẹ nhàng, tình cảm hơn. Cũng là cách giải quyết nhưng đôi khi sự nhẹ nhàng sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Sau mỗi chuyến đi, chị học được điều gì ở ngoài kia?

Tôi thấy có nhiều người hạnh phúc hơn mình nghĩ, nên mình phải cẩn thận hơn tâm thế của mình. Nhiều khi mình nghĩ, mình có nhiều vật chất hơn họ nên tự cho mình có quyền hơn họ, nhưng điều đó chưa chắc, cả tri thức mình cũng chưa chắc bằng người ta.

Lúc đi qua Quản Bạ, Hà Giang, tôi thấy có mấy người đứng ngắm núi thật xúc động. Cuộc sống ở thành phố cướp đi toàn bộ phong thái của con người khiến ai cũng cô đơn. Nhất là những người đi làm ở cơ quan, chịu sự bức bối, áp bức, bạo lực về tinh thần và thể chất thì tất thảy ai cũng cô đơn cả. Họ chỉ nói dối là mình không cô đơn thôi chứ thực chất họ sợ cô độc và cô đơn.

Vậy chị có bao giờ cô đơn không?

Khi phải làm việc ở thành phố lớn tôi có nhiều bạn bè, tôi khá cô đơn trong đám đông đó. Nhưng tôi sống ở đây, có ít bạn khiến tôi sống hạnh phúc hơn.

Cảm ơn chị!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.