Xã hội

Lễ hội bớt dần phản cảm, trở về giá trị thiêng liêng

26/02/2018, 07:12

Theo các chuyên gia, về cơ bản, các lễ hội đầu năm nay diễn ra khá tốt...

4

Người dân trẩy hội chùa Hương trong ngày khai hội (6/1 Âm lịch) - Ảnh: Tạ Tôn

Năm 2018 đánh dấu nhiều thay đổi trong công tác quản lý theo hướng tích cực, dần trả lễ hội về đúng với nguồn gốc và giá trị thiêng liêng. Báo Giao thông đã ghi nhận ý kiến của một số nhà văn hóa về câu chuyện lễ hội Xuân Mậu Tuất.

5

 

TS. Nguyễn Hùng Vỹ, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian:

Những dấu hiệu đáng mừng đã được ghi nhận

Kỳ lễ hội mới diễn ra được một tuần, chưa thể nói trước điều gì vì vẫn còn những lễ hội tiếp theo. Nhưng về cơ bản, các lễ hội đều diễn ra khá tốt. Năm nay, qua một tuần lễ hội, những dấu hiệu đáng mừng đã được ghi nhận. Người đi hội, có nơi còn chen chúc, tắc đường nhưng đã đỡ hơn rất nhiều. Những hành động dễ gây tranh giành, phản cảm hoặc đã tạm dừng hoặc đã thay đổi. Đó là điều đáng mừng. Có thể thấy những bổ sung quy định lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được thực thi tốt hơn. Cố gắng của các ban tổ chức lễ hội là đáng ghi nhận. Để đem đến sự thành công, các đơn vị này đã vất vả lo toan và mạnh dạn thay đổi.

Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn. Tại QL1 qua Thị Cầu, dòng xe đi lễ Bà Chúa Kho đã gây tắc đường vào lúc 14h chiều mùng 6 tháng Giêng. Lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh phải huy động 500 người thuộc công lực để giải tỏa ùn tắc. Nạn buôn thần bán thánh đang nở rộ dưới chiêu bài đáp ứng "văn hóa tâm linh". Người đi lễ, đi hội là một thực thể phức tạp, cho nên vì thế lúc này đã vội cho rằng nhận thức của nhân dân có chuyển biến tích cực là hơi sớm.

6

 

PGS.TS. Trần Lâm Biền, Nhà nghiên cứu di sản văn hóa:

Đừng thấy họ ra công văn đã vội vỗ tay khen

Đây là năm đầu tiên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn hướng dẫn đồng bào Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Tiếng nói của giới Phật tử là rất quan trọng. Trong cuộc đấu tranh làm sạch mùa lễ hội, cần có sự tham gia của mọi tôn giáo, tín ngưỡng. Mỗi người một tay đồng lòng giáo hóa chúng sinh, dẹp bỏ sai trái, nâng cao nhận thức quần chúng thì mới có thể thúc đẩy xã hội phát triển.

Song, đừng thấy họ ra công văn đã vội vỗ tay khen ầm ầm. Bản thân tôi ủng hộ tinh thần của Giáo hội Phật giáo, song sự ủng hộ này chỉ là một phần. Tôi băn khoăn tại sao hội Phật giáo không lên tiếng, đưa ra ý kiến hay lời khuyên như vậy từ khoảng chục năm trước? Vì lý do gì mà tới giờ họ mới lên tiếng? Nên nhớ, nhà Phật là phải vì chúng sinh, chúng sinh đã sai lầm mê muội thì nhà Phật phải có trách nhiệm. Trách nhiệm này thực chất đã tồn tại từ lâu rồi, chứ không phải tới bây giờ. Đưa ra muộn còn hơn không đưa ra, nhưng tại sao tới giờ mới đưa là một vấn đề.

Hơn nữa, nếu tôi là phật tử, tôi sẽ đề nghị tất cả chúng sinh, chùa chiền, đền phủ không nên đốt vàng mã. Chứ không phải chỉ làm chuyện cục bộ với các ngôi chùa như công văn trên. Nên nhớ nhà Phật là giáo hóa toàn bộ chúng sinh chứ không phải chỉ các phật tử.

7

 

GS. TS KH Tô Ngọc Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian:

Từ tật xấu của người nông dân

Có những hành động trong những ngày hội là biểu thị cho sự khoe của, ganh tị - tật xấu mà người nông dân nào cũng có. Vì sự khoe của, ghen tị ấy mà khi đi hội, lẽ ra chỉ dâng một lễ thôi, thì giờ người ta ôm cả thúng lễ rồi đốt. Theo kiểu muốn chứng minh: “Tao đốt cho mày xem”. Ta đang chứng kiến hình ảnh của một xã hội nông dân chuyển sang xã hội tiêu dùng thị trường.

Và đừng nghĩ hai chữ nông dân ấy chỉ dành cho người nghèo, người nông thôn. Có cả những anh giàu có, trí thức cũng hành xử như vậy. Mà thực chất thì anh, tôi hay ai cũng mang trong mình một phần cái gốc nông dân ấy. Cả xã hội Việt Nam đi lên từ nền tảng nông nghiệp, qua được mấy chục năm cách mạng với kinh tế thị trường mà tưởng gột rửa được hết sao?

Cho nên, những tồn tại trong mùa lễ hội nó là bản chất con người. Cần phải ứng xử theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Nhiều đơn vị cùng vào cuộc, bằng các phương pháp nhỏ nhẹ, đi từ phạm vi gia đình ra ngoài xã hội thì may ra tầm chục năm nữa mới thay đổi được. Còn bây giờ chỉ có cấm đoán - tức là bạo lực mới có tác dụng. Tiếc là bạo lực thì sẽ lại có nguy sinh ra tiêu cực, cường quyền.

8

 

TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam:

Chọn phá bỏ phản cảm sẽ hay hơn

Ngày xưa là hội làng, diễn ra trong phạm vi của làng, việc tranh cướp chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng sau đó lễ hội không còn là của riêng các làng nữa, mà cả vùng, cả nước tham gia lễ hội. Không còn là biểu tượng nữa, người ta phải tranh cướp thật mới dẫn tới lộn xộn, phản cảm. Hiện giờ, người ta xử lý bằng giải pháp không cho cướp vật thiêng nữa. Cái hay ở chỗ giải pháp này sẽ loại bỏ những bất cập, nhưng nó chỉ là biện pháp chữa cháy. Ngược lại, người xưa có nói “tả tơi xem hội”. Bỏ yếu tố tranh cướp, một bộ phận cấu thành nên lễ hội cũng mất. Nhìn lại các hồ sơ của lễ hội đều có hoạt động này, mà giờ lại không còn nữa.

Biện pháp hay nhất vẫn là thay đổi niềm tin của con người về việc tranh cướp. Nhưng chờ đợi điều đó sẽ quá lâu. Quan sát các mùa lễ hội gần đây, tôi cho rằng, biện pháp cấm tranh cướp vật thiêng như vậy là tốt, có tính khả thi. Dù sao, giữa việc mất biểu tượng và xóa bỏ phản cảm, chúng ta chọn phá bỏ phản cảm sẽ hay hơn.

Dù mang tính chữa cháy, nhưng nếu các biện pháp nhất thời đó được duy trì hàng năm, năm nào cũng lặp đi, lặp lại sẽ mang lại lâu dài. Ví dụ như tục hái lộc ở Lào Cai quê tôi: Trước kia gần như tất cả đều bẻ cây hái lộc. Sau đó ngành văn hóa vào cuộc, làm việc với cơ quan quản lý rừng đặt sẵn cây lộc ở một chỗ. Ai đến thăm cũng được phát cành lộc mang về. Cộng thêm quy chế bẻ lộc trái phép sẽ bị phạt được tuyên truyền. Phong tục được lặp đi, lặp lại suốt 15 năm qua đã khiến người ta thay đổi thói quen, đến giờ vẫn tốt.

9

 

Giáo sư Nguyễn Chí Bền, Nguyên viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam:

Cần thiết giáo dục ý nghĩa lễ hội cho người dân

Hiệu quả của các công tác quản lý lễ hội đã có ít nhiều tác dụng. Với một vài chuyển biến đầu năm như vậy có thể tạm yên tâm dù chúng ta chưa thực sự bước vào giai đoạn cao điểm của lễ hội. Phải tầm một tháng nữa, từ giờ tới hết tháng Giêng mới thấy toàn cảnh lễ hội.

Có một vấn đề tôi đã chứng kiến: Khi lẳng lặng theo chân nhiều người tới các lễ hội, di tích, ở đâu họ cũng dùng một câu Nam mô a di đà phật mang tính ước lệ. Từ đền, chùa, đình, phủ nơi nào cũng Nam mô. Nghĩa là với nhiều người, ngay câu đầu tiên của nghi thức cúng lễ người ta đã không hiểu. Từ đó, việc giáo dục ý nghĩa lễ hội cho người dân vẫn là cần thiết hàng đầu.

Đừng sợ vì thế mà lễ hội mất thiêng, bởi câu chuyện này đã có từ ngàn đời nay. Tuyên truyền rằng ấn Đền Trần không giúp thăng quan tiến chức, bà Chúa Kho không cho vay tiền... theo tôi sẽ không khiến lễ hội vắng du khách. Cộng đồng tổ chức và thụ hưởng lễ hội nên có sự hiểu biết nhất định. Việc giải thích ý nghĩa lễ hội không mâu thuẫn với phát triển du lịch tâm linh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.