Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: "Hà Giang tổ chức lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để tiếp tục quảng bá hình ảnh của Hà Giang với nhân dân, du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế; để du khách hiểu thêm về mảnh đất và con người Hà Giang.
Hà Giang tổ chức lễ hội này để gắn với việc kích cầu du lịch, trong trạng thái bình thường mới. Từ lễ hội này sẽ tiếp tục tạo ra một chuỗi du lịch không phải du lịch theo mùa, mà tạo ra một chuỗi du lịch liên tục từ nay đến cuối năm".
Nơi diễn ra chương trình khai mạc và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chủ đề "Phiên chợ tình ca"
"Ban chỉ đạo đã phân công cho từng thành viên trong Ban phụ trách vấn đề an ninh, trật tự, vấn đề đón khách, duy trì giá cả hàng hóa dịch vụ, không để tăng giá cũng như hiện tượng chặt chém du khách, đảm bảo du khách không gặp những vấn đề không mong muốn. Ban tổ chức mong khách du lịch sẽ thích đến Hà Giang và quay lại Hà Giang nhiều hơn", ông Quý cho biết thêm.
20 thí sinh tham gia Hội thi Người đẹp miền Cao nguyên đá năm 2022
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang dự kiến lễ hội sẽ thu hút trên một trăm ngàn du khách đến tham quan, du lịch.
Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang thông tin thêm tới PV Báo Giao thông: "Lễ hội năm nay sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, tổng đạo diễn cũng như tỉnh đã khai thác toàn bộ giá trị văn hóa, đặc biệt là tái hiện lại câu chuyện nàng Út và chàng Ba để cho du khách đều biết đến câu chuyện đã diễn ra trên 100 năm trước, một câu chuyện đã gắn liền với văn hóa đồng bào các dân tộc ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung và xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc nói riêng.
Bên cạnh đó sẽ diễn ra lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà. Đây là một nghi lễ không thể thiếu được và năm nay rất đặc biệt là sẽ có 27 lễ chính tại khu vực miếu Ông, miếu Bà và 13 lễ của mười ba thôn bản được dâng lên miếu Ông, miếu Bà".
Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang
"Lễ hội lần này là một hoạt động thiết thực để thực hiện chủ trương mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới. Hà Giang cũng kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan trải nghiệm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Hà Giang", bà Tình nói.
Quang cảnh nơi diễn ra chương trình khai mạc chiều 24/4, trước ngày bắt đầu lễ hội diễn ra
Một số hoạt động chính của lễ hội gồm có: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá, chương trình khai mạc và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia chủ đề "Phiên chợ tình ca", lễ dâng hương miếu Ông miếu Bà, lễ cầu duyên, cầu am và giao lưu văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống...
Một thí sinh tham gia Hội thi Người đẹp miền Cao nguyên đá năm 2022
Ngoài ra, du khách cũng sẽ được tham gia các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm như trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương, khám phá Mê cung đá xã Khâu Vai. Tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm tại huyện Mèo Vạc như đi thuyền trên sông Nho Quế ngắm Hẻm Tu Sản, tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, khám phá tuyến đi bộ qua Vách đá thần Mã Pì Lèng...
Chuyện tình Khâu Vai là câu chuyện tình đã làm nên huyền thoại “Chợ tình Khâu Vai” của Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang.
Chuyện kể về mối tình trắc trở của chàng Ba - chàng trai người Nùng hiền lành, dũng cảm nhưng nghèo khó và nàng Út - cô con gái xinh đẹp, nết na của Tộc trưởng người Giáy quyền quý, cao sang.
Vì những luật tục khắt khe của người khác tộc, vì ngăn cách thân phận hèn sang, chàng Ba - nàng Út không thể ở bên nhau, chỉ có thể nguyện chết cùng nhau.
Cảm thương mối tình tuyệt đẹp, đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá đã chọn ngày 23/7 âm lịch hàng năm - ngày hẹn hò của chàng Ba và nàng Út ngày trước - là ngày những đôi tình nhân không nên duyên được với nhau có thể tìm gặp “người cũ” để tâm sự, thăm hỏi, sẻ chia nỗi lòng dù cả hai đều đã có gia đình riêng. Chợ tình Khâu Vai ra đời từ đó, ghi dấu một phong tục vô cùng độc đáo của đồng bào vùng cao Hà Giang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận