TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó 80% là lễ hội dân gian. Từ mùng 4 Tết, những lễ hội bắt đầu diễn ra khắp nơi và kéo dài đến 2-3 tháng, dẫn đến tình trạng: Người mải mê đi lễ, đi hội bỏ bê công việc, kẻ đốt mã đốt vàng, vung tiền cúng bái lãng phí tiền bạc… Dưới góc nhìn kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu , chuyên gia kinh tế đã có những chia sẻ về cái được và mất trong sự việc này.
Thưa ông, mỗi năm cả nước có gần 8.000 lễ hội, ông nghĩ gì về con số này?
Con số này quá lớn. Tuy nhiên, nó không nói lên điều gì. Điều đáng quan tâm là những lễ hội này tác động đến thế nào đến xã hội và kinh tế.
Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện đất nước cần tập trung nguồn lực để phát triển thì chúng ta lại quá lãng phí tiền của, thời gian vào việc tổ chức lễ hội tràn lan ở các địa phương. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Những lễ hội tác động tích cực về mặt xã hội, giữ gìn những truyền thống, phong tục tập quán của người Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều lễ hội gây lãng phí về thời gian, lãng phí chi phí kinh tế bởi những chi phí lớn cho lễ hội. Dân chúng đi lễ hội nhiều như thế lãng phí về kinh tế, đưa đến các hệ lụy khác về giao thông, bán hàng hóa chất lượng kém xung quanh lễ hội... Khách du lịch vào những dịp lễ hội không nhiều, không bù trừ thiệt hại do lãng phí từ lễ hội. Có thể nói, nhiều lễ hội ở Việt Nam gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Lễ Tết của Việt Nam đi ngược với chu kỳ kinh tế của thế giới.
Gần 8.000 lễ hội trong năm gây lãng phí thời gian và kinh tế (Trong ảnh: Hàng nghìn người dự lễ Khai ấn đền Trần năm 2016) Ảnh: Lã Anh |
Trên thế giới cuối tháng 12 là giai đoạn kết thúc và hoạt động kinh tế chậm lại. Nhưng ở Việt Nam, tháng 12 lại là tháng có những hoạt động kinh tế rất rầm rộ, nhất là chuẩn bị cho lễ, Tết.
Trong những ngày nghỉ cuối năm, thị trường chứng khoán đóng cửa, mình lại đi vào giai đoạn kinh tế rầm rộ và cần vốn. Trong những ngày đó không thể hoạt động chu kỳ kinh tế. Sang đầu năm, nền kinh tế thế giới bật lên vào tháng 1 thì ở ta chu kỳ của kinh tế kết thúc để chuẩn bị cho lễ Tết và hội hè.
Một tháng trời chuẩn bị đón Tết, nghỉ Tết kéo dài tận 9 ngày, ra Tết lại đi lễ hội, thậm chí nhiều doanh nghiệp tháng 2 âm lịch mới hoạt động trở lại, nền kinh tế trì trệ một tháng sau Tết. Như vậy, mình mất 2 tháng để một nền kinh tế có ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính của tôi thì nó tác động từ 10-20% GDP và đó là sự tụt hậu kinh tế so với thế giới.
Theo ông, chúng ta cần phải thay đổi hay điều chỉnh những gì để tổ chức lễ hội vui tươi, lành mạnh mà tiết kiệm không bị lãng phí?
Việt Nam bắt đầu từ tâm lý kinh tế nông nghiệp, nhưng hiện tại đang bước vào nền kinh tế công nghiệp nên cần phải thay đổi.
Để làm chuyện đó, trước hết chính quyền cần tuyên truyền phổ biến những lễ hội nào có ý nghĩa cao về tâm linh và truyền thống. Cũng không nên tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức các lễ hội rầm rộ như vậy.
Ngoài chính quyền, người dân cũng phải ý thức được chuyện đi cúng bái lễ hội tràn lan như vậy, không những thiệt hại chi phí nhiều cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến gia đình và cho cả xã hội.
Cảm ơn ông!
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Lễ hội là yếu tố tích cực Con số 8.000 lễ hội chỉ là con số thống kê mang dấu ấn của thời kỳ đất nước chia nhiều làng xã, mỗi làng xã có một thành hoàng làng, tập tục riêng. Giờ đây từ nhu cầu địa phương trở thành nhu cầu xã hội, từ lễ hội thành du lịch nên lễ hội khác rất nhiều. Quyền làm lễ hội là quyền của mọi người. Người dân sử dụng thời gian tiền bạc là của họ, như công chức, viên chức không đi trong giờ, có phép tắc hẳn hoi, chuyện đi lại đôi khi kích cầu nhu cầu xã hội. Lãng phí chỉ là không đáng đi người ta vẫn đi, lạm dụng vào các nguồn lực khác của xã hội, đốt vàng mã, tiền lẻ. Lễ hội là yếu tố tích cực, còn ta tổ chức kém, quản lý kém thì dẫn đến tiêu cực. Bây giờ cần tìm lại những lễ hội nào có giá trị để phát huy. GS Trần Lâm Biền: Nhận thức về truyền thống bị tàn phai Lễ hội làng ngày xưa diễn ra theo lối “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Bây giờ chúng ta phải thừa nhận lễ hội đem lại nguồn lợi vật chất, mang lại các nguồn thu lớn. Những chỗ ấy do nhận thức về truyền thống bị tàn phai, từ lễ hội chuyển sang chỉ có cúng, vái. Đền Bà Chúa kho giờ chỉ còn là chỗ cúng bái, chỗ xin xỏ, mất chất làng xã chuyển sang tính phục vụ cho những người ở khắp nơi mưu cầu lợi ích, thiếu cả nhận thức, đi để cầu may và chống lại hụt hẫng tinh thần của cá nhân. Ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn Bộ VH,TT&DL: Lễ hội cũng mang nguồn thu lớn cho đất nước Lễ hội cũng mang nguồn thu lớn cho đất nước. Một khu du lịch tổ chức lễ hội tốt đóng góp rất lớn về kinh tế, ổn định chính trị an ninh, phát triển nghề nghiệp và giữ gìn bản sắc dân tộc, gắn bó cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam ở An Giang, hàng năm đóng góp hàng chục tỷ thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Số tiền đó, BTC lễ hội ngoài đóng thuế cho Nhà nước sẽ tổ chức, trùng tu tôn tạo, khai thác tiếp tục phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, thu hút một số bộ phận không có việc làm, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận