Người dân đến làm thủ tục đổi GPLX theo mẫu mới tại Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh |
Tính đúng, tính đủ
Theo Tổng cục Đường bộ VN, cả nước hiện có gần 4,2 triệu giấy phép lái xe (GPLX) ô tô, trong đó đã đổi sang mẫu mới gần 2,2 triệu (hơn 50%). Đối với mô tô, có hơn 32 triệu GPLX, đã đổi hơn 3,1 triệu (gần 10%).
Trong hai năm qua, Tổng cục Đường bộ VN cùng với các Sở GTVT đã cập nhật dữ liệu của 27 triệu GPLX vào cơ sở dữ liệu GPLX toàn quốc. Với tiến độ nói trên, hạn chót cho việc cấp, đổi GPLX từ vật liệu bằng giấy sang thẻ nhựa (PET) đến 31/12/2014 là không thể thực hiện được. Từ thực tế trên, Tổng cục Đường bộ VN đã đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận kéo dài thời gian đổi GPLX ô tô đến 31/12/2015.
Tuy nhiên, thời gian qua, có ý kiến cho rằng, vì lệ phí đổi GPLX cao hơn các giấy tờ khác, khiến người dân không đi đổi. Ông Đỗ Xuân Long, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội vừa đi đổi GPLX mới bằng vật liệu PET cho rằng, mức lệ phí 135 nghìn đồng/GPLX là cao, bởi làm chứng minh nhân dân (CMND) chỉ dưới 50 nghìn đồng.
Theo Thông tư số 73 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức lệ phí cấp GPLX bằng vật liệu PET là 135 nghìn đồng/GPLX, trong đó nộp ngân sách Nhà nước 35%, cơ quan cấp GPLX được sử dụng 65% để đảm bảo toàn bộ chi phí phôi, vật liệu in, màng phủ bảo vệ, khấu hao máy móc thiết bị, duy trì đường truyền và cơ sở dữ liệu GPLX toàn quốc, lương và các phụ cấp theo lương phục vụ công tác cấp, đổi GPLX. |
Anh Nguyễn Văn Tiến ở Bắc Từ Liêm cũng cho rằng, mức lệ phí đổi GPLX cao sẽ không khuyến khích được người dân đi đổi. Các cơ quan chức năng nên xem xét giảm mức phí này cho phù hợp.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, việc so sánh mức thu lệ phí cấp GPLX và CMND là không hợp lý. Vì về bản chất, đây là hai loại giấy tờ khác nhau về chất liệu, yêu cầu và nội dung quản lý. CMND là loại giấy tờ tùy thân, được cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân.
Trước đây, Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ năm 2007 quy định miễn lệ phí cấp CMND mới. Tuy nhiên, dự án cấp CMND bằng công nghệ mới cần nguồn vốn lớn nên hai bộ Công an và Tài chính đã báo cáo Chính phủ cho phép thu lệ phí để hỗ trợ thực hiện dự án. Theo đó, cơ quan cấp loại giấy này được trích lại 30% số tiền lệ phí thu được để chi cho công việc thu lệ phí theo quy định, 70% còn lại nộp vào ngân sách. Do đó, các chi phí khác như: Phôi ấn chỉ, khấu hao máy móc, vật liệu in, thuê bao đường truyền… sẽ được ngân sách Nhà nước cấp đủ để thực hiện công tác này. Dự án này đang trong giai đoạn thí điểm nên chưa triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Còn GPLX là loại chứng chỉ cấp cho người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. “Do vậy, cá nhân có nhu cầu điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ phải nộp lệ phí. Mức lệ phí được xây dựng theo nguyên tắc chung là phải bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí, lấy thu bù chi, kể cả khấu hao máy móc, thiết bị và có xem xét để đảm bảo phù hợp với khả năng thanh toán của người nộp. Mức thu này đã được triển khai trên cả nước từ hai năm nay”, ông Quyền nói.
Người dân đến làm thủ tục cấp đổi GPLX tại 16 Cao Bá Quát, Hà Nội |
“Chắt bóp” để không tăng phí
Ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cũng cho rằng, mục tiêu làm loại GPLX này là để phục vụ người dân chứ không phải kinh doanh. Ngoài các chi phí đầu vào như mua phôi, vật liệu…thậm chí, mức thu này không đủ trả lương nếu không có sự điều hòa nhân lực từ các phòng, ban khác sang làm chuyên trách.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Vận tải - Phương tiện và Người lái (Sở GTVT Ninh Bình) cho rằng, lệ phí cấp mới GPLX hiện nay (135 nghìn đồng) không hề cao so với các giấy tờ cùng loại.
Ông Nguyễn Văn Quyền cũng cho biết thêm, qua hai năm thực hiện việc cấp đổi GPLX sang vật liệu mới, đã có 22/42 Sở GTVT kiến nghị tăng mức thu lệ phí cấp GPLX. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lệ phí thu được của các Sở GTVT không thống nhất nên mức đề xuất không đồng đều. Mức đề xuất tăng chủ yếu cho chi phí lương. Vì thế đã có 26/42 ý kiến đề xuất giảm mức trích nộp ngân sách và 15/42 ý kiến đề nghị trích nộp ngân sách sau khi trừ chi phí mua phôi ấn chỉ GPLX và nguyên vật liệu in…
“Từ những kiến nghị này, Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức cuộc họp với các Sở GTVT có kiến nghị cùng đại diện Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho ý kiến về việc điều chỉnh sử dụng nguồn thu từ lệ phí cấp GPLX bằng vật liệu PET. Tuy nhiên, cuộc họp đã thống nhất không điều chỉnh mức thu lệ phí cấp GPLX bằng vật liệu PET. Thay vào đó, các Sở GTVT phải rà soát bố trí, sắp xếp định biên và xây dựng mức chi phí thực tế thực hiện công tác quản lý cấp GPLX theo tinh thần tiết kiệm sát với chi phí được tính toán trong quá trình xây dựng Thông tư số 73 năm 2012 của Bộ Tài chính và phù hợp tình hình thực tế ở địa phương. Đồng thời, các đơn vị phải thực hiện việc trích nguồn thu từ lệ phí cấp GPLX bằng vật liệu PET để cải cách tiền lương theo đúng quy định”, ông Quyền cho biết.
Cũng theo ông Quyền, sau một thời gian triển khai, Tổng cục Đường bộ VN đã làm việc với nhà cung cấp xem xét giảm giá thành phôi ấn chỉ và nguyên vật liệu in GPLX bằng vật liệu PET để bù đắp chi phí thực hiện công tác cấp GPLX cho các Sở GTVT. Trên cơ sở xem xét tính toán lại các chi phí cho việc nhập khẩu vật tư, tiết kiệm trong quá trình sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu, đơn vị cung ứng đã đồng ý điều chỉnh giảm giá thành nguyên vật liệu in GPLX bằng vật liệu PET từ 20.748 đồng xuống còn 17.748 đồng (giảm giá ba nghìn đồng/GPLX) và đã thực hiện từ ngày 1/10/2014.
Khánh Hà
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận