Cậu bảo vệ khách sạn chỉ mơ được hát
"Miền nhớ" là phim ca nhạc kể về một cậu bé sinh ra trong miền quê nghèo, từ nhỏ đã vô cùng đam mê ca hát. Cậu bé có tuổi thơ ngọt ngào và bình yên nhưng khi vừa lớn lên thì gia đình gặp biến cố lớn. Mẹ cậu sớm qua đời vì bệnh nặng, còn bố không khỏe mạnh, giao tiếp không thuận lợi như người bình thường.
Xuyên suốt bộ phim "Miền nhớ", Lê Vĩnh Toàn gây ấn tượng với khán giả bởi giọng hát đầy cảm xúc, ngọt ngào và diễn xuất tự nhiên khiến khán giả thổn thức.
Lê Vĩnh Toàn sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Nghệ An trong gia đình có 5 anh chị em. Học hết lớp 9, thấy hai anh chị đi học đại học khiến bố mẹ vất vả nên Toàn quyết định dừng việc học, đi làm thuê kiếm tiền tự lo bản thân.
Toàn lên Sa Pa làm bảo vệ ở một khách sạn để kiếm sống dù chưa đủ tuổi lao động. Những tháng ngày làm bảo vệ, cứ cuối tuần khách sạn cho nhân viên "xả hơi" bằng một buổi liên hoan, hát karaoke, Toàn cảm thấy sung sướng mỗi khi được cầm mic hát.
Cuộc sống vất vả của một người bảo vệ, ngày ngày vác những chiếc vali to hơn người lên từng tầng nhà cho khách luôn được xoa dịu, an ủi bằng sự mong chờ đến ngày cuối tuần được cầm mic hát.
Lê Vĩnh Toàn nhớ lại, có một lần ở Sa Pa tổ chức liên hoan văn nghệ giữa các khách sạn, Toàn được một chân diễn viên, miệt mài tập luyện cả tháng trời hồi hộp đợi ngày được lên sân khấu diễn thì bị cắt vì chương trình quá dài.
Phía đối diện khách sạn của Toàn có một bạn cũng làm bảo vệ, hát hay nên rất thường xuyên được mời tham gia các chương trình văn nghệ ở thị trấn Sa Pa. Toàn rất ngưỡng mộ, anh nhìn rõ bản thân, hiểu rõ khát khao, đam mê của mình.
Sau 2 năm làm bảo vệ, Lê Vĩnh Toàn quyết định trở về quê, đi học bổ túc hiện thực ước mơ.
Cũng trên chính tình yêu âm nhạc, khát vọng trở thành ca sĩ ngày càng lớn ấy, Lê Vĩnh Toàn đã trải qua một cuộc đời chìm nổi, cơ cực, bôn ba khắp chốn, khó khăn chồng chất không khác gì một bộ phim.
Trời không phụ người kiên trì và có lòng, Lê Vĩnh Toàn cho biết, anh chưa bao giờ dám tưởng tượng có thể xảy ra, chính là trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và thỏa giấc mơ làm ca sĩ chuyên nghiệp.
Vào Sài Gòn với 150 ngàn, ăn mì, ngủ kho để đi hát
Về quê, vừa đi học, Toàn vừa tìm mọi cách để được đi hát dù là ở bất kỳ đâu. Anh trai đi làm MC đám cưới, Toàn xin đi theo để khi có cơ hội lên sân khấu hát.
Như thế vẫn chưa đủ, Toàn tìm đến các nhà làm rạp đám cưới xin đi bê loa, với mong muốn là nếu chương trình nào thiếu ca sĩ, lúc vắng người thì cho Toàn lên sân khấu hát.
Trong cốp xe máy cũ kỹ của Toàn bao giờ cũng có một bọc nilon nhỏ, đó là chiếc áo sơ mi sáng sủa để sau khi bê loa xong, Toàn sẽ diện nó vào và rạo rực ngồi chờ cơ hội được hát.
Học xong cấp 3, Toàn vào Sài Gòn khi chỉ có 150 ngàn đồng trong người. Anh ngủ ghế đá, ăn mì gói. Nhờ được một mối quan hệ giới thiệu vào gánh hát Phương Tường, đi biểu diễn tại các vùng quê miền Tây xa xôi.
Anh làm công việc bê loa đài, set sân khấu, hậu đài và thi thoảng hát trong thời gian chờ ngôi sao biểu diễn. "Có hôm tôi chuẩn bị lên hát thì MC bảo thôi không cần nữa vì ngôi sao tới rồi, buồn vô cùng tận", Lê Vĩnh Toàn nhớ lại.
Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của một người anh họ, Toàn ở trọ nhờ tại phòng kho nhỏ ở Sài Gòn, ngày đi làm bảo vệ, đêm hát các phòng trà nhỏ, rồi đi hát theo các gánh lô tô khắp nơi với số tiền ít ỏi. Nhiều nơi còn từ chối không nhận vì thấy Toàn gầy, đen.
Những ngày tháng ngủ ở phòng kho với chuột, gián, kiến vây quanh, nhiều vết sẹo chuột cắn còn lưu dấu đến tận giờ; những ngày quanh năm chỉ đủ tiền ăn mì gói và sáng phải ngủ dậy thật trễ chỉ để tiết kiệm không phải ăn bữa sáng đã có chàng ca sĩ dân gian ngày hôm nay.
Gặp gỡ ca sĩ Tân Nhàn: Tôi được tái sinh
Không có điều kiện đến trường, Toàn tự học chuyên môn qua internet. Anh có cơ duyên gặp và được ca sĩ Huyền Trang "giới thiệu với cô Tân Nhàn để tôi được thử sức trong môi trường chuyên nghiệp là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVÂN). Tôi run người vì đó là điều quá xa vời chưa bao giờ dám nghĩ tới", Lê Vĩnh Toàn chia sẻ.
Khi Toàn ra Hà Nội ôn thi vào Nhạc viện, ca sĩ Tân Nhàn đã cho mượn nhà để ở và ôn thi.
Toàn thi vào trung cấp HVÂN khi tuổi không còn phù hợp. Tân Nhàn đã dùng uy tín của mình để bảo vệ Toàn và giúp học trò bước vào cánh cổng HVÂN, chính thức đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
"Cuộc đời với những âm u bi đát tưởng như lúc nào cũng hiện trước mắt tôi, tưởng như nhiều khi không còn hy vọng gì nữa, nhưng khi đó tôi thấy bầu trời như rực sáng bởi tôi được học trong ngôi trường mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể.
Tôi như được sinh ra một lần nữa. Có thể nói sự nghiệp âm nhạc của tôi bắt đầu nhờ sự giúp đỡ nhiệt thành của cô Tân Nhàn", Lê Vĩnh Toàn chia sẻ. Hiện tại, Lê Vĩnh Toàn đang được dạy dỗ, dìu dắt bởi ca sĩ Lê Anh Dũng.
Lê Vĩnh Toàn nhớ lại, khi anh ra Hà Nội ôn thi, cha bệnh nặng cầm tay nói: "Con hãy cố lên", sau đó ít lâu thì cha mất. Lời cha dặn dò khắc ghi trong tâm trí, thúc đẩy anh nỗ lực không ngừng.
Trả lời báo chí về "Miền nhớ", đạo diễn Huyền Vũ muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp hãy dám nghĩ dám làm để thực hiện ước mơ của mình, vươn tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời nhắn gửi, tình cảm của cha mẹ dành cho con cái, họ sẵn sàng hy sinh bản thân, chịu mọi gian khổ để cho con mình được hạnh phúc.
Phim âm nhạc "Miền nhớ" được chiếu trong nhiều ngày trên VTV1, tại bộ phim này có những sáng tác "Quê hương trong nỗi nhớ; Sông quê; Dòng sông ký ức; Ơn mẹ; Nhớ cha mùa khế ngọt; Đường về thôn quê; Lời cha chưa nói. Đặc biệt hai ca khúc Nhớ cha mùa khế ngọt và Sông quê do chính Lê Vĩnh Toàn sáng tác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận