Chất lượng sống

Lên bản Cọ Sơn, nghe già Đường kể chuyện bắt giặc lái

13/01/2018, 06:49

50 năm đã trôi qua, nhưng đối với già làng Nguyễn Văn Đường, bản Cọ Sơn 2, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn...

3

Già làng Nguyễn Văn Đường trò chuyện với phóng viên Báo Giao thông

Bốn thế hệ cùng chung sống đoàn tụ

Đến thăm già làng Nguyễn Văn Đường trong một ngày mùa đông có mưa phùn lạnh, chúng tôi thấy già đang cho đàn vịt ăn, với dáng dấp nhanh nhẹn. Dù không phải mùa vịt, nhưng con nào trông cũng béo tốt, khỏe mạnh. Vừa cho vịt ăn xong, già lại quay sang cắt cỏ cho đàn bò hơn chục con. Nhìn dáng vẻ, chẳng ai nghĩ già đã ở cái tuổi ngoài bát thập.

Nhiều người dân trong làng cho hay, mọi người phong chức già làng cho ông không phải bởi ông tuổi cao, mà họ nể phục, yêu mến, tin tưởng ở con người ông và gia đình ông. Cái nể đầu tiên là ở chỗ gia đình già Đường là gia đình duy nhất duy trì được bốn thế hệ sống đoàn tụ và giữ nếp ăn chung. Một điều đáng nể nữa là gia đình già Đường dẫn đầu trong phong trào “nuôi bò thoát nghèo bền vững”. Già Đường còn vận động con cháu và các hộ dân trong xóm mở rộng chăn nuôi trâu, bò thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao. Không những thế, cháu nội của già, anh Nguyễn Minh Huyển là cán bộ thú y của xã, thường xuyên tư vấn và hỗ trợ các hộ dân quanh vùng hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng bệnh, phòng, chống rét cho vật nuôi.

Ngồi trong căn nhà sàn bằng gỗ khang trang, già Đường tự hào kể: “Trước gia đình khó khăn lắm. Nhờ chính quyền hướng dẫn cách chuyển đổi mô hình kinh tế nuôi bò mà thoát nghèo. Đến nay, gia đình già nuôi cả trâu, vịt, lợn, gà”.

Nhưng có lẽ dân trong bản nể phục nhất ở già Đường là chiến công bắt tên phi công Mỹ cao lớn. Nhấc chén rượu men lá, trông già Đường như vẫn đang ở cái thời trai trẻ. Câu chuyện bắt phi công giặc tuôn trào như nước mạch ngầm trong trí nhớ của người trai bản năm nào.

4

Bằng khen của Tỉnh đội Phú Thọ ghi nhận thành tíchbắt giặc lái của Già làng Nguyễn Văn Đường

Theo bước cha anh, vào du kích

Năm 1960, già Đường xung phong vào du kích khi cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt ở miền Nam. “Vào du kích vui nhất là được cầm súng, được tập luyện với nhau. Du kích có nhiệm vụ canh gác, bảo vệ bản làng: Máy bay đến thì báo động cho nhân dân đi trú ẩn. Tham gia tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp sức người sức của cho kháng chiến”, nhắc đến chuyện vào du kích và kháng chiến, ánh mắt già Đường sáng lên, giọng già sang sảng hòa với tiếng gió rừng xào xạc: “Hôm đó, là ngày 30/4/1967, từ sáng sớm, tôi ôm hòm phiếu đồng bào vừa đi bầu cử để đem đến xã giao. Lúc mặt trời đứng bóng, đến suối ngay dưới bản Cọ, thấy cá nhiều, tôi xuống bắt cá để tối cải thiện. Bỗng nghe “ùm” một cái. Tôi bèn trèo lên cây quan sát. Ở trên cao, một chiếc máy bay đâm vào vách núi, khu vực Thác Bà, gần xóm Côm (xã Thu Ngạc) bốc khói đen kịt xoẹt ngang bầu trời và hai chiếc dù lớn bung ra đu đưa theo gió hướng về bản Cọ. “Ú... òa... ú... òa... máy bay địch bị quân đội ta bắn cháy rồi đồng bào ơi! Bắt thằng giặc Mỹ đang nhảy dù”, thanh niên Đường tụt từ ngọn cây xuống, quên cả chiếc giỏ xâm xấp cá, vừa chạy vừa la vừa nhìn theo hướng hai chiếc dù của địch đang từ từ hạ thấp độ cao”.

Khi về đến đầu bản, lực lượng dân quân du kích của xóm Cọ đã tề tựu đầy đủ. Đồng chí Trung đội trưởng dân quân xóm Cọ, Hoàng Văn Hay quán triệt mọi lực lượng cần bắt sống mấy tên giặc lái để giao cho cấp trên xử lý. Lúc này, các máy bay địch đang quần thảo trên bầu trời để kiếm tìm, cứu nguy cho những tên phi công địch trên chiếc máy bay vừa bị bắn rơi.

Theo hướng dù rơi, lực lượng dân quân tìm và bắt được một tên giặc lái to xác đang treo lơ lửng do chiếc dù vướng vào ngọn cây. Sau khi bắt xong tên này, trời cũng đã xâm xẩm tối, già Đường nói: “Còn một tên nữa, tôi thấy hướng dù vào rừng nứa ở đồi Đầm Quên” tôi xung phong đi bắt tên này”.

“Tôi cũng đi!”, “Tôi cũng đi!”, hai du kích tên là Hoàng Văn Bùi và Hà Văn Thy cũng nhất tề xin đi. Được sự chấp thuận, cả ba người thoăn thoắt lần theo dấu giày dò đường khuất bóng trong rừng xanh.

Phần thưởng cho sự dũng cảm

50 năm trôi qua, những người chứng kiến sự anh dũng của những chàng trai xóm bản áp giải phi công Mỹ không còn nhiều. Bà Hoàng Thị Thiết năm nay 76 tuổi, cũng ngụ tại bản Cọ Sơn 2 vẫn nhớ rất rõ sự kiện hôm 30/4 năm đó. Bà Thiết kể: “Khi ấy già Đường, người nhỏ nhưng rắn rỏi lắm, áp giải tên phi công cao lớn về sân của trụ sở xã. Tôi cũng như rất nhiều dân làng kéo ra xem. Sau đó, tôi được giao nhiệm vụ trông coi sức khỏe cho tù binh”.

Gật gù như tâm đắc điều gì lắm, già Nguyễn Văn Đường nhớ về hôm ăn mừng lập công: “Hôm mừng công, già vinh dự được đọc tên, tặng giấy khen, một cái đèn pin, một bút máy Trường Sơn và một quyển sổ. Cứ khi nào ngày Tết, già lại kể cho con, cháu, chắt nội, ngoại nghe và chỉ cho chúng đồi Đầm Quên, nơi mà già Đường đã bắt thằng giặc lái. Cái đèn pin đến giờ vẫn còn dùng tốt. Già đã kỷ niệm cho con trai cả Nguyễn Hồng Kỳ, được Kỳ giữ cẩn thận như báu vật, để rồi mai này trao lại cho con trai, đời đời nối tiếp”.

Ông Nguyễn Xuân Thìn, nguyên Chủ tịch xã Thu Ngạc vào năm 1967 nhớ lại: “Ngày ấy, dân quân du kích Nguyễn Văn Đường dẫn đầu đoàn du kích bắt sống hai phi công Mỹ và áp giải về trụ sở xã an toàn. Nhờ chiến công ấy, xã Thu Ngạc chúng tôi đã nhận được giấy khen của tỉnh và của nhà nước”.

Bà cụ dân tộc Mường răng nhuộm đen cười tủm tỉm khi khoe với chúng tôi rằng nhờ có công lao trong sự kiện này mà bà được đặc cách kết nạp Đảng luôn vào hôm sau.

“Mày vào rừng là không thoát rồi!”, dẫn đầu mọi người đi bắt tên giặc lái thứ hai, già Đường nghĩ”. Bởi thoát làm sao được khi từng ngọn cây, bụi cỏ, già thuộc như đồ vật để trong nhà. Cỏ cây và đá có nhọn, có mấp mô nhưng làm sao làm đau được bàn chân chai sần đuổi theo thú rừng: Nai, hoẵng, lợn rừng, khỉ. Rừng có tối nhưng làm sao che được đôi tai nghe tiếng gió và cái mũi biết phân biệt hàng trăm mùi.

Vừa đi, vừa tìm, cây rừng đã chỉ cho già Đường chỗ ẩn nấp của tên phi công. Tên phi công người to béo, mặc áo lót màu trắng muốt, quần đùi cũng trắng, hiện rõ mồn một ở phía xa. Nhẹ nhàng như con báo săn mồi, già Đường từ từ tiếp cận. Từng tích tắc trôi qua, già đã nhìn thấy tên phi công đang nằm bẹp dưới mặt đất. Hắn giương cặp mắt thao láo nhìn về phía trước, tay trái cầm súng, tay phải cầm một chiếc điện đàm.

“Chết! Chắc là hắn liên lạc bắt tín hiệu để đồng bọn đến cứu, cần phải khống chế gấp”. Vừa kịp suy nghĩ, đôi chân già Đường đã đẩy cả thân hình nhào lên người tên phi công. Ngay lập tức, đôi tay như gọng kìm vừa khóa chặt tay cầm súng vừa siết chặt thân người tên phi công. Tên giặc hoảng loạn vùng vẫy thì hai đồng chí du kích cũng kịp thời có mặt lao đến. Thấy vậy, tên giặc sợ hãi bất lực nằm im để già Đường tịch thu súng và tắt đài. Hắn ngoan ngoãn nghe theo lệnh của già Đường rời chỗ ẩn nấp và lủi thủi bước đi.

“Tắt cái đài (thiết bị liên lạc) xong, chúng tôi dẫn giải tên phi công về trụ sở xã để bàn giao. Hình như không còn tín hiệu của đài nên máy bay địch cũng đã rời vùng núi Thanh Sơn. Có một chặng đường mà tên giặc lái mệt mỏi nghỉ tới ba lần. Thấy hắn đói, chúng tôi cho ăn, khát chúng tôi cho uống. Đến lúc khuya, hắn cứ co rúm và tái nhợt vì lạnh, tôi thấy thương cởi chiếc áo nâu cho hắn mặc. Tới khuya mới dẫn hắn tới trụ sở xã. Tôi canh giữ tên giặc lái tới 2 giờ sáng thì cấp trên cho xe chở hắn đi”.

“Lúc xung phong đi bắt phi công Mỹ, già không sợ à?”, tôi hỏi. Già Đường cười và nói: “Ừ thì tên giặc có to lớn, nhưng cũng không thể to bằng con lợn rừng nặng gần 160kg. Dao găm nó có nhọn, nhưng không nguy hiểm bằng hai cặp nanh cong dài của con thú già vừa săn trước đó hơn tháng”. Già Đường vừa nói, vừa chỉ cho chúng tôi xem xương hàm trên của con lợn rừng với đôi nanh dài màu ngà treo trên vách nhà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.