Lên mạng, đọc báo cũng cần "ăn kiêng" là một khái niệm gây chú ý tại hội thảo ‘Kỹ năng báo chí truyền thông trong thế kỷ 21” do Bộ Thông tin và truyền thông, Đại sứ quán Thụy Điển và Đại học Lund tổ chức trong hai ngày 5-6/12 tại Hà Nội |
Chia sẻ với các nhà báo Việt Nam tham gia hội thảo, bà Annete Novak, chuyên viên truyền thông của Chính phủ Thụy Điển cho biết đối mặt với khối lượng tin tức khổng lồ trên internet mỗi ngày, người đọc cần có một chế độ tiêu thụ tin tức giúp cho cuộc sống của mình tốt lên. Nếu nhìn thấy gì cũng ăn, sẽ không tốt cho sức khỏe. Tiếp nhận thông tin cũng vậy, mỗi người cần xây dựng cho mình một chế độ "ăn kiêng" khi lên mạng, đọc báo... bà Novak nói.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, bà Helena Stenkvies, giảng viên Đại học báo chí Lund cho rằng thông tin trên mạng lan truyền quá nhanh, đặc biệt là những tin đồn. Ngày càng có nhiều thông tin trên mạng xã hội khiến người đọc rất khó phân biệt đâu là tin đồn đâu là tin chính thức. Người dân cần những thông tin tin cậy và các hãng thông tấn, các tòa soạn báo cần có cơ chế kiểm chứng thông tin.
Ông Lê Quốc Minh – Tổng biên tập tờ Vietnamplus phân tích: Trong dòng thác thông tin trên mạng xã hội, không phải ai cũng có thể đánh giá được thông tin nào đúng, thông tin nào sai và báo chí phải thực hiện được vai trò của mình đó là đưa ra các thông tin định hướng.
Báo chí phải nhanh mới cạnh tranh thông tin được với mạng xã hội, nhưng nhanh sẽ rất dễ sai sót, vấn đề này được các nhà báo nhìn nhận ra sao? Bà Margita Bostrom, đến từ Đài tiếng nói Thụy Điển khẳng định báo chí cần rất nhanh ra hiện trường, chứ không phải nhanh tay xuất bản một bản tin. Bạn có thể đưa tin sớm và có thêm một lượng bạn đọc nhất định, nhưng nếu bản tin của bạn sai, tòa soạn của bạn sẽ mất rất nhiều bạn đọc. Đưa tin thật nhanh, chỉ cần vài giây là có sản phẩm – theo tôi đó không phải nghiệp vụ báo chí, bà Margita nhấn mạnh.
Mặc dù khẳng định Luật về tự do báo chí của Thụy Điển có từ rất sớm đã tạo tiền đề để người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, giúp người dân giám sát được bộ máy nhà nước; một nền báo chí cởi mở khiến Thụy Điển minh bạch thông tin, giảm tham nhũng nhưng bà Margita cũng phải thừa nhận báo chí nước này đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Trong khi các nhà phân phối tin tức phát triển mạnh mẽ thì các hãng thông tấn, báo chí không còn nhiều lợi nhuận, hiếm có nhà sản xuất tin nào có thể tồn tại sau 3-5 năm nữa. Thụy Điển đang xem xét việc có nên hỗ trợ các công ty này hay không, bà Margita cho biết.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam Peredic Hogberg đều khẳng định mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của báo chí Thụy Điển trong 250 năm qua (kể từ khi Luật Tự do Báo chí đầu tiên ra đời) với các nhà báo Việt Nam, đồng thời cùng nhau thảo luận về cách thức các cơ quan báo chí truyền thông có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam một cách có ý nghĩa.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cũng đã chia sẻ với các đại biểu đến từ Thụy Điển những điểm mới trong Luật Báo chí mới của Việt Nam, các quy định về cải chính khi đưa tin sai, các quy định của pháp luật về những điều báo chí không được làm và quyền của báo chí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận