Ảnh chụp vệ tinh trước và sau tố cáo động thái ngang ngược của Trung Quốc đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam |
Ngư dân Philippines không được tiếp cận ngư trường truyền thống?
Theo Philippines Star, tàu Trung Quốc đã được điều động tới rạn san hô Hải Sâm (Jackson Atoll) nằm giữa đá Vành Khăn và đảo Vĩnh Viễn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc phát hiện một tàu cá Philippines mắc cạn trong khu vực này. Việt Nam, Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với rạn san hô Hải Sâm, thuộc cụm Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc gọi đây là “Đá Ngũ Phương”.
Ông Eugenio Bito-onon Jr, thị trưởng vùng Kalayaan cho hay, các con tàu đã được bố trí tại đảo này hơn 1 tháng trước. “Trung Quốc có nhiều tàu ở đó. Tôi thấy có điều gì đó không ổn, Trung Quốc đang cố “bóp cổ” chúng tôi, đây rõ ràng là hành động vi phạm tự do đi lại và hàng hải”, ông nói.
Về phần mình, quân đội Philippines cho biết đã nhận được báo cáo về sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong khu vực và đang cho xác minh thông tin này. Reuters dẫn lời phát ngôn viên quân đội Philippines, Thiếu tướng Restituto Padila: “Chúng tôi biết việc tàu Trung Quốc di chuyển xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, còn có các tàu xung quanh bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam”.
Hồi tuần trước, The Philippines Star cũng dẫn lời một ngư dân nước này cho hay, tàu Trung Quốc đã truy đuổi khi tàu cá Philippines tiếp cận vùng “ngư trường truyền thống”: “Những con tàu Trung Quốc màu xám không cho phép chúng tôi tiếp cận ngư trường mà chúng tôi đánh bắt bấy lâu”. Song, giới chức Trung Quốc từ chối trả lời các câu hỏi liên quan của phóng viên Reuters.
Hồi năm 2011, tàu chiến Trung Quốc từng nổ súng gây hấn với 3 tàu cá của Philippines cũng tại bãi Hải Sâm, khiến các tàu này phải cắt neo chạy trốn.
Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn
Ngày 1/3, báo giới quốc tế dẫn lời tuyên bố ngang ngược của Tướng Wang Jiaocheng, Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) rằng, quân đội nước này sẽ đáp trả bất kỳ mối đe dọa an ninh nào và có đủ năng lực chiến đấu để bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuyên bố này đưa ra vài ngày sau khi Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cáo buộc Trung Quốc đang “quân sự hóa” biển Đông.
Hôm qua, trước các động thái ngày một “hung hăng” của Bắc Kinh, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter: Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá tương xứng với những gì mà họ đang làm trên biển Đông. Theo ông Carter, việc Bắc Kinh liên tiếp “gây hấn” ở khu vực biển Đông, bao gồm cả việc đưa tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - sẽ phải nhận những hậu quả thích đáng. “Trung Quốc không được theo đuổi quân sự ở biển Đông.
Các hành động cụ thể sẽ có những hậu quả cụ thể”, ông Carter nói trong một bài phát biểu ở Câu lạc bộ Commonwealth, San Francisco và không quên nhấn mạnh quyết tâm của quân đội Mỹ trong bảo đảm công tác an ninh, an toàn hàng hải khắp thế giới - đặc biệt là đối với khu vực chiến lược quan trọng như biển Đông. Quan điểm này đã được nhất trí trong Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ được tổ chức cách đây không lâu ở Sunnylands, California.
Trả lời phóng viên về những hậu quả cụ thể mà Trung Quốc có nguy cơ gánh chịu, ông Carter cho biết, quân đội Mỹ hiện đang có kế hoạch triển khai quân tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ chi 425 triệu USD cho công tác huấn luyện binh sĩ và các cuộc tập trận cho tới năm 2020, nhằm chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Trong một diễn biến khác, kênh Channel News Asia cho biết: Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong chuyến thăm Trung Quốc cho biết, nước này đang tìm cách giúp hạ nhiệt căng thẳng trong tranh chấp trên biển Đông bằng cách đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) với các bên liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Ông Vivian Balakrishnan nói: “Đây là một số quy tắc can dự để tránh những sự cố bất ngờ hoặc những tính toán sai có thể dẫn đến căng thẳng và xung đột trên biển. Và chúng tôi đề xuất mở rộng khái niệm đến cả tàu hải quân và cảnh sát biển”.
CUES không phải ý tưởng mới mà xuất phát từ Hội nghị Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương, được tổ chức 2 năm/ lần giữa các quốc gia Thái Bình Dương nhằm thảo luận các vấn đề hải quân. Hiện Singapore là điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc và ông Balakrishnan nói rằng: Singapore không phải quốc gia có tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở biển Đông nên nước này sẽ đóng vai trò trung lập để tạo thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận