Văn hóa - Giải Trí

LHP Quốc tế Hà Nội 2018 "mở mắt" cho điện ảnh Việt

30/10/2018, 07:31

Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội 2018 mở rộng phạm vi các nước tham gia, cũng như tăng số lượng phim...

21

Phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn Cao Thúy Nhi đại diện Việt Nam tranh giải ở hạng mục phim dài

Điện ảnh Việt và khán giả mở mắt nhìn lại

Ngay từ khi danh sách những bộ phim sẽ tham gia LHP Quốc tế Hà Nội 2018 được công bố đã gây chú ý trong dư luận. Bởi năm nay, phim được trình chiếu đều là những phim đã đoạt những giải thưởng lớn tại quốc tế như Ida (giải Oscar 2015 Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), The Salesman (giải Oscar 2017 Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất)... Hai bộ phim chiếu khai mạc và bế mạc lần lượt là Shoplifters (Kẻ trộm siêu thị) của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-Eda (giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2018) và A fantastic woman (Người đàn bà tuyệt vời) của đạo diễn Chile Sebastian Lelio (giải Oscar 2018 Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, giải Gấu bạc cho biên kịch tại LHP Quốc tế Berlin).

Những tác phẩm trên đều là những bộ phim xuất sắc của những nền điện ảnh nổi tiếng như: Ba Lan, Iran, Đức... LHP năm nay đã thu hút sự tham gia của 49 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 500 tác phẩm điện ảnh gửi tham dự mang tới cho công chúng cũng như những người làm điện ảnh cơ hội giao lưu, học hỏi và thưởng thức các tác phẩm điện ảnh đình đám và chất lượng trên thế giới.

NSND Đặng Nhật Minh tâm sự, ông vui mừng vì những mùa LHP như thế này sẽ cho điện ảnh Việt và khán giả Việt cơ hội tiếp xúc với các nền điện ảnh trên thế giới, để không mãi quanh quẩn trong “ao làng”. Để công chúng và những nhà làm phim thấy trên thế giới có nhiều nền điện ảnh với những giá trị đích thực. Sau khi xem xong bộ phim chiếu khai mạc Shoplifters của điện ảnh Nhật Bản, ông giật mình vì điện ảnh Việt đang rất lạc lõng.

“Không có những cuộc như thế này, chúng ta cứ ngồi tự khen nhau về phim doanh thu mấy chục tỷ đồng nọ kia. Chúng ta ca ngợi phim giải trí, bạo lực, tình dục, trong khi điện ảnh của nước khác chẳng cần hở hang, bạo lực mà thấm đẫm tinh thần nhân ái. Chúng ta đã đánh mất giá trị mà điện ảnh từng có. Những LHP như thế này để điện ảnh Việt mở mắt, khán giả mở mắt ra, không thể mãi tiếp tục như bấy lâu nay. Chúng ta phải sống với những giá trị chung của nhân loại, hội nhập với thế giới bằng phim nhân ái”, NSND Đặng Nhật Minh tâm sự.

Diễn viên - nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho rằng, điện ảnh Việt trong những năm qua đã phát triển, có nhiều đề tài phong phú và được đầu tư kỹ hơn. Dù vậy, nữ diễn viên vẫn tiếc vì thiếu những phim được đầu tư về chất lượng nghệ thuật, thiếu đề tài phản ánh các yếu tố xã hội. Theo Mai Thu Huyền, từ khi đóng cửa các hãng phim có sự đầu tư của Nhà nước, các hãng phim tư nhân ngại đầu tư vào những đề tài phản ánh được các yếu tố xã hội, bởi khả năng thu hồi vốn gần như không có. Tuy nhiên, vẫn có những nhà sản xuất mạnh dạn đi những con đường như vậy để có những bộ phim hay, mang ra thế giới khiến chúng ta tự hào, nhưng số đó lại rất ít.

Thiếu vắng phong trào #metoo, nữ quyền

Hàng loạt LHP lớn trên thế giới như: Cannes, Venice, Oscar… thời gian qua bị ảnh hưởng ít nhiều bởi phong trào #metoo (phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục) lan rộng khắp thế giới. Tiêu biểu, LHP Cannes 2018 đã diễn ra trong không khí căng thẳng bởi những hoạt động biểu tình kêu gọi chống quấy rối tình dục của các nhà làm phim nữ. Thậm chí, BTC LHP Cannes còn phải lập một đường dây nóng riêng để khách mời có thể phản ánh kịp thời nếu có sự việc xảy ra.

Vấn đề nữ quyền cũng được quan tâm trong các LHP lớn kể trên. LHP Venice gây ấn tượng bởi một nửa trong số các bộ phim có nội dung đề cao tinh thần nữ quyền. BTC LHP Venice còn phải ký cam kết bình đẳng giới, quân bình số lượng nam và nữ trong danh mục phim vào năm 2020. Trong khi đó, lễ trao giải Oscar 2018 kết thúc cũng để lại dấu ấn về tinh thần nữ quyền khi bộ phim The Shape of Water giành giải phim xuất sắc nhất.

Tại Việt Nam, vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới không quá căng thẳng trong giới điện ảnh nhưng phong trào #metoo đã được hưởng ứng trong giới giải trí. Điển hình là sau scandal vũ công Phạm Lịch tố ca sĩ, diễn viên Phạm Anh Khoa quấy rối tình dục, nhiều người bắt đầu lên tiếng như vũ công Nga My (vũ đoàn Bước nhảy), stylist M.P…

Chia sẻ với Báo Giao thông về sự ảnh hưởng của phong trào #metoo trong LHP Quốc tế Hà Nội, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC LHP Quốc tế Hà Nội 2018 khẳng định, trong thời gian diễn ra LHP cũng như các hoạt động trong khuôn khổ LHP, 100% sẽ không có những hành vi quấy rối tình dục. “Chuyện quấy rối, kể cả ở các rạp chiếu phim không phải vấn đề nổi cộm. Tôi nghĩ với LHP Quốc tế Hà Nội, đây không phải vấn đề đáng lo ngại”.

Nói thêm về chuyện nữ quyền và bình đẳng giới trong LHP, Cục trưởng Ngô Phương Lan cho hay, BTC chưa có thống kê về số lượng nhà làm phim nữ tham gia LHP năm nay, nên chưa có câu trả lời. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tinh thần bình đẳng giới thể hiện khá rõ khi số lượng nhà làm phim nữ cân bằng so với các đạo diễn nam. Nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi là đại diện Việt Nam tranh giải ở hạng mục phim dài với bộ phim Nhắm mắt thấy mùa hè. Còn trong các hạng mục phim ngắn, phim tài liệu cũng có nhiều đạo diễn nữ tham gia như: Nguyễn Thị Hồng Linh (Việt Nam), Katariina Lillqvist (Phần Lan), Zuo Yi Fang (Trung Quốc), Nicole Midori Woodford (Singapore)…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.