Thông tin doanh nghiệp

LICOGI 16 bắt đầu “gặt hái” từ nhà máy điện mặt trời

22/06/2019, 08:02

Chư Ngọc - nhà máy điện mặt trời đầu tiên do Công ty CP LICOGI 16 đầu tư xây dựng đã phát điện thương mại thành công đúng như kế hoạch.

img
Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT LICOGI 16 trong một Lễ ký kết hợp đồng tổng thầu EPC dự án điện mặt trời

Krông Pa - Gia Lai bừng sáng điện mặt trời

Dự án Điện mặt trời Chư Ngọc - EVNLICOGI 16 (gọi tắt là Chư Ngọc) được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch vào lưới điện quốc gia với công suất 40MWp, trong đó giai đoạn I của nhà máy có công suất 15MWp đã chính thức phát điện thương mại ngày 4/6/2019 trong niềm vui của CBCNV LICOGI 16, niềm vui của chính quyền và người dân địa phương. Giai đoạn II có công suất 25 MWp dự kiến đầu tư vào cuối năm 2020, sau khi lưới điện truyền tải của khu vực được nâng cấp (bằng đường dây 110kV Sơn Hoà - Phú Yên).

Dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc - EVNLICOGI 16 được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 14/1/2019. Dự án có tổng mức đầu tư 362 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn góp của LICOGI 16 chiếm 88%, được cấp quyết định giao đất có thời hạn 50 năm, địa điểm thực hiện dự án tại Buôn B’Lang, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai.

Krông Pa - Gia Lai nơi LICOGI 16 chọn là địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy “có cái nắng” tạo ra bức xạ mặt trời thực tế lớn hơn so với tính toán trong Báo cáo nghiên cứu khả thi. Cụ thể, theo báo cáo, sản lượng điện năm đầu của nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc là 22.036Mwh, trung bình mỗi ngày phát 60MWh. Song, khả năng phát điện tối đa của nhà máy hiện cao hơn tính toán khá nhiều, sản lượng thực tế mỗi ngày dao động từ 70MWh-80MWh/ngày.

Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc phát điện thành công sau chưa đầy 6 tháng thi công. Thời gian xây dựng nhà máy hoàn toàn đúng với kế hoạch đề ra cũng là một điều mà LICOGI 16 tự hào. Từ khi được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 14/1/2019, nhà đầu tư bắt tay triển khai xây dựng ngay trong tháng 1/2019, hoàn thành công tác xây dựng chính vào ngày 30/4/2019, hòa lưới điện ngày 28/5/2019 và chính thức được công nhận vận hành thương mại vào ngày 4/6/2019.

img
Hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời của dự án Chư Ngọc

LICOGI 16 đầu tư nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió

Theo ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP LICOGI 16, tổng công suất LICOGI 16 hoạch định triển khai năng lượng tái tạo để nối lưới lên đến gần 370MW với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng.

Với thành công của Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc giai đoạn I cũng là dự án đầu tiên giúp bồi đắp năng lực, kinh nghiệm để LICOGI 16 tiếp tục đầu tư, xây dựng một loạt các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió.

Hiện, những dự án điện năng lượng tái tạo mà LICOGI 16 đang tích cực triển khai có thể kể đến là:

Dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải 35MWp tại tỉnh Ninh Thuận với tổng mức đầu tư 780 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công vào cuối tháng 6/2019 và hoàn thành tháng 3/2020.

Cùng với đó, LICOGI 16 đang nghiên cứu và đề xuất đầu tư 6 dự án điện gió có công suất 296MW, bao gồm 2 dự án tại Quảng Trị, mỗi dự án có công suất 48MW và 4 dự án tại Gia Lai có công suất mỗi dự án là 50MW. Với các dự án này hiện LICOGI 16 đang tiến hành xin bổ sung quy hoạch và đo gió, nếu được bổ sung quy hoạch, LICOGI 16 sẽ hoàn thành cả 6 dự án vào đầu quý IV/2021.

Trong tháng 6/2019 này, LICOGI 16 cũng đã ký kết làm tổng thầu EPC hai dự án là Dự án Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (62Mwp) và Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (50Mwp) thuộc tỉnh Ninh Thuận. Hai dự án này tổng mức đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, trong đó giá trị Hợp đồng EPC gần 2.000 tỷ đồng, thời gian thi công dự kiến từ tháng 6/2019 - 15/1/2020. Khi hoàn thành, hai dự án sẽ đóng góp vào lưới điện quốc gia trên 170 triệu Kwh/năm.

Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT LICOGI 16 khẳng định: Qua nhiều dự án về năng lượng đã triển khai, với đội ngũ chuyên nghiệp của LICOGI 16 và các đối tác tiềm năng, LICOGI 16 đã đủ điều kiện tích hợp tất cả nội hàm của một dự án EPC, hoàn toàn có thể triển khai nhiều dự án năng lượng khác theo mô hình tổng thầu EPC.

Theo Quyết định về Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/4/2017, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD). Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND/USD. Giá điện này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.

Tại Gia Lai, hiện có đến 30 nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư điện gió với quy mô khoảng 3.000 MW (1 MW có mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng) đối với lĩnh vực điện mặt trời, điện gió. Điều này sẽ mang lại giá trị công nghiệp cao, giải quyết việc làm cho người dân, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, đồng thời tạo ra nguồn thu ngân sách lớn trong tương lai (dự kiến 1 MW sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 120 triệu đồng/năm chưa kể thuế VAT). “Nếu các dự án được triển khai, lúc bấy giờ, Gia Lai sẽ là thủ phủ năng lượng tái tạo. Đây cũng là lĩnh vực mà tỉnh mong muốn phát triển trong thời gian tới nhằm tạo sự bứt phá cho việc phát triển kinh tế của địa phương ở lĩnh vực này”, ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở KH&ĐT Gia Lai cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.