Xuất hiện trên chương trình talk show về chính trị cách đây ít ngày, ông Siegfried Russwurm - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) đã tranh cãi gay gắt với một số chuyên gia khi họ đề xuất lập tức ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga để kiềm chế chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Ông Russwurm lập luận rằng nếu áp lệnh cấm vận như vậy, hậu quả sẽ vô cùng lớn, dẫn tới suy thoái kinh tế và thất nghiệp.
Chủ tịch BDI dự báo nếu không có khí đốt từ Nga, mạng lưới công nghiệp - vốn được coi là "xương sống" của nền kinh tế Đức sẽ sụp đổ. Hệ thống công nghiệp Đức, đã rất nỗ lực để trụ vững qua đại dịch Covid-19, sẽ tan rã.
Đức "tiến thoái nưỡng lan" trong việc áp đặt trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga. Ảnh - Gazprom
Khi một số nhà hoạt động thuộc tổ chức “Fridays for Future” đề xuất có thể ngừng sử dụng khí đốt hoàn toàn và chuyển sang sử dụng nhiên liệu tái tạo, ông Russwurm lập tức phản đối vì cho rằng khí đốt là nguồn năng lượng hiệu quả, xét về khía cạnh khí hậu.
Chủ tịch BDI nhấn mạnh, Đức từng thông qua kế hoạch dần ngừng sử dụng than đá nhưng chỉ trong trường hợp được cung cấp đầy đủ khí tự nhiên.
Ông Russwurm cho rằng, trong tình hình hiện nay, Berlin nên chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, bao gồm khả năng Nga cắt nguồn cung khí đốt và kêu gọi giới chức suy nghĩ lại xem việc đột ngột dừng nhập khí đốt có phải phương án đúng đắn cho nước Đức hay không.
Liên quan tới chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ, Anh đã cấm hoặc có kế hoạch từng bước dừng nhập năng lượng từ Nga. Đức chưa thể "nối gót" những quốc gia này vì đang phụ thuộc phần lớn khí đốt vào Nga.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh yêu cầu các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt Moscow liên quan chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine phải thanh toán khí đốt bằng đồng ruble từ ngày 1/4. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo các quốc gia không thực hiện điều này sẽ bị cắt nguồn cung khí đốt.
Ngày 31/3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết hai quốc gia từ chối thanh toán bằng đồng ruble, viện dẫn các quy định trong hợp đồng hiện hành chủ yếu quy định tiền tệ thanh toán là Euro.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận