Lê Xuân Giang (mặc quân phục) trắng trợn làm giả cả lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng nhằm mục đích lừa đảo (Ảnh: Thanh niên) |
Ngày 24/2, Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an cho biết vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Liên kết Việt do Lê Xuân Giang - chủ tịch HĐQT công ty - cầm đầu xảy ra trong thời gian rất ngắn, khoảng một năm (từ 2014-2015) nhưng có tính chất rất phức tạp.
Hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới, công khai trắng trợn tổ chức và tuyên truyền sai sự thật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Chủ tiệm gội đầu làm Phó Tổng giám đốc
Theo Zing news, kết quả điều tra xác minh của Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, bị can Nguyễn Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên kết Việt không có bằng cấp chuyên môn gì về lĩnh vực kinh doanh. Bị can Thủy, 46 tuổi, sinh tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, trước khi bị bắt sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Trong hồ sơ lý lịch, Nguyễn Thị Thủy đã học hết phổ thông tại quê nhà, sau đó làm lao động tự do để kiếm sống. Suốt từ năm 16 đến 40 tuổi, bị can này đã kinh qua nhiều nghề nghiệp như thợ may, mở tiệm gội đầu cắt tóc, làm móng nhưng đều không ổn định. Vài năm trước đây, Thủy tham gia vào một số công ty kinh doanh đa cấp, trở thành thành viên và học hỏi được ngón nghề kinh doanh.
Nhằm hợp thức hóa khi đi xin việc, Thủy tham gia lớp đào tạo về đa cấp do Bộ Công thương mở ra. Khai nhận tại cơ quan điều tra, Thủy cho biết chỉ học có 1 ngày để có được Chứng chỉ. Sau đó, Thủy tìm đến Lê Xuân Giang để thỏa thuận phương thức làm việc, hợp tác, cùng có lợi.
Bị can Nguyễn Thị Thủy (Ảnh: Zing news) |
Chuẩn úy xuất ngũ tự đeo lon đại tá
Trong khi đó, cơ quan điều tra cũng phát hiện Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt thực chất chỉ là Chuẩn úy xuất ngũ, chưa bao giờ được thăng hàm đại tá.
Theo điều tra lý lịch, Lê Xuân Giang, 46 tuổi, sinh tại Hưng Yên. Năm 1991, Giang nhập ngũ rồi được đi học tại Trường quân chính Quân đoàn 2, Trường trung cấp kinh tế kỹ thuật và dạy nghề Bộ Quốc phòng, sau đó công tác tại Ban Tài chính Quân đoàn 2. Đến năm 2001, Lê Xuân Giang xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy và từ đó bắt đầu sự nghiệp lập các công ty để làm ăn.
Đến năm 2014, Lê Xuân Giang nhìn thấy món ngon khi kinh doanh đa cấp nên đã làm thủ tục xin Bộ Công thương cấp phép kinh doanh lĩnh vực này, ký quỹ 10 tỷ đồng, thành lập Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam. Từ đây, công cuộc lừa đảo của Lê Xuân Giang bắt đầu được thực hiện khi kết hợp với Nguyễn Thị Thủy.
Từ đây, Giang và Thủy đã tiến hành các hoạt động quảng cáo, thuyết trình không đúng thực tế về Công ty Liên kết Việt.
Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế BQP không phải là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng tuyên truyền là công ty của Bộ Quốc phòng; tuyên truyền tổ chức rầm rộ để đón bằng khen (làm giả) của Thủ tướng để tạo lòng tin cho người tham gia bán hàng và nộp tiền.
Bị can Lê Xuân Giang (mặc quân phục) tại một cuộc hội thảo của Liên kết Việt |
Chi 7,1 tỉ, thu 1.900 tỉ đồng
Tin tức trên báo Tuổi trẻ cho biết thêm, sau khi khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can tại Liên kết Việt, cơ quan điều tra đã dựng lên toàn bộ quá trình lừa đảo của các bị can này. Theo đó thực tế tổng số tiền mua năm mặt hàng để kinh doanh gồm máy khử độc ozone và bốn loại thực phẩm chức năng của công ty này là gần 7,1 tỉ đồng; số hàng đã bán là hơn 9,6 tỉ đồng nhưng số tiền thu của 60.000 người là 1.900 tỉ đồng.
Như vậy Công ty Liên kết Việt đã lợi dụng việc bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Trong số tiền 1.900 tỉ đồng nêu trên, Liên kết Việt đã sử dụng để chi hoa hồng trên 65% doanh thu.
Đến nay, C46 đã thu giữ toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Lê Xuân Giang và đồng bọn, đồng thời phong tỏa tài khoản và thu giữ số tiền trên 134 tỉ đồng.
Nạn nhân Liên kết Việt trình báo ở đâu ? Theo C46, trong một năm, Công ty Liên kết Việt đã thành lập trụ sở chính, chi nhánh, đại lý ở 27 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình. Hiện C46 đã ra quyết định ủy thác điều tra cho 27 cơ quan điều tra tại 27 tỉnh thành nơi Công ty Liên kết Việt mở chi nhánh, văn phòng đại diện. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu những người đã nộp tiền tại các chi nhánh, văn phòng nêu trên đến cơ quan điều tra công an tỉnh nơi họ nộp tiền để trình báo. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận