Hạ tầng

Liên ngành Công an - GTVT tiếp tục xử nghiêm xe quá tải

31/08/2016, 22:25

Sau hai năm triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng xe, tỷ lệ vi phạm tải trọng xe đã giảm trên 90%.

IMG_2224
Các đại biểu tham dự hội nghị tổng kết 2 năm triển khai kế hoạch liên ngành về kiểm soát tải trọng xe

Trong năm 2016, hai ngành Công an, GTVT đặt quyết tâm chấm dứt tình trạng xe quá khổ, quá tải.

Ngày 30/8, Bộ Công an, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết hai năm triển khai Kế hoạch số 12593 của liên Bộ Công an và Bộ GTVT về kiểm soát tải trọng xe. Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương và Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đồng chủ trì Hội nghị.

Xử lý hàng trăm nghìn xe, phạt gần 1.500 tỷ

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, qua hai năm triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, đến nay, tình trạng chở quá tải đã giảm trên 90%, góp phần giảm thiểu TNGT, cơ cấu lại thị phần vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, đặc biệt là bảo vệ được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác kiểm soát tải trọng xe vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Tại một số địa phương còn tình trạng xe chở quá tải vẫn hoạt động và xe cơi nới kích thước thùng sau khi đăng kiểm. Tại một số địa phương còn xảy ra hiện tượng cán bộ thi hành công vụ có biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng đến lực lượng ngành, gây mất lòng tin đối với nhân dân. Một số doanh nghiệp nơi có nguồn hàng, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện không nghiêm túc, cố tình vi phạm chở quá tải. Công tác tuyên truyền có nơi, có lúc chưa thường xuyên liên tục, hình thức tuyên truyền chưa phong phú...

Báo cáo kết quả thực hiện, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, lực lượng CSGT cả nước đã dừng, kiểm tra 577.479 xe ô tô tải, phát hiện và lập biên bản 265.595 trường hợp vi phạm (quá tải 226.478 trường hợp, vi phạm kích thước thùng thành xe 39.117 trường hợp); Xử phạt nộp kho bạc 1.216,6 tỷ đồng, tạm giữ 11.805 phương tiện, tước GPLX 114.367 trường hợp. Đã xử lý hạ tải đối với 96.586 phương tiện vi phạm với 647.265 tấn hàng. Riêng lực lượng TTGT đã dừng kiểm tra 129.214 xe ô tô, lập biên bản 64.396 trường hợp vi phạm (quá tải 49.214 trường hợp, vi phạm kích thước thùng thành xe 4.468 trường hợp, vi phạm khác 10.889 trường hợp, cắt thành thùng trực tiếp 590 xe); Xử phạt nộp kho bạc 214 tỷ đồng, tước GPLX 12.535 trường hợp.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo một số đợt thực hiện kiểm tra, xử lý. Theo đó, đã tiến hành kiểm tra 13.853 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản 5.542 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính nộp kho bạc 75,813 tỷ đồng; Tước GPLX 2.208 trường hợp...

Kiểm soát tải trọng ngay từ nơi xuất phát

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, sau hơn hai năm thực hiện, đến nay, tình hình vi phạm về tải trọng đã được kiểm soát và giảm trên 92% so với trước khi thực hiện Kế hoạch 12593. Hiện nay, các vi phạm chủ yếu xảy ra ở khu vực tập kết hàng hoá, mỏ vật liệu, kho cảng biển, cảng thuỷ nội địa. “Vẫn còn một bộ phận chủ doanh nghiệp, lái xe có ý thức kém, cố tình trốn tránh, tìm cách đối phó. Tại một số địa phương, việc phân công nhiệm vụ giữa các lực lượng chưa thống nhất, không đúng Kế hoạch 12593”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói và cho rằng, công tác sử dụng cân, khảo sát vị trí mặt bằng để cân, bãi hạ tải vẫn thiếu đồng bộ; Công tác tổ chức ký cam kết và kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký của các cá nhân, đầu nguồn hàng chưa hiệu quả, vi phạm cam kết vẫn xảy ra.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về công tác kiểm soát tải trọng xe, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương để tránh chồng chéo, đồng thời vẫn đảm bảo kiểm soát, xử lý vi phạm tải trọng.

“Phải tập trung thực hiện nghiêm túc, làm thường xuyên liên tục theo hướng xử lý từ gốc, không để chủ xe, chủ hàng cho xe lưu thông trên đường rồi mới xử lý. Bộ Công an, Bộ GTVT thống nhất kết thúc Kế hoạch 12593. Tuy nhiên, sau khi kết thúc sẽ chuyển sang thực hiện một cách thường xuyên theo chức năng nhiệm vụ của từng lực lượng, cụ thể là CSGT và TTGT. Mục tiêu quan trọng đặt ra là phấn đấu hết năm 2016 chấm dứt tình trạng xe quá tải hoạt động trên đường bộ”, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia, với sự vào cuộc quyết liệt của hai ngành cùng các địa phương, đến nay, vi phạm chở quá tải chỉ còn dưới 10%, góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm trật tự ATGT, đẩy lùi TNGT trong hai năm qua. Uỷ ban ATGT Quốc gia xác định kiểm soát tải trọng xe là nhiệm vụ trọng tâm. Ủy ban sẽ tham mưu cho Chính phủ để xác định nhiệm vụ trong chỉ thị mới, trong đó có đối tượng cụ thể, vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu để thực hiện trong thời gian tới.

“Việc kiểm soát tải trọng xe với chủ trương kiểm soát từ "gốc" thì vai trò của chính quyền cấp huyện là rất quan trọng. Do vậy, cần trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ cần thiết cho lực lượng cấp huyện để kiểm tra, xử lý từ gốc các xe trước khi tham gia giao thông, giảm áp lực cho các lực lượng thực thi trên đường”, ông Hùng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.