Liên ngành Hà Nội truy quét xe quá tải trên đê sông Hồng
Ngày 11/8, PV Báo Giao thông trực tiếp tham gia cùng lực lượng liên ngành gồm: Đội TTGT, CSGT huyện Đan Phượng (Hà Nội) do ông Nguyễn Đình Quyền, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở GTVT) trực tiếp dẫn đầu kiểm tra tình hình hoạt động của xe quá tải trên nhiều tuyến đường, trong đó có tuyến đê Hữu Hồng - hiện đang là điểm nóng của xe cơi nới, chở quá tải trọng.
Chia sẻ với PV, ông Vũ Thành Vương, một người dân sống bên tuyến đê Hữu Hồng cho biết, xe quá khổ, quá tải che chắn sơ sài, thậm chí không che chắn hoạt động rất nhức nhối. Những xe từ 30 - 70 tấn thường xuyên hoạt động khiến mặt đường đê, hạ tầng thủy lợi và các tuyến giao thông sụt lún.
“Dù liên tục được lực lượng chức năng sửa chữa, nhưng vài tháng đường đê lại nứt, lún. Các vết nứt kéo dài tạo thành những con “lươn” khổng lồ trên đê khiến người điều khiển phương tiện gặp nguy hiểm”, ông Vương bức xúc.
Những trường hợp lái xe bất hợp tác, lực lượng liên ngành sẽ yêu cầu đơn vị chủ quản phương tiện trực tiếp lên làm việc. Xe quá khổ sẽ bị cắt thùng tại chỗ.
Ông Nguyễn Đình Quyền, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp (Thanh tra Sở GTVT)
17h20 tại đường đê Hữu Hồng, đoạn qua xã Liên Trung, Đan Phượng, xe ô tô tải BKS 29H-070.34 có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở vật liệu vượt ngưỡng cho phép. Ông Nguyễn Đình Quyền lập tức chỉ đạo tổ công tác ra tín hiệu dừng phương tiện. Một trạm cân di động được thiết lập nhằm xác định trọng tải xe tại chỗ.
Sau khi tiến hành cân, ông Phạm Văn Huấn, Đội trưởng Đội TTGT huyện Đan Phượng cho biết, xe tải trên vượt tải 150%. Lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản xử phạt lái xe Trương Văn Nhâm (lái xe ô tô tải Công ty CP NTL Phú Xuyên) với các lỗi: Chở hàng vượt quá tải trọng cho phép, điều khiển xe không có GPLX, ô tô không có giấy đăng ký theo quy định.
Theo ông Huấn, với các lỗi trên, lái xe bị phạt 10 triệu đồng, chủ phương tiện bị phạt 38 triệu đồng. Tuy nhiên, bất ngờ lái xe tỏ thái độ không hợp tác, khóa cửa xe và bỏ đi. Phải nhiều tiếng sau, đến 23h30 lái xe mới tự nguyện đánh xe về bãi tạm giữ.
Cần cắm biển hạn chế tải trọng trên đường đê
Ông Phạm Văn Huấn chia sẻ, khó khăn nhất trong quá trình xử lý xe tải vi phạm là khi tiến hành kiểm tra, nhiều tài xế không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan. Tài xế thường viện lý do bị chủ phương tiện giữ nên chờ chủ xe đến giải quyết, rất mất thời gian.
“Đến khi chủ phương tiện có mặt, họ lại tìm đủ cách xin bỏ qua vi phạm. Không được thì gây áp lực, thậm chí cắt cử người theo dõi tổ công tác để báo cho các phương tiện khác né chốt kiểm tra”, ông Huấn nói.
Ông Lê Xuân Tiến, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng, đối với các tuyến đường đê, đề nghị Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát, cắm bổ sung biển báo hạn chế tải trọng. Việc này để bảo vệ kết cấu đê Hữu Hồng, đồng thời làm căn cứ để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, ngăn chặn xe quá tải hoành hành.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương và cơ quan Trung ương trong việc để lọt xe quá tải. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm cả 4 đối tượng liên quan đến hành vi chở quá tải gồm: Chủ hàng, đơn vị xếp dỡ, chủ phương tiện và lái xe, đồng thời tăng cường kiểm tra tại nơi xếp hàng để ngăn chặn tình trạng chở quá tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận