Lực lượng an ninh Iraq chuẩn bị tái chiếm TP Ramadi với sự hỗ trợ tài chính và vũ khí của liên quân |
IS Liên tục bành trướng
Tính đến ngày hôm qua, gần 5 nghìn cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn không ngăn cản sự bành trướng, mở rộng lãnh thổ của phiến quân IS. Ngoài chiến trường chính là Iraq và Syria, IS đã trở thành nỗi lo cho toàn thế giới, nhất là trong lòng các nước phương Tây, Mỹ và châu Á, Trung Đông với hàng loạt các cuộc đánh bom, những đe dọa tấn công khủng bố…
Giữa tháng 5 vừa qua, thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar lớn nhất Iraq rơi vào tay IS. Giới chuyên gia nhận định, đây là một đòn giáng mạnh vào chính sách của Mỹ và các lực lượng an ninh Iraq, đồng thời đánh dấu một giai đoạn mới đầy nguy hiểm của cuộc chiến, có thể gây ra phản ứng dây chuyền trên các chiến trường ở cả Syria và Iraq. Tiếp đó, IS chiếm toàn bộ thành phố Palmyra (Syria). Đây là thành phố 2 nghìn năm tuổi, một trong những trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới cổ đại.
Đồng thời, IS cũng liên tục kêu gọi những tổ chức như Boko Haram ở Nigeria, Al-Shabaab ở Somalia, các nhóm cực đoan tại: Mali, Yemen, Libya... tham gia Caliphate (Nhà nước Hồi giáo được dẫn dắt bởi một lãnh tụ tôn giáo và chính trị tối cao được biết tới với tên gọi là Caliph - tức là người kế thừa nhà tiên tri vĩ đại Muhammad). Tại hơn 80 quốc gia, IS tuyển mộ các phần tử vốn đang “thất vọng” về mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, đặc biệt nhằm vào những thiếu niên dưới 18 tuổi. Trong nửa đầu năm 2015, đã có 500 thiếu niên theo IS. Theo giới chức Iraq, trước đây 6/10 chiến binh IS là người Iraq, còn lại là người nước ngoài; tuy nhiên, tỉ lệ này hiện đã đảo ngược.
Các nhà phân tích cho rằng: Những chiến thắng của IS trên chiến trường thời gian gần đây đã nhận được lời thề trung thành đến từ các nhóm khủng bố cực đoan khắp thế giới. Ông Talaat Musalam - chuyên gia về an ninh và chiến lược, nhận định: “IS là sản phẩm của bất ổn khu vực và các nỗ lực kích động bạo lực để khôi phục giấc mơ về một Caliphate”.
liên quân thất bại thảm hại
Phiến quân IS chiến thắng tại Palmyra và Ramadi đồng nghĩa với việc chiến lược chống IS trên quy mô toàn cầu do Mỹ lãnh đạo bị hoài nghi. Liên quân chỉ tham chiến từ trên không, còn trên thực địa thì ủy thác toàn bộ cho lực lượng an ninh Iraq. Nhưng, chính ông Ashton Carter cay đắng thốt lên: “Quân đội Iraq không có ý chí chiến đấu, bị chia rẽ sâu sắc”.
Còn Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố: IS lớn mạnh đồng nghĩa với thế giới thất bại và Iraq “cần tất cả sự hỗ trợ của thế giới” để chặn bước tiến của chúng. Theo ông Abadi, các đối tác trong liên minh không cung cấp đủ tin tức tình báo và “sự ủng hộ trên không là không đủ”. Có quá ít hoạt động giám sát. Theo Thủ tướng Iraq, phần lớn chiến binh IS là người nước ngoài. Ông nói: “Có thể thấy tại Iraq, dòng chiến binh nước ngoài đã nhiều hơn trước. Đây là một vấn đề quốc tế và nó cần được giải quyết”.
Hôm qua, hội nghị 24 nước trong liên quân nhóm họp tại Paris (Pháp) nhằm xem xét lại chiến lược chống IS kết thúc. Liên quân cam kết hỗ trợ tài chính, vũ khí cho Iraq tái chiếm TP Ramadi, ngoài ra, các ngoại trưởng kêu gọi Chính phủ do người Shiite kiểm soát tại Iraq cần phải cải thiện mối quan hệ với cộng đồng người Sunni, qua đó đảm bảo hiệu quả trong cuộc chiến chống IS.
Theo nhà phân tích Trung Đông tại Hội đồng châu Âu - bà Myriam Benraad: Phương Tây đã chạm ngưỡng giới hạn về ảnh hưởng ở Trung Đông và chiến lược của liên quân không phù hợp thực tế.
Ngày mai (5/6), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các tổ chức nhân đạo quốc tế tại Iraq sẽ có mặt tại Brussel (Bỉ) để đưa ra kêu gọi một khoản đóng góp trị giá 500 triệu USD nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Iraq. Ông Philippe Heffinck, đại diện UNICEF tại Iraq nói rằng, tình hình nhân đạo đang tiến sát mức “thảm họa” và cơ quan này cần ngay lập tức các khoản tài chính để tiếp tục các hoạt động cứu trợ. Hiện, khoảng 8 triệu người Iraq cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, 3 triệu người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận