Y tế

Liên tiếp bệnh nhân nhập viện vì bị rắn hổ mang tấn công

19/07/2023, 13:42

Bất ngờ bị rắn hổ mang tấn công khi đang dọn vườn, ông Nguyễn Đăng Tiếp (Thanh Hóa) phải nhập viện cấp cứu với ngón tay có dấu hiệu hoại tử.

Rắn hổ mang cắn dễ hoại tử

Được chuyển đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai khi gần 3h sáng, ông Nguyễn Đăng Tiếp (53 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hóa) vật vã đau nhức với bàn tay trái đang sưng vù vì bị rắn hổ mang cắn. Tại chỗ rắn cắn nơi ngón tay trỏ bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tím đen hoại tử.

Con trai ông Tiếp cho biết, trong lúc dọn vườn, ông Tiếp bất ngờ bị một con rắn hổ mang trưởng thành tấn công. Người nhà có mặt lúc đó đã nhanh chóng đánh chết con rắn, sơ cứu và đưa ông Tiếp đến bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, tình hình sức khỏe chuyển biến xấu nên nửa đêm vượt hơn 300km đưa lên BV Bạch Mai.

img

Ông Tiếp bị rắn hổ mang cắn phải chuyển từ bệnh viện tỉnh Thanh Hóa lên Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai để điều trị.

Tại đây ông Tiếp được điều trị thuốc giải độc, xử lý nhiễm trùng và theo dõi phần hoại tử ở ngón tay.

Cũng tại đây, bà Nguyễn Thị Tim (49 tuổi, trú tại Thanh Oai, Hà Nội) nằm rên lên đau đớn khi bàn tay phải sưng vù vì bị rắn hổ mang cắn khi cắt cỏ, tháo nước ở ruộng. Ngay sau khi bị rắn cắn, chồng bà ngay lập tức garo phần cánh tay, bóp máu đen tại vết rắn cắn và đưa đến bệnh viện.

Để sơ cứu đúng khi bị rắn độc cắn, BS Nguyên lưu ý mọi người dân cần thực hiện các bước sau:

- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;

- Trấn an nạn nhân, hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;

- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên;

- Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý;

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Sau sơ cứu ngay lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện để được truyền thuốc giải độc.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Hai trường hợp này đều may mắn khi đến viện kịp thời nên vết thương chưa hoại tử. Tại đây đã từng tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn nguy kịch, hôn mê cả tháng do chủ quan, chậm trễ đến bệnh viện.

Năm nào cũng vậy, từ tháng 4 đến tháng 11 - là mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc nên rất nhiều người bị rắn cắn phải nhập viện. Khi bị rắn độc cắn nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử, nhiễm trùng máu, hay thậm chí là tử vong.

Lý giải thêm về nguyên nhân "vào mùa" bệnh nhân bị rắn độc cắn, BS Nguyên cho biết: “Ngoài những vụ rắn cắn khi đang làm ruộng vườn, không mang đồ bảo hộ lao động thì đa phần xảy đến do người dân chủ động bắt rắn để ăn hoặc bán...

Hiện Việt Nam có 70 loại rắn độc. Với rắn hổ mang, đáng ngại nhất là gây hoại tử rất nhanh ở phần cơ thể bị rắn cắn. Loài rắn này sống xen kẽ với con người do môi trường tự nhiên bị thu hẹp, nó lại thích nghi nhanh với thức ăn trứng, chuột, trú ngụ đống rác, đống gỗ, hang hốc hoặc chuồng gà chuồng vịt… xung quanh khu vực dân cư. Do vậy, tai nạn rắn độc cắn thường gặp nhất là rắn hổ mang, tiếp đến là rắn lục xanh đuôi đỏ, rắn cạp nia…

Chậm đến viện, dễ tử vong

BS Nguyên khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu để nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Ngay sau khi sơ cứu cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế trong tình trạng duy trì băng ép, bất động. Trong trường hợp bệnh nhân có khó thở thì hô hấp nhân tạo cho bệnh nhân.

img

Ngón tay của ông Tiếp có dấu hiệu hoại tử sau khi bị rắn hổ mang cắn.

Sau sơ cứu phải đến bệnh viện khẩn để dùng thuốc giải độc. Đây là loại thuốc hiệu quả tốt, ngăn chặn được hoại tử, cứu được vùng cơ thể đang quá trình hoại tử, tránh di chứng cụt tay, chân, tránh được tử vong.

“Trên thực tế, sau khi rắn cắn, nhiều người loanh quanh tìm thầy lang đắp thuốc, sơ cứu không đúng cách, chậm đến bệnh viện dẫn đến hoại tử “chết” tay, bác sĩ cũng bó tay không thể cứu được”, ông Nguyên khuyến cáo.

BS Mè Thị Xuân, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BVĐK tỉnh Sơn La lưu ý thêm: “Nếu là rắn lục cắn thì biểu hiện hay gặp nhất là tại chỗ cắn có thể chảy máu tím và sưng mề rất nhanh, lan nhanh, nếu bàn tay thì lan ra cẳng tay, cánh tay, thậm chí tận ngực, đau, nhức buốt. Nếu rắn hổ mang, đau và sẽ hoại tử chỗ rắn cắn và lan theo đường đi của chất độc, không đến viện kịp thì sẽ hoại tử hết nửa người bên cắn. Còn nếu rắn cạp nong/cạp nia cắn, bệnh nhân thường không đau, không buốt, không sưng nhưng chỉ sau 2 – 4 tiếng là sẽ liệt toàn thân và tử vong nếu không tới viện kịp thời”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.