Ngày 3/3, Ban Văn hoá – Xã hội (Hội đồng nhân dân TP.HCM) đã có buổi khảo sát (trực tuyến) tình hình học sinh đi học tại một số trường học trên địa bàn Q.7.
Đại diện các trường cho biết, nhiều phụ huynh có con là F1 nhưng vẫn đề nghị cho đi học bình thường.
Bối rối xử lý khi học sinh là F1
Cô Phan Thị Bảy, Hiệu phó (phụ trách khối Tiểu học) hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc cho biết: Từ khi học sinh của trường đi học lại khối tiểu học có 68/388 học sinh là F0, khối trung học phát hiện 32/312 học sinh F0, có 5 nhân viên F0.
Theo cô Phan Thị Bảy, tại trường khi phát hiện trường hợp học sinh nghi nhiễm, trường báo cáo với Trạm Y tế phường để lên phương án xử lý, tiến hành khử khuẩn…
Các trường hợp học sinh F0 hoặc có biểu hiện ho, sốt… đều được cho ở nhà, dừng đến lớp.
Phụ huynh đón con về sau buổi học. Ảnh chụp tại Trường tiểu học Phong Phú (TP.Thủ Đức) lúc học sinh đi học trở lại vào tháng 2. Ảnh: Quang Phương.
“Trước khi đến trường nếu học sinh có dấu hiệu cảm, ho, sốt, mệt mỏi thì phụ huynh cho ở nhà. Còn nếu lên trường phát hiện dấu hiệu trên thì đưa xuống phòng cách ly, phụ huynh đến đón về.
Phần lớn các trường hợp có dấu hiệu ho sốt sau đó test tại nhà đều dương tính. Chúng tối không tổ chức test Covid-19 cho học sinh tại trường vì ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe của học sinh”, cô Bảy cho biết.
Cô Bảy chia sẻ: Cái khó nhất hiện nay nhiều học sinh phát hiện là F0 nhưng không có triệu chứng khiến nhà trường rất lo.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp học sinh là F1 nhưng phụ huynh vẫn mong muốn cho con đến trường vì ở nhà không có người trông giữ.
Như vậy, cần có hướng dẫn việc xác định F1 hiện nay như thế nào là chính xác nhất, để thỏa đáng nguyện vọng của phụ huynh?
Thầy Trần Công Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phong (Q.7), cho biết: Toàn trường có 1.625 học sinh. Từ khi cho đi học trở lại, trường đã phát hiện 108 học sinh là F0, 7 giáo viên F0.
Theo thầy Bình, khi phát hiện F0 tại trường, nhà trường phối hợp với trạm y tế phường tiến hành truy vết F1.
Đối với F0 phát hiện tại nhà, trường có phương án để các em vẫn có thể tiếp thu bài mới dù không đến trường.
“Có những trường hợp 22h đêm, các em báo bị F0, chúng tôi vẫn cùng tổ Covid-19 của trường tiến hành truy vết F1.
Học sinh là F1 được thông báo đến gia đình, cho phép các em học tại nhà, không đến trường. Các học sinh có dấu hiệu ho, cảm đều tạm thời ở nhà 1-2 ngày để theo dõi. Sức khỏe ổn định thì mới được đến trường.
Đối với các F1 thì phải 5 ngày sau mới đến trường với điều kiện là kết quả test âm tính”, thầy Bình cho hay.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng nhân dân TP.HCM) đề nghị các trường thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM về phòng chống dịch bệnh Covid-19 để đảm bảo an toàn trong trong tác dạy học, an toàn sức khỏe cho học sinh.
“Đối với những trường hợp học sinh là F1 nhưng phụ huynh có nhu cầu cho con đến trường thì phải vận động, thuyết phục phụ huynh để họ thực hiện việc cách ly, theo dõi theo đúng quy định. Đó là vì sự an toàn chung cho học sinh của toàn trường”, ông Bình nói.
Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là F1 trở lại trường
Ngày 2/3, UBND TP.HCM đã có văn bản “khẩn” gửi Sở GD-ĐT, Sở Y tế, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện điều chỉnh một số nội dung trong quy trình kiểm soát dịch Covid-19 trong trường học đã ban hành trước đó.
Điều chỉnh này được thực hiện từ đề xuất của Sở GD-ĐT và Sở Y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh là F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo quy định.
Học sinh Trường tiểu học Phong Phú (TP.Thủ Đức) tan trường sau ngày học. Ảnh chụp trong những ngày đầu học sinh được quay trở lại trường học tập lúc tháng 2. Ảnh: Quang Phương.
Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo trong quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp F0 tại cơ sở giáo dục: Trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp với cơ sở giáo dục tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên (hoặc xét nghiệm PCR mẫu đơn) cho học sinh và giáo viên nếu có triệu chứng nghi mắc Covid-19 của lớp có F0.
Về việc xét nghiệm với trường hợp F1 sau khi hoàn thành cách ly y tế tại nhà theo quy định: Phụ huynh tự thực hiện xét nghiệm nhanh cho học sinh tại nhà vào ngày thứ 5 nếu đã tiêm vắc-xin đủ liều, hoặc ngày thứ 7 nếu chưa tiêm đủ liều; Thông báo kết quả xét nghiệm cho giáo viên chủ nhiệm lớp bằng cách gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm (qua Email, Zalo, Viber, tin nhắn...).
UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải lập danh sách học sinh thuộc nhóm nguy cơ cao (béo phì, mắc các bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh...) theo hướng dẫn của Bộ Y tế để theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày nếu lớp đó có trường hợp học sinh F0.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đề nghị Sở GD-ĐT hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các hướng dẫn, không được yêu cầu phụ huynh thực hiện thêm các xét nghiệm không cần thiết như xét nghiệm định kỳ hằng tuần, xét nghiệm PCR để khẳng định âm tính.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận