Ngất xỉu trong phòng tập
Mới đây Bệnh viện 19/8 thông tin vừa tiếp nhận và điều trị cho 1 nam thành niên đột ngột mất ý thức khi đang tập gym. Bệnh nhân nhanh chóng được ép tim và cấp tốc đưa tới bệnh viện. Được biết bệnh nhân đã từng ngất 1 lần cách đây 7 năm.
Khi nhập viện, bệnh nhân rơi vào hôn mê, nên được cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, ép tim, đặt nội khí quản bóp bóng oxy, tiêm adrenalin và sốc điện khử rung nhiều lần. Sau khi có mạch trở lại, huyết áp tụt sâu phải duy trì vận mạch liều cao bệnh nhân được chuyển Khoa Điều trị tích cực và chống độc điều trị tiếp. Các bác sĩ đã quyết định kích hoạt ê kíp hỗ trợ ECMO khẩn cứu mạng bệnh nhân.
BS Bùi Nam Phong (Trưởng khoa Điều trị tích cực - Chống độc, Bệnh viện 19/8) cho biết, trong quá trình điều trị, ngoài hỗ trợ tim phổi nhân tạo, bệnh nhân còn được áp dụng một số biện pháp hồi sức kỹ thuật cao khác như: Kiểm soát thân nhiệt đích; lọc máu liên tục hỗ trợ suy đa tạng sau ngừng tuần hoàn; lọc máu ngắt quãng hỗ trợ tình trạng suy thận cấp trong 2 tuần. May mắn bệnh nhân thoát cửa tử.
Cũng mới đây, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cũng tiếp nhận 6 bệnh nhân được chuyển đến khi đang tham gia giải chạy marthon. Tất cả cấp cứu trong tình trạng sốc nhiệt, rối loạn ý thức với các biểu hiện lơ mơ, yếu cơ tứ chi, hạ huyết áp, da khô, thiểu niệu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng tăng men cơ, suy giảm chức năng thận.
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho hay, chạy bộ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe cần phải được khuyến khích. Tuy nhiên, trong thời gian qua các giải chạy ở cự ly khá dài được tổ chức rầm rộ và có sự tham gia của những người không chuyên. Điều này vô tình làm nảy sinh vấn đề phi thể thao, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Còn theo BS Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhiều trường hợp mắc bệnh lý tim mạch không có triệu chứng. Khi người bệnh hoạt động gắng sức phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng chuyển hóa cơ bản, mất nước và điện giải gây ra vấn đề về bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Hậu quả là ngừng tim phổi, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.
Luyện tập thể thao cần lưu ý điều gì?
BS Hưng cho hay, để tránh chấn thương cũng như tình trạng sốc, đột quỵ người chơi thể thao cần khởi động kĩ càng trước khi tập luyện và vận động tăng dần. Đặc biệt, việc tập luyện thể dục, chơi thể thao, chạy bộ cần hoạt động thường xuyên để giúp cơ thể có thói quen vận động, cũng như nâng cao sức khỏe tim mạch và thể lực. Ngoài ra, khi tập luyện thể chất, mọi người cần lắng nghe cơ thể. Nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… không nên gắng sức, cần phải đi khám và điều trị kịp thời.
BS Mạnh cũng chỉ ra những sai lầm nhiều người mắc khi tham gia thể thao, chạy bộ dẫn đến hệ lụy đáng tiếc. Ví như việc vội vã chinh phục hoạt động thể lực mạnh, cường độ cao, hay đường chạy dài khi chưa có luyện tập để thích nghi trước đó; không bù đủ dinh dưỡng, nước và không kiểm soát tốc độ khi chạy dễ dẫn đến sốc nhiệt…
Theo khuyến cáo từ BS Mạnh, trước khi tham gia các giải chạy đường dài, người tham gia cần phải kiểm tra sức khỏe tim mạch. Đồng thời, lưu ý dừng lại khi cảm thấy không khỏe, không nên cố chạy vượt quá sức chịu đựng của bản thân; Để thích nghi với thời tiết nắng nóng, cần thời gian tập luyện; Tuyệt đối không chạy vào ban đêm. Khoảng thời gian chạy thích hợp và bảo đảm an toàn nên bắt đầu khoảng từ 5-6 giờ sáng; Đảm bảo cơ thể luôn được bù nước. Khi cơ thể đổ mồ hôi nhiều, hãy đảm bảo cơ thể được bổ sung muối (natri) ngoài nước lọc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận