Phát hiện phá rừng quy mô lớn ở Kon Tum
Chương trình thời sự lúc 19h ngày 28/4 của Đài Truyền hình Việt Nam đã phát phóng sự xâm nhập một vụ phá rừng quy mô lớn tại huyện Kon Rẫy, Kon Tum.
Theo đó, phóng sự ghi cận cảnh cưa xẻ gỗ tại khu vực rừng Kon Tum, trong đó có những cảnh quay hàng đoàn lâm tặc vận chuyển gỗ từ rừng ra ngoài. Đường đi gỗ lậu đến các doanh nghiệp sau đó được hợp thức hóa giấy tờ để tiêu thụ.
Ngoài ra, phóng sự còn đề cập đến việc nhóm đối tượng đe doạ người dẫn đường của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam. Để đảm bảo an toàn cho nguồn tin, nhóm phóng viên buộc phải đưa người dẫn đường đến một nơi ở mới an toàn.
Ngày 29/4, tỉnh Kon Tum đã cấp tốc thành lập các đoàn liên ngành để tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng quy mô lớn sau khi có thông tin phản ánh của báo chí.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, sau khi có thông tin phản ánh của báo chí, từ đêm 28/4, đoàn công tác của Chi Cục kiểm lâm tỉnh phối hợp với chính quyền huyện Kon Rẫy đã có mặt tại địa bàn xã Đăk Kôi tiến hành xác minh thông tin phá rừng quy mô lớn tại đây.
Sáng cùng ngày, tại huyện Kon Rẫy đã diễn ra cuộc họp khẩn giữa chính quyền huyện với đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum nhằm thông qua kế hoạch truy quét lâm tặc tại địa bàn xã Đăk Kôi và thành lập đoàn kiểm tra.
Các đoàn kiểm tra liên ngành đã được thành lập với thành phần gồm Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện, lực lượng Công an huyện, chính quyền xã Đăk Kôi và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra sẽ chia ra từng tổ để kiểm tra trực tiếp các điểm rừng tại địa bàn xã Đăk Kôi, nơi báo chí phản ánh nạn phá rừng quy mô lớn. Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy cũng thành lập đoàn kiểm tra để rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động của các xưởng gỗ trên địa bàn huyện.
Tan hoang rừng Tây Nguyên
Cũng tại Kon Tum, trước đó - vào ngày 29/2, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô cũng đã phát hiện 11 xe máy và 13 đối tượng đang khai thác và vận chuyển gỗ trên lâm phần của công ty (Khoảnh 3, Tiểu khu 277 thuộc xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô).
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng phát hiện thêm 11 lóng gỗ nữa cất ở vị trí khác. Tổng số gỗ được phát hiện và thu giữ trong vụ việc lên đến 35m3.
Kế đó, ngày 5/3, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô phát hiện và bắt giữ 11 xe máy đã được "nâng cấp" đang vận chuyển gỗ tại Tiểu khu 258 xã Đăk Tơ Kan (huyện Tumơrông). Bị phát hiện, nhóm lâm tặc đã bỏ lại xe máy cùng 11 lóng gỗ dổi (gỗ nhóm III) có khối lượng tương trên 3,2m3.
Còn tại Gia Lai, tình trạng khai thác gỗ diễn ra ngày một phức tạp.
Đơn cử như ngày 20/4, Công an huyện Đăk Đoa phát hiện trên địa bàn xã Hà Đông có một số nhóm đối tượng ở các xã Đăk Sơmei, Hải Yang, thị trấn Đăk Đoa câu kết với một số đối tượng ở xã Hà Đông đưa công cụ, phương tiện vào khu vực rừng giáp ranh huyện Kban, tỉnh Gia Lai để khai thác lâm sản trái phép.
Công an huyện Đăk Đoa phát hiện tại tiểu khu 406, 408 lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa quản lý (địa giới hành chính xã Hà Đông, huyện Đăk Đoa) có 23 gốc cây bị cưa hạ trái phép. Trong số này có 22 cây thông 5 lá, một cây chò xót (đường kính gốc cây 50-70cm). Trong số 23 gốc chặt nêu trên, có 45,561m3 gỗ vẫn còn tại hiện trường, trong đó 38,764m3 gỗ tròn và 6,797m3 gỗ xẻ.
Công an huyện Đăk Đoa xác định có 3 nhóm đối tượng ở các xã Đăk Sơmei, Hải Yang, thị trấn Đăk Đoa tới địa bàn xã Hà Đông câu kết với một số đối tượng ở làng Kon Jốt, xã Hà Đông và làng Bok Rẫy, xã Đăk Sơmei vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Trong ngày 10/4, PV Báo Giao thông cũng mục sở thị cảnh tan hoang rừng ở khu vực xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai. Khu vực rừng bị phá nằm ở vùng giáp ranh giữa Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk. Nhiều bãi gỗ, nơi tập kết gỗ nằm cạnh các đường xe máy cày lớn.
Sau khi nhóm phóng viên rút ra khỏi rừng, lực lượng kiểm lâm huyện Krông Pa đã vào rừng thu giữ tại các điểm tập kết gỗ 5,3m3 gỗ bằng lăng, 70 tấm khúc và các loại khác. Báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện 5 điểm rừng bị phá để làm nương rẫy.
Công văn tỉnh Đắk Lắk nêu,thời gian gần đây, tại khu vực giữa Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), tình trạng khai thác rừng trái phép diễn ra phức tạp, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý - bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Khu vực bị xâm hại trải rộng trên toàn bộ vùng rừng giáp ranh với huyện Krông Pa. Các loài cây gỗ bị khai thác trái phép gồm: căm xe, bằng lăng, gáo vàng, ké, sao… và cả những loài nguy cấp, quý hiếm.
Theo đó, các đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống tại xã Krông Năng và xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Các đối tượng thường tập trung thành 7 - 8 nhóm, mỗi nhóm khoảng 5 - 10 người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận