Hồ sơ tài liệu

Liên tiếp thử hạt nhân, Triều Tiên có bị Trung Quốc bỏ rơi?

11/03/2016, 18:23

Tham vọng hạt nhân sẽ không thể phá vỡ mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên, theo The Diplomat.

the-diplomat
Mối quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng sẽ không đổ vỡ vì tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, theo tạp chí The Diplomat. 

Bình Nhưỡng gần đây liên tiếp có các động thái thể hiện tham vọng về phát triển hạt nhân ngày một rõ rệt. Truyền thông phương Tây và các nhà quan sát Trung Quốc phỏng đoán, chính vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí là tan vỡ mối quan hệ song phương Bắc Kinh – Bình Nhưỡng.  Thế nhưng, The Diplomat cho rằng, Trung Quốc sẽ không thể quay lưng với Triều Tiên, căn cứ lợi ích lâu bền của 2 bên, song, nhận định này chỉ đúng nếu những bế tắc trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng không kéo dài.

Trong số các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Bắc Á, quan hệ Trung-Triều tương đối ổn định, linh hoạt, gần gũi về địa lý, mối quan hệ đã đi vào chiều sâu và khó thay đổi. Có thể nói, quan hệ Trung-Triều là một phần chính sách đối ngoại của chính quyền Tập Cận Bình – trong mục tiêu tìm kiếm đồng minh gần kề, thậm chí, Bắc Kinh còn tiếp cận Nhật Bản và Philippines để xóa đi khoảng cách khác biệt dân tộc. Nhưng tại sao Trung Quốc lại đang tỏ ra “bỏ rơi” người anh em Triều Tiên để tạo ra một điểm nóng dọc theo biên giới phía đông bắc như vậy?

Tầm quan trọng của mối quan hệ Trung- Triều sẽ được nhìn nhận đúng hơn khi người ta có cái nhìn bao quát về mối quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc, đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc-Mỹ vốn “bằng mặt mà không bằng lòng” trên nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, nhân quyền, thương mại và Biển Đông. Với Nhật Bản, Trung Quốc đang có tranh chấp về chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku. Với Hàn Quốc, Trung Quốc đang có những “vướng mắc” về tuyên bố chủ quyền Ieodo/Đá Nham Tiêu – chưa kể sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc khiến Bắc Kinh không tránh khỏi không hài lòng.

Có thể nói, không có “điểm nóng” nào tồn tại trong mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên. Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng thực chất là một vấn đề đa phương, vượt ngoài tầm kiểm soát của một mối quan hệ song phương. Trung Quốc nhận thức được rõ rằng việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh của chính quốc gia này và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Do đó, “đồng minh tốt” này đã đề xuất các cuộc đàm phán 6 bên nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Lịch sử đã chứng minh rằng, quan hệ Bắc Kinh – Bình Nhưỡng chưa bao giờ xấu đi bởi các chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Năm 1998, khi Triều Tiên phóng tên lửa Teapodong-1, một làn sóng phản đối và các biện pháp trừng phạt quốc tế đã được đưa sau đó. Song chỉ 2 năm sau, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thăm Bắc Kinh. Năm 2001, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã thăm Bình Nhưỡng như một động thái “đáp lễ”.

Năm 2003, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) được đưa ra, Trung Quốc lập tức tổ chức đàm phán sáu bên. Tháng 10 năm đó, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc đã tới thăm Bình Nhưỡng và được chào đón nồng nhiệt. Tiếp đó, chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il tới Bắc Kinh tháng 4/2004. Năm 2006, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Bình Nhưỡng – một năm trước vụ thử hạt nhân đình đám mới của Bình Nhưỡng – không chỉ chứng thực mối quan hệ tích cực giữa hai nước, mà còn khiến cộng đồng quốc tế thêm quan ngại về sự leo thang các chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Chủ tịch Kim Jong-il bí mật thăm Trung Quốc tháng 1/2006, 3 tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước của Hồ Cẩm Đào. Tháng 10 năm đó, Triều Tiên lại thử nghiệm hạt nhân.

Quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên tiếp tục phát triển trong một chuỗi các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Năm 2008, lần đầu tiên Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Triều Tiên. Đây là quan chức cấp cao đầu tiên của Bắc Kinh đến Triều Tiên kể từ sau Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007.

Một đàm phán 6 bên tiếp tục được tổ chức vào tháng 4/2009. Thủ tướng Ôn Gia Bảo vẫn thăm Triều Tiên tháng 10/2009. Năm 2009 cũng là năm “Hữu nghị Trung Quốc – Triều Tiên”.

Năm 2010 – 2011, Chủ tịch Kim Jong-il thăm Trung Quốc 3 lần liên tiếp. Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Khắc Cường cũng thăm Triều Tiên tháng 10/2011. Những cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước không hề bị ảnh hưởng bởi các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân, tháng 2/2013 và tháng 2/2016. Các lần tiếp xúc cấp cao giữa Trung Quốc và Triều Tiên bất chấp các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mối quan hệ không hề bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt “ý thức hệ” như mối quan hệ Trung Quốc với Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Chính quyền Tập Cận Bình nhắm tới một lợi ích lâu bền trong mối quan hệ lâu đời với Triều Tiên, không phải là điều khó hiểu. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc nên từ bỏ mối quan hệ với một quốc gia “khép kín” như Triều Tiên. Song có lẽ  không ai khác, chỉ Bắc Kinh mới thật thấu hiểu những lợi ích quốc gia lên trong mối quan hệ song phương với “người anh em” Bình Nhưỡng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.