Xã hội

Liên tiếp xuất hiện ca dương tính Covid-19, Gia Lai đã ứng phó thế nào?

04/02/2021, 15:37

Gia Lai đã phát hiện 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 địa phương. Toàn tỉnh đã và đang triển khai các kế hoạch đối phó, dập dịch.

img

Lực lượng Quân đội Quân Đoàn 3, Bộ Quốc phòng hỗ trợ tỉnh Gia Lai tiêu độc khử trùng.

Gặp nhiều khó khăn trong truy vết nguồn lây

Sau 6 ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên (ngày 29/1), trên toàn tỉnh Gia Lai đã phát hiện 14 trường hợp dương tính với với SARS-CoV-2 tại 5 địa phương là Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Ayun Pa và Tp Pleiku.

Các trường hợp này đang cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa (8 ca); Krông Pa (3 ca), Phú Thiện (1 ca) và 2 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Sau khi xác định ca bệnh đầu tiên, Gia Lai lập tức khoanh vùng 2 ổ dịch liên quan đến ca bệnh này là phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa (nơi bệnh nhân cư trú) và xã Ia Trok (Ia Pa) đồng thời truy vết nhanh, đưa toàn bộ 1.197 trường hợp F1 đi cách ly tập trung, tăng cường xét nghiệm mẫu, triển khai các bước tiếp theo.

Theo Bộ Y tế, ban đầu, tỉnh Gia Lai còn lúng túng trong công tác dập Covid-19, gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và truy vết nguồn lây dịch tễ. Tuy nhiên, hiện công tác phòng chống, ứng phó tại đây đã tốt hơn.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó chủ tịch tỉnh Gia Lai cho biết: "Gia Lai có 90 km đường biên với Campuchia và có khoảng 500 công dân ở Campuchia có nhu cầu về quê ăn Tết; có 44% là đồng bào dân tộc thiểu số; địa bàn rộng; hệ thống, trang thiết bị y tế còn thiếu và thiếu nhân viên y tế trình độ cao… Đây là một trong những khó khăn trong việc phòng - chống dịch tại địa phương".

img

Lực lượng Phun khử trùng, tẩy rửa ở các Bệnh viện có ca nhiễm Covid-19 từng đến.

Lập bệnh viện dã chiến, tổ chức truy vết cộng đồng

Chủ tịch tỉnh Gia Lai ông Võ Ngọc Thành cũng đề xuất Bộ Y tế về việc hỗ trợ trang thiết bị và chuyên gia để thiết lập bệnh viện dã chiến với công suất 200 giường để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh. Bộ Y tế hỗ trợ cho Gia lai thêm vật tư tiêu hao, hoá chất khử khuẩn, trang phục phòng hộ chống dịch và máy xét nghiệm Real-Time-PCR, bộ kit xét nghiệm để tăng cường năng lực phòng- chống dịch cho tỉnh.

Tiến sĩ Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, qua kiểm tra phát hiện các ca bệnh tại Gia Lai không có biểu hiện lâm sàng.

"Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sẽ bám trụ, hỗ trợ Gia Lai cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ phòng-chống dịch tại Gia Lai", Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho hay.

Tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai chiều tối 3/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: “Với đặc điểm tình hình hiện nay, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, xuất hiện biến chủng, lây lan nhanh. Tỉnh Gia Lai có đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nên cần phải quan tâm hơn việc tuyên truyền phòng-chống dịch đến bà con".

Cũng theo ông Tuyên, trong phòng-chống dịch cần tuân thủ các nguyên tắc: phát hiện thật sớm; cách ly thật nhanh, kịp thời; khoanh vùng dập dịch; tích cực điều trị; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện mục tiêu kép nhưng công tác phòng-chống dịch phải đặt lên đầu. Ngoài phòng-chống Covid-19 cũng cần chú trọng công tác phòng-chống các dịch bệnh khác”, Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Gia Lai kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng-chống dịch toàn tỉnh; nhanh chóng lập các tổ phòng - chống dịch cộng đồng; các địa phương chưa có dịch cũng phải có phương án sẵn sàng đáp ứng như là mình có dịch. Bên cạnh đó, thần tốc truy vết các F1, đẩy nhanh xét nghiệm ưu tiên F1, đối tượng có nguy cơ cao; tổ chức truy vết phải đưa ra lộ trình dịch tễ cụ thể, phải sàng lọc được đâu là đối tượng F1, đối tượng nguy cơ.

"Hiện nay, chúng ta thực hiện phong toả trong diện hẹp và phải đảm bảo 100% người dân trong khu vực phong toả đều phải lấy mẫu xét nghiệm", Thứ trưởng Bộ Y tế nói và cử đoàn chuyên gia từ các đơn vị của bộ chi viện cho Gia Lai để nâng công suất xét nghiệm lên ít nhất 3000 mẫu/ngày; đảm bảo 100% F1 phải cách ly tập trung. Về công tác khoanh vùng, phải chặt chẽ không để lây lan ra ngoài và phải dập được dịch ở bệnh trong… Về việc thành lập bệnh viện dã chiến Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể.

img

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại cuộc họp với tỉnh Gia Lai tối 3-2.

Thực hiện nhiệm vụ kép

Trước đó, tại cuộc họp công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, ông Võ Ngọc Thành, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng thời điểm hiện nay tỉnh vừa thực hiện công tác phòng chống dịch nhưng cũng đảm bảo an sinh xã hội.

"Hiện nay, là mùa khai thác mía ở địa bàn xảy ra dịch bệnh nên lưu ý việc kiểm soát không quá cực đoan nhưng phải đảm bảo. Vì vậy, hướng dẫn việc chở hàng hoá, nguyên liệu sản xuất cho đầu tư xây dựng vẫn phải làm nhưng phải thực hiện phòng dịch tốt".

Cũng theo ông Thành, cần quan tâm những người nghèo, tại các khu vực cách ly. Trong đó, có việc cung ứng lương thực thực phẩm, mắm muối cho người dân có cái ăn. Không để tình trạng dịch chưa chết mà dân chết đói".

Chủ tịch tỉnh Gia Lai cũng đề nghị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Lãnh đạo địa phương phải ở lại vùng dịch, cách ly nghiêm. Các cán bộ địa phương nếu ra khỏi tỉnh phải được phép của UBND tỉnh. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Gia Lai cũng nêu lên nhiều nhiệm vụ cấp bách khác như công tác huy động người dân chung tay hỗ trợ chính quyền trong công tác dập dịch; Công tác tài chính, trang thiết bị y tế, phương án cách ly cụ thể, địa điểm cách ly, cơ sở lưu trú để ngành chức năng tham gia dập dịch an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.