Y tế

Liên tục cảnh báo thực phẩm chức năng chứa chất cấm và quảng cáo lố

21/12/2022, 16:18

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo hàng loạt thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm và yêu cầu xử lý theo quy định.

Nhiều thực phẩm chức năng có chứa chất cấm

Theo cảnh báo từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, mới đây vừa phát hiện 3 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm. Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Loss Weight Phục Linh Collagen (Ngày sản xuất: 26/3/2022, Hạn sử dụng: 25/3/2025, số lô 010122) bị phát hiện chứa Sibutramine. Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

img

Một sản phẩm bảo vệ sức khỏe được phát hiện có chứa chất cấm

Đáng nói, sản phẩm vẫn tiếp tục sản xuất, đưa ra thị trường khi, Cục ATTP đã có quyết định thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên từ đầu năm 2020.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Adam Xmen (Ngày sản xuất: 2/6/2021, Hạn sử dụng: 1/6/2024, số lô 00121) cũng được phát hiện có chứa chất cấm Sildenafil. Sildenafil là thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn cương dương.

Tương tự với sản phẩm KisuNew giảm cân trà xanh (Ngày sản xuất: 230821, Hạn sử dụng: 220824, số lô 030821 cũng được phát hiện có chứa cùng lúc tới 4 loại chất cấm là Phenolphtalein, Sibutramine, Desmethylsibutramine, Desisobutyl-benzylsibutramine.

Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin và hình ảnh nói trên. Trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Hội thảo "Phát triển bền vững thị trường thực phẩm chức năng" do Cục An toàn thực phẩm cùng VTC News vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo.

Thực tế, nhiều đơn vị cố tình vi phạm về thực phẩm chức năng. Đó là sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng người dùng".

"Thời gian cũng tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, không đúng theo đăng ký với cơ quan quản lý. Trong quảng bá và truyền thông, quảng cáo sai thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; cắt ghép hình ảnh của đài truyền hình, lực lượng quân đội công an… để quảng bá sản phẩm. Thậm chí, nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai chức năng, công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ trên mạng xã hội, khiến công chúng bức xúc", ông Phong cho biết thêm.

img

Một sai phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Siết mạnh quản lý thực phẩm chức năng

Trước thực trạng của thị trường thực phẩm chức năng, bà Trần Việt Nga, Cục phó Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, Cục ATTP đã phối hợp với nhiều đơn vị liên quan nhằm giải quyết tồn tại như thực phẩm chức năng giả, “đăng ký một đằng, làm một nẻo” hay quảng cáo sai sự thật.

“Ngoài xử lý việc quảng cáo sai về chuyên môn, nhiều đơn vị còn quảng cáo còn bằng việc giả danh y bác sĩ, thầy lang nhằm lừa đảo người tiêu dùng, đơn vị chuyển vụ việc, phối hợp bộ Công an kiểm soát và ngăn chặn. Hay với việc nhiều nghệ sĩ quảng cáo “lố”, Bộ có văn bản gửi Bộ Văn hóa yêu cầu quản lý và quán triệt tới các nghệ sĩ khi tham gia quảng các sản phẩm này…

Ngoài ra, chúng tôi thành lập tổ phản ứng nhanh với thành viên đến từ các đơn vị chứng năng để giải quyết kịp thời những phát hiện vi phạm về quảng cáo trên mạng xã hội”, bà Nga cho biết.

Bà Việt Nga cũng nhấn mạnh khuyến cáo: "Tất cả các quảng cáo có sử dụng hình ảnh bác sĩ, thư cảm ơn, có chữ “điều trị” hay "tốt nhất"… đều là sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng. Do vậy người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những quảng cáo vống này".

Theo Cục ATTP, đơn vị này đã chuyển Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) xử lý 483 đường link (139 facebook, 6 youtube), chuyển Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) xử lý 89 website sàn thương mại điện tử. Cũng trong năm 2022, cơ quan chức năng đã xử lý 1.145 gian hàng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.