Bể tour, nhỡ việc vì tàu đến chậm
Anh Hoàng Văn Nghĩa (Hà Nội) cho biết, anh vừa đi chuyến tàu SE8 từ Ninh Bình ra Hà Nội, quãng đường khoảng 100km nhưng tàu về chậm đến 1 giờ 30 phút, khiến anh bị nhỡ việc. “Đi tàu khá thoải mái, giá cũng hợp lý, nhưng việc tàu về quá chậm khiến khách không chủ động được thời gian. Nếu việc này tiếp diễn, sau tôi sẽ không chọn đi tàu hỏa nữa”, anh Nghĩa chia sẻ.
Tương tự, anh Võ Tấn Tài (Nhơn Hòa, Bình Định) cho hay, mới đây anh đi đón người thân từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi bằng tàu SE26, tàu bị trễ đến hơn 3 giờ. Tàu đến quá chậm khiến cả nhà chờ đợi rất mệt mỏi.
Trên mạng xã hội thời gian qua, nhiều người cũng bày tỏ bức xúc trước việc tàu đến muộn. Hành khách có tài khoản “Toi la Huynh” bức xúc chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook: “Tàu SE26 khởi hành từ ga Sài Gòn lúc 19h ngày 27/6/2019. Theo thông tin ngành Đường sắt công bố thì sẽ đến ga Tuy Hòa lúc 5h41 ngày 28/6/2019, nhưng mãi đến 7h53 mới đến nơi. Chỉ quãng đường hơn 500km mà đã trễ hơn 2 tiếng. Cả chặng cả nghìn km thì tàu sẽ chậm bao lâu?”.
Thông tin với Báo Giao thông, một cán bộ quản lý công tác phục vụ trên tàu (đề nghị giấu tên) cho biết, tình trạng tàu chậm giờ kéo dài liên miên, nhất là các tàu khu đoạn, lập thêm. Như tàu SE26 chậm ít nhất là 1 giờ, còn lại thường từ 2-3 giờ. Hành khách kêu rất nhiều, nhân viên trên tàu chỉ còn biết xin lỗi, mong hành khách thông cảm.
“Chuyến nào cũng xin lỗi, thông cảm khiến chúng tôi xấu hổ. Chẳng lẽ chậm giờ thành câu slogan của đường sắt?”, nhân viên này nói và cho biết, có hành khách về để tang người thân, nhưng tàu về muộn, quá cả giờ khâm liệm, họ khóc rồi chửi bới ngay tại ga. Rồi khách du lịch nữa, có đoàn khách đăng ký tour đi đảo Lý Sơn nhưng tàu đến muộn nên bể tour, vì tàu ra đảo chỉ có giờ nhất định.
“Cứ vậy hoài thì ai đi tàu nữa, trong khi tàu đang yếu thế trong cạnh tranh với đường bộ, hàng không giá rẻ”, nhân viên này than và cho biết, không chỉ hành khách, nhân viên đi tàu cũng rất vất vả. Ví dụ tàu SE26, nếu về Quảng Ngãi đúng giờ là 10h33, họ có thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân trước khi ra nhận tàu, chuẩn bị đón hành khách tàu SE25 chạy tại ga Quảng Ngãi lúc 14h50. Giờ tàu về muộn hàng tiếng đồng hồ, họ không còn đủ thời gian để lấy lại sức khỏe trước khi vào ban làm việc tiếp.
Áp dụng biểu đồ mới có giải quyết được chậm tàu?
Theo Tổng công ty Đường sắt VN, tháng 7/2019, tàu khách Thống Nhất đi đúng giờ 360/372 đoàn, đạt tỷ lệ 96,8%, tăng 0,6 % so với cùng kỳ năm 2018; Tàu đến đúng giờ 172/372 đoàn, chỉ đạt 46,2%, giảm 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, tàu đến chậm 200 đoàn. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 1.358/1.508 đoàn, đạt 90%, giảm 0,4%; Tàu đến đúng giờ 940/1.508 đoàn, đạt 62,3%.
Còn trong tháng 8/2019, tàu Thống Nhất đi đúng giờ 332/340 đoàn, tỷ lệ 97,6%, giảm 1,5%; Tàu đến đúng giờ 180/340 đoàn, tỷ lệ 52,9%, giảm 22,8%. Trong đó, tàu đến chậm 160 đoàn. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ 1.177/1.213 đoàn, tỷ lệ 97%, tăng 2,3% so với cùng kỳ; Tàu đến đúng giờ 926/1.213 đoàn, tỷ lệ 76,3%, tăng 2,3%.
Thẳng thắn thừa nhận thực trạng trên, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, khu vực phía Nam, nhiều tàu khu đoạn như tàu Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Quảng Ngãi… bị chậm giờ, hành trình kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ đường đơn, các đoàn tàu muốn chạy trong cùng một khu gian phải chờ dừng tránh, vượt nhau tại các ga dọc đường.
Tuy nhiên, không phải ga nào hạ tầng cũng có thể cho tàu dừng đỗ được vì không đủ đường ga, chỉ có 2 đường hoặc đường ga ngắn, không đủ chứa hết chiều dài đoàn tàu. Vì vậy, khi tàu buộc phải dừng chờ ở một số ga nhất định sẽ dẫn đến kéo dài thời gian chờ; ngoài ra còn phụ thuộc vào thứ tự ưu tiên mác tàu nào được chạy trước.
“Dọc đường còn có rất nhiều nguyên nhân dễ dẫn đến chậm tàu như: Sự cố về phương tiện, cầu đường, thông tin tín hiệu, sự cố về chướng ngại, tai nạn trên đường sắt, mưa bão, ngập lụt, sạt lở. Nhất là tình trạng nhiều giao cắt đường bộ - đường sắt hiện nay, nguy cơ tai nạn, sự cố rất cao. Trong khi đó, chỉ cần một tàu bị sự cố, tai nạn, phải dừng giải quyết, chậm giờ là sẽ xô lệch biểu đồ chạy tàu, kéo theo nhiều tàu khác bị ảnh hưởng hành trình, chậm theo”, ông Tuấn cho hay.
Ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, hè năm nào cũng chạy nhiều mác tàu tăng cường, số lượng tàu vẫn vậy. Tuy nhiên năm nay, biểu đồ chạy tàu “căng” hơn trước do rút ngắn thời gian chạy dọc đường một số mác tàu đẳng cấp cao. Đây là những mác tàu quay chung ram xe (sử dụng chung đoàn toa xe) giữa hai đầu Hà Nội, Sài Gòn nên phải ưu tiên cho vượt trước, vì vậy cũng ảnh hưởng đến các tàu khác nếu xảy ra xô lệch biểu đồ.
Cùng đó, số điểm thi công đường khiến tàu chạy chậm nhiều, dẫn đến phải giảm tốc độ tàu qua các điểm này. Có điểm thi công để sửa chữa cầu đường; do duy tu thường xuyên và khắc phục hậu quả bão lũ chỉ hạn chế tốc độ khoảng 30-40km/h. Ngoài ra, còn có các điểm hạ tầng bị hư hỏng do tai nạn tàu va phương tiện đường bộ cũng bị hạn chế tốc độ.
Để giải quyết thực trạng này, ông Quốc Anh cho biết, từ 15/9, ngành Đường sắt áp dụng biểu đồ chạy tàu mới sau hè với 17 đôi tàu/ngày đêm trên tuyến Thống Nhất. Biểu đồ này cơ bản giữ nguyên giờ tàu xuất phát, chỉ điều chỉnh giờ tàu đi, đến, giờ tàu chạy các ga dọc đường một số mác tàu; đồng thời tăng giờ dự trữ để các tàu gỡ giờ. Hơn nữa, sau hè, các công ty vận tải giảm tàu tăng cường vì nhu cầu hành khách giảm, khi đó sẽ giảm áp lực, có “khoảng trống”, thời gian cho các tàu chạy đảm bảo hành trình.
“Chắc chắn việc điều chỉnh này sẽ giảm thiểu tình trạng tàu chậm giờ, kéo dài hành trình. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng như nâng cao tải trọng tại các vị trí cầu đường yếu trên tuyến, làm thêm đường sắt mới, kéo dài đường ga tại các ga ngắn đường để nâng cao năng lực thông qua”, ông Quốc Anh nói và cho biết thêm, các công trình dự án trong gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn để nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ góp phần giải quyết thực trạng này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận