Người dân hoang mang
Từ đầu năm 2020 đến nay, xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An liên tục xuất hiện hố “tử thần” khiến người dân hoang mang.
Hố tử thần sâu hơn 15m xuất hiện ở xóm Bản Công, xã Châu Hồng
Theo tìm hiểu của PV, tình trạng sụt lún ruộng, dọc ven khe suối xuất hiện từ tháng 1/2020.
Dần dần, nơi đây xuất hiện nhiều hố tử thần với diện tích nhỏ. Cùng với đó, giếng nước, ao hồ trong khu vực bắt đầu bị mất nước mặt, cạn dần. Nhiều nhà dân cũng bị tình trạng sụt lún, nứt nẻ, hư hỏng.
Theo rà soát của UBND xã Châu Hồng, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, trên địa bàn xã có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối.
Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022, có 114 ngôi nhà bị rạn, nứt… Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.
Tình trạng này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các xóm bản Công, bản Poong, Na Hiêng, Na Noong vào những ngày tháng 5/2022.
Cụ thể, vào khoảng 15h chiều ngày 16/5, trong lúc làm ruộng tại cánh đồng Na Tong, xóm Bản Công, một số người dân giật mình khi nghe một tiếng động lớn, sau đó phát hiện một hố sâu hơn 15m, miệng hố rộng khoảng 3m.
Rất nhiều giếng nước của dân ở xã Châu Hồng bị mất nước
Lúc 5h sáng ngày 27/5, gia đình anh Điềm Viết Tứ (ở bản Na Hiêng) tá hỏa khi 1 hố “tử thần” rộng khoảng 4m và sâu khoảng 6 - 8m xuất hiện ngay dưới nền nhà.
Bức xúc tình trạng hố “tử thần” ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, trong ngày rất nhiều người dân đã kéo vào hầm khai thác thiếc của của Công ty Tân Hoàng Khang.
Ông Vi Văn Thắng (75 tuổi, ở bản Công) từng trả lời Báo Giao thông: Ở dưới con suối của bản có 1 hang cát tơ ngầm, hiện tại có một công ty đang khai thác thiếc gần hang đó. Chúng tôi nghi ngờ do công ty hút hết nước ngầm phía dưới để khai thác tạo nên áp lực giữa 2 bên (bên trên mặt đất và dưới ngầm) bị chênh lệch nên mới xảy ra tình trạng này.
Được biết, tính từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã Châu Hồng có 11 doanh nghiệp khai thác (gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá) được nhà nước cấp phép cho công ty, doanh nghiệp thực hiện khai thác khoáng sản.
Trong đó, có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò. Hiện tại khu vực này còn duy nhất Công ty cổ phần Tân Hoàng Khang hoạt động khai thác có sử dụng nước ngầm.
Trên địa bàn còn công ty Tân Hoàng Khang khai thác nước ngầm
Sở thờ ơ, ngành bất nhất
Theo tìm hiểu của PV, sau khi phát hiện tình trạng sụt lún, hố “tử thần”, UBND xã đã có đến gần 30 báo cáo ghi nhận những dấu hiệu bất thường gửi lên cấp trên; đề nghị sớm tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết dứt điểm.
UBND huyện Quỳ Hợp cũng đã nhiều lần cử các đoàn công tác lên kiểm tra hiện trường thực tế. Tuy nhiên, để tìm ra được nguyên nhân, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An thuê đoàn địa chất về khoan thăm dò để kiểm tra.
Ngày 29/4, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An có văn bản số 2407 gửi UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị huyện “ra thông báo yêu cầu yêu cầu các tổ chức, cá nhân tạm dừng ngay việc hút, khai thác nước ngầm tại khu vực bản Công, bản Na Hiêng, bản Poong và vùng lân cận và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không thực hiện”.
Đến ngày 11/5, UBND huyện Quỳ Hợp có thông báo về việc tạm dừng bơm hút, khai thác nước ngầm đối với một số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn xã Châu Hồng.
Thời gian tạm dừng việc bơm hút nước, khai thác nước ngầm từ ngày thông báo đến khi có thông báo mới.
Cùng thời điểm này, đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ đã về khoan thăm dò địa chất để tìm nguyên nhân hiện tượng.
Tuy nhiên, sau đó, Công ty cổ phần Tân Hoàng Khang đã đề nghị cho phép được khai thác nước ngầm trở lại. Lý do là nếu không khai thác nước ngầm thì sẽ gây ngập hầm lò, ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn đến hoạt động sản xuất của công ty.
Điều kỳ lạ là, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An lại không trả lời dứt khoát cho hoặc không, mà chỉ trả lời một cách nửa vời: “trong khi chờ cơ quan kết luận nguyên nhân sụt lún, các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất, kinh doanh bình thường theo quy định”.
Một hố tử thần ngay dưới nền nhà dân xã Châu Hồng
Có câu nói này của cơ quan chủ quản, Công ty Tân Hoàng Khang tiếp tục khai thác nước ngầm.
Cho đến ngày 27/5, tiếp tục xuất hiện hố tử thần ngay dưới nền nhà dân, UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục có văn bản hỏa tốc yêu cầu Công ty Tân Hoàng Khang dừng ngay việc khai thác nước ngầm.
Liên quan đến thực trạng này, theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Nghệ An vừa phê bình Sở NN&PTNT tỉnh này.
Theo đó, ngày 21/4/2022, UBND tỉnh đã có Văn bản số 147 về việc sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng kiểm tra tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý trước ngày 28/4/2022.
Tuy nhiên, đến nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có báo cáo phương án xử lý dứt điểm, chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An phê bình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chậm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý; Yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/6/2022.
Dư luận đang đặt câu hỏi, trong khi dân và chính quyền địa phương đang hoang mang, lo lắng, tại sao Sở TN&MT và Sở NN&PTNT - 2 đơn vị trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh về các vấn đề này lại thờ ơ, có những chỉ đạo bất nhất như vậy?
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung kiểm tra hiện trường các hố tử thần và chỉ đạo nóng (Ảnh HN)
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra hiện trường và chỉ đạo nóng
Trước thực trạng nghiêm trọng nói trên, ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã trực tiếp lên kiểm tra và có những chỉ đạo xử lý.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động bơm nước khai thác khoáng sản của Công ty Tân Hoàng Khang cho đến khi có thông báo mới.
Giao UBND huyện Quỳ Hợp phối hợp với các ngành chức năng di dời 6 hộ dân có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến nơi an toàn; Sở NN&PTNT có phương án hỗ trợ nước sạch cho người dân bị ảnh hưởng trên địa bàn xã Châu Hồng.
Giao Sở Xây dựng thuê trung tâm độc lập kiểm định lại chất lượng các công trình của người dân để từ đó đánh giá mức độ kiên cố của các công trình từ đó đưa ra được mức độ thiệt hại.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các ngành thành lập đoàn kiểm tra, kiểm tra công tác khai thác khoáng sản, đặc biệt là với những doanh nghiệp có khai thác nước ngầm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo đúng quy định. Chậm nhất ngày 31/7/2022 phải có kết quả báo cáo UBND tỉnh.
Đồng thời các cơ quan, ban, ngành phải tạo điều kiện để đoàn địa chất Bắc Trung Bộ thực hiện nhiệm vụ đánh giá nguyên nhân; chậm nhất đến ngày 31/7/2022 có kết luận đánh giá khách quan, chính xác nguyên nhân tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô tại đây…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận