Xã hội

“Liệt sĩ” trở về sau gần 30 năm bố mẹ già tất tả đi tìm mộ

01/03/2019, 18:03

“Liệt sĩ” Ngô An Dương (Hà Tĩnh) bất ngờ trở về nhà sau gần 30 năm bố mẹ già tất tả khắp nơi đi tìm phần mộ.

img
"Liệt sĩ" Ngô An Dương cùng vợ

Ngày 1/3, PV Báo Giao thông có mặt tại gia đình vợ chồng cụ Ngô An Ninh (85 tuổi) và Phan Thị Thu (83 tuổi), trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ ngoài ngõ đã nghe tiếng cười nói rôm rả, chúc mừng của bà con lối xóm trước sự trở về đầy bất ngờ của người con cả của 2 cụ là “liệt sĩ” Ngô An Dương (SN 1958).

Sau 40 năm bặt vô âm tín và sau gần 30 năm gia đình nhận giấy báo tử, ngày 27/2/2019, “liệt sĩ” Ngô An Dương đã cùng người vợ từ Campuchia trở về quê trong sự ngỡ ngàng, vỡ òa vui sướng của gia đình, làng xóm.

img
Giấy báo tử của "liệt sĩ" Ngô An Dương

Theo gia đình kể lại, ông Dương là con trai cả trong một gia đình có 8 anh chị em. 20 tuổi, chàng trai trẻ theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, đóng quân tại tỉnh An Giang.

Cuối năm 1979, ông chiến đấu tại chiến trường Campuchia và bị thương. Sau đó ông Dương cùng 2 người lính khác bị tàn quân Polpot bắt giam, đánh đập. Kể từ đó, gia đình không còn nhận được thông tin gì về ông. Đến năm 1993, gia đình nhận được giấy báo tử của con trai, liệt sĩ Ngô An Dương.

Vẫn chưa hết bồi hồi, vui sướng khi trở về quê hương sau 40 năm lưu lạc, ông Dương kể: sau khi thoát khỏi quân địch, ông bị mất trí nhớ, thương tích đầy mình và phải lưu lạc khắp nơi trên đất Campuchia. Sau đó ông Dương được một người phụ nữ bản địa giúp đỡ và chữa trị vết thương. Kể từ đó ông Dương nhận người phụ nữ đó là mẹ nuôi và sống tại Campuchia.

img
"Liệt sĩ" Dương gặp lại bố đẻ của mình sau 40 năm mất tích

Nói về cảm xúc của lần hội ngộ sau gần 30 năm bị báo tử, ông Dương nói: “niềm vui lớn nhất của tôi là chứng kiến bố mẹ, các anh chị vẫn còn khỏe mạnh”.

Sau đó, ông Dương đã cưới cô gái tên là Âm Ôn (SN 1960), là cháu gái của người phụ nữ đã cưu mang ông lúc bị thương. Hiện vợ chồng ông Dương đã có 3 người con, 2 trai, 1 gái. Đến năm 2017, nhờ tổ chức từ thiện Hàn Quốc sang giúp đỡ nên ông Dương dần hồi phục được trí nhớ và tìm đường về nhà.

Khi đang tìm cách liên lạc về quê hương thì vào cuối năm 2018, ông bất ngờ quen một người tên Dần (trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sang Campuchia bán máy làm gạch. Lúc này ông Dương tiếp cận và viết một mẩu giấy nhờ gửi về quê nhà tìm người thân.

“Ban đầu gia đình không tin, tuy nhiên sau khi gọi điện xác minh nghe giọng và thấy người này đọc được tên các thành viên trong gia đình thì tôi mới dám nghĩ con mình còn sống”, ông Ngô An Ninh (83 tuổi, bố đẻ ông Dương) chia sẻ.

img
Chính quyền địa phương đến chúc mừng gia đình "liệt sĩ" Dương

Lấy bàn tay gầy và nhăn nheo vì tuổi tác lau những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má, bà Phan Thị Thu (83 tuổi, mẹ của ông Dương) xúc động: gần 30 năm qua gia đình chắc chắn là con trai đã hi sinh. Nhiều năm ròng gia đình lặn lội khắp nơi tìm kiếm phần mộ con trai để đưa về quê hương nhưng tất cả đều vô vọng. Nay nó trở về mạnh khỏe thế này, chúng tôi có nằm xuống cũng thấy nhắm mắt, xuôi tay.

Được biết, Phòng LĐTB&XH huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh và Sở LĐTB&XH tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo hướng xử lý đối với trường hợp "liệt sĩ" Ngô An Dương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.