Mỹ đã dự phòng kế hoạch B phòng khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ |
Tố nhau vi phạm thỏa thuận
Hôm qua, phe đối lập tại Syria cáo buộc quân Chính phủ nước này vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo đó, máy bay trực thăng của quân Chính phủ tấn công nhiều vị trí của phe đối lập, trong đó có thành phố chiến lược và Idlib khu vực ngoại ô Thủ đô Damascus khiến 2 người thiệt mạng. Phe đối lập cũng yêu cầu các lực lượng quốc tế can thiệp để duy trì lệnh ngừng bắn.
Về phần mình, Chính phủ Syria đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định, đang tuân thủ nghiêm túc lệnh ngừng bắn. Không những thế quân Chính phủ còn tố phe đối lập vi phạm lệnh ngừng bắn khi pháo kích vào một số khu dân cư ở Thủ đô Damascus. Ông Fares Bayoush, một chỉ huy của Quân đội Syria Tự do cho rằng những vi phạm ngừng bắn có thể khiến lệnh ngừng bắn sụp đổ.
Thỏa thuận không áp dụng đối với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mặt trận Al-Nursa có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các nhóm khủng bố nằm trong “danh sách đen” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Điều này đã bị chỉ ra là một trong những lỗ hổng dẫn đến các vụ vi phạm và nó sẽ là cái cớ để biện minh cho việc nổ súng trở lại. Không những thế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố lực lượng dân quân người Kurd tại Syria (được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống IS) là lực lượng khủng bố và không ngừng pháo kích và đánh bom các hạ tầng và cứ điểm của lực lượng này tại Syria.
Nga - một trong hai nước đề xuất lệnh ngừng bắn cho biết, đã dừng hoàn toàn mọi hoạt động không kích và cho biết chiến sự đã tạm dừng tại 34 thành phố, thị trấn thuộc Damascus, Daraa, Aleppo và Homs. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, sẽ điều 70 máy bay do thám không người lái, vệ tinh và các hình thức trinh sát khác để giám sát lệnh ngừng bắn.
Chính phủ Syria và phần lớn các nhóm đối lập đã tuyên bố chấp nhận lệnh ngừng bắn, nhưng vẫn bảo lưu quyền được đánh trả nếu bị tấn công. Tuy nhiên, phần lớn lãnh thổ ở miền Trung, Bắc và Đông Syria không nằm trong thỏa thuận ngừng bắn vì có mặt của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận al-Nusra (chi nhánh tổ chức khủng bố al-Qaeda), theo AFP.
Phương án B vẫn cần sự đồng thuận của Nga
Thỏa thuận ngừng bắn mà Mỹ và Nga vừa đạt được 3 ngày trước (27/2) là nỗ lực ngoại giao quy mô nhất từ trước tới nay, đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài 6 năm tại Syria. Tuy nhiên, xét trên tính chất phức tạp của điểm nóng số 1 thế giới này thì thỏa thuận luôn đứng trước nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Ngay cả Tổng thống Obama cũng “rất thận trọng khi đưa ra các kỳ vọng đối với thỏa thuận này. Bên cạnh những khó khăn trong việc thực thi thỏa thuận, sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và Nga, vốn đứng ở hai phía chiến tuyến trong cuộc xung đột tại Syria, cũng được xem là yếu tố quyết định.
Giới chức Nhà Trắng cho biết, ông Obama đã có phương án B nếu thỏa thuận ngừng bắn thất bại, theo Wall Street Journal. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết: “Chúng ta sẽ biết trong một hoặc hai tháng tới tiến trình này có được thực thi nghiêm túc hay không. Nếu không, việc lựa chọn phương án B chắc chắn sẽ được cân nhắc”.
Hiện, chưa có thông tin cụ thể về kế hoạch B; tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, nhiều khả năng đây sẽ một giải pháp quân sự. Thậm chí, còn có đồn đoán Syria sẽ bị chia cắt nếu kế hoạch B được thực hiện.
Về phía Nga, Điện Kremlin cho rằng, vẫn còn quá sớm để thảo luận về kế hoạch này và việc cần thiết lúc này là triển khai lệnh ngừng bắn chứ không phải bàn về phương án B. Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga cho biết: Việc thực hiện kế hoạch hay bất kỳ sáng kiến nào nhằm đem lại hòa bình cho Syria đều cần phải có sự bàn thảo và nhất trí giữa Nga - Mỹ. Cả hai bên vẫn đang sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động tới các phe phái liên quan trong cuộc xung đột đẫm máu này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận