Y tế

Liệu pháp mới phòng ngừa, điều trị ung thư bằng vaccine

01/04/2019, 13:57

Nhiều người bệnh ung thư hiện đặc biệt quan tâm đến thông tin vaccine miễn dịch HITV giúp phòng ngừa và điều trị ung thư...

img
TS. Kenichiro Hamisu, Viện Điện toán và Ung thư Tokyo (Nhật Bản) giới thiệu liệu pháp mới vaccine hệ miễn dịch HITV (vaccine Hamisu) phòng ngừa và điều trị ung thư tại TP HCM ngày 30/3

Phòng ngừa và điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch

Ngày 30/3, TS Kenichiro Hamisu, Viện Điện toán và Ung thư Tokyo (Nhật Bản) cùng Bệnh viện Gia An 115 giới thiệu liệu pháp mới vaccine hệ miễn dịch HITV (vaccine Hamisu) phòng ngừa và điều trị ung thư.

Theo giới thiệu của ông Hamisu, đây là thành tựu đầu tiên trong việc phát triển phương pháp điều trị kết hợp giữa xạ trị và tế bào tua hay còn gọi là đuôi gai (tế bào tua là một loại tế bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể) của Nhật Bản từ năm 2005.

Hiện vaccine HITV đã có mặt tại 42 quốc gia trên thế giới và điều trị cho hơn 22.500 người với 28 chứng bệnh ung thư như: ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày…

Vaccine Hamisu phát huy tối đa khả năng tự điều trị của cơ thể kết hợp với các phương pháp điều trị đang có sẵn như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị để đạt kết quả tối ưu nhất.

Theo giải thích của TS. Hamisu, để đạt được mục tiêu điều trị các khối u bằng phương pháp miễn dịch, các bác sĩ điều trị bắt đầu từ việc tạo cho cơ thể người bệnh các kháng nguyên ung thư, sau đó đưa các tế bào đuôi gai vào cơ thể và thúc đẩy việc sản xuất tế bào lympho T ở từng khối u.

Những tế bào lympho T này đi vào máu, làm sạch máu bằng cách loại bỏ các tế bào ung thư trong máu và người bệnh sẽ khỏi bệnh (về mặt lý thuyết, nếu trong máu không có các tế bào ung thư thì sẽ không có di căn mới xảy ra). Sau khi chỉ số biểu thị khối u trong máu đã trở lại bình thường và xác nhận khối u đã biến mất hoàn toàn, thì sẽ đến giai đoạn phòng ngừa tái phát thông qua các tế bào đuôi gai.

Ưu điểm của việc điều trị bằng vaccine Hamisu là ít tác dụng phụ, thông qua các tế bào miễn dịch giúp ngăn ngừa khả năng tái phát của u và kéo dài thời gian tái phát bằng cách giảm thiểu số lượng khối u di căn mới. Tại Nhật Bản, từ năm 2008 đến nay đã có hơn 1.200 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này và tỷ lệ khỏi bệnh là 70%. Tuy nhiên, kết quả trên các bệnh nhân là khác nhau do phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm điều trị, số lượng khối u, đường kính khối u…

Theo ông Hamisu, nếu có thể phát huy hết sức mạnh của hệ miễn dịch kết hợp với các phương pháp trị liệu hiện nay thì chúng ta có thể đối phó với những trường hợp khó khăn nhất như ung thư giai đoạn bốn và ung thư tái phát...

Tránh nhầm lẫn vaccine phòng ngừa và điều trị

Theo TS BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, vaccine trong ung thư được nghiên cứu rất nhiều trong thời gian gần đây, tuy nhiên, có không ít nhầm lẫn về vaccine: vaccine phòng ngừa hay điều trị, đáp ứng hay trị khỏi, còn đang nghiên cứu hay đã được cấp phép sử dụng trên lâm sàng của các cơ quan có thẩm quyền.

Trước ý tưởng về việc hợp tác, chuyển giao kỹ thuật liệu pháp điều trị ung thư bằng vaccine hệ miễn dịch HITV cho Việt Nam, TS. Kenichiro Hasumi cho biết có rất nhiều yêu cầu chuyên môn cần phải đáp ứng, như phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn, đội ngũ kỹ thuật viên giỏi. Đó là chưa kể các kỹ thuật khó trong việc đưa vaccine vào khối u trong cơ thể người bệnh, cần thời gian tập huấn... rất chi tiết.

Hiện nay, mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ về hiểu biết sinh học ung thư nhưng qua những nghiên cứu cho thấy ứng dụng vaccine trên lâm sàng còn gặp rất nhiều khó khăn do việc đánh giá hiệu quả vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu vaccine hiện nay chỉ thực hiện ở bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa hoặc đã thất bại với các điều trị tiêu chuẩn. Vaccine điều trị, phòng ngừa tái phát có thể hiệu quả đối với ung thư này nhưng không hiệu quả với các loại ung thư khác. “Không có vaccine dùng cho tất cả các loại ung thư”, ông Dũng cho biết.

Đối với vaccine phòng ngừa, hiện nay chỉ có 2 loại vaccine ngừa ung thư cổ tử cung (ngừa virus HPV) và ngừa ung thư gan (ngừa virus viêm gan B) đã được cấp phép. Với vaccine điều trị dù rất nhiều vaccine đã được nghiên cứu nhưng đến hiện nay chỉ có duy nhất một loại vaccine được cấp phép trên toàn thế giới dùng cho ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng cắt tinh hoàn. “Việc sử dụng vaccine phòng ngừa ung thư tái phát vẫn chưa được chứng minh và còn đang tiếp tục nghiên cứu trong khi đó một số loại thuốc hóa trị, nhắm trúng đích… đã được chứng minh hiệu quả cho một số loại ung thư và đưa vào các hướng dẫn điều trị quốc tế”, BS. Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Dù là một liệu pháp hứa hẹn nhưng tại thời điểm vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời về vaccine trong ung thư. Nhưng phải thật tỉnh táo dựa trên các chứng cứ khoa học, tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị, giữa đáp ứng và trị khỏi, giữa còn đang nghiên cứu hay đã có kết luận và cấp phép”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.