Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon. |
Trang Guardian đưa tin, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã cho sa thải Chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan sau một báo cáo cho biết lực lượng này đã không bảo vệ dân thường hồi giữa tháng 7 vừa qua.
Các báo cáo từ một cuộc điều tra đặc biệt của Liên Hợp Quốc cho thấy, tình trạng không có người lãnh đạo trong các sứ mệnh của Liên Hợp Quốc đã gây ra “phản ứng hỗn loạn và không hiệu quả của các thành viên lực lượng trong cuộc giao tranh diễn ra từ ngày 8-11/7 vừa qua.
Lực lượng này đã tẩu thoát khỏi vị trí đóng quân và không đáp ứng lời cầu xin giúp đỡ từ các nhân viên cứu trợ bị tấn công tại khách sạn gần đó, bản báo cáo cho biết.
“Điều tra đặc biệt cho thấy Phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) đã không ứng phó hiệu quả với tình trạng bạo lực do thiếu sự lãnh đạo, không được chuẩn bị sẵn sàng và không có sự kết hợp giữa các đơn vị khác nhau”, ông Dujarric phát biểu.
Theo Guardian, lính gìn giữ hòa bình Trung Quốc đã bỏ vị trí đóng quân ít nhất 2 lần, trong khi đó lực lượng Nepal không ngừng vơ vét hàng hóa tài sản trong trụ sở của Liên Hợp Quốc.
Trước tình trạng này, Tổng thư ký Ban Ki-moon “phẫn nộ sâu sắc” và “báo động về những thiếu sót nghiêm trọng” của phái đoàn Liên Hợp Quốc. Do đó, ông Ban Ki-moon đã “yêu cầu thay thế chỉ huy lực lượng người Kenya, Trung tướng Johnson Mogoa Kimani Ondieki ngay lập tức”. Ông Ondieki trở thành chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình kể từ đầu tháng 5 năm nay.
Xem thêm video:
Trước đó, khoảng 12 nhân viên cứu hộ và nhân viên Liên Hợp Quốc tại khách sạn Terrain đã bị lính Nam Suddan tấn công hôm 11/7, tuy nhiên, lực lượng gìn giữ hòa bình cách đó chỉ 1,2 km không hề đến cứu trợ.
Có nhiều lời cầu cứu được gửi đến lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc, Ethiopia, Ấn Độ và Nepal, song UNMISS đã từ chối yêu cầu này.
Theo bản báo cáo, “dân thường bị buộc phải chứng kiến và là nạn nhân của hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng, bao gồm giết người, đe dọa, xâm hại và cả những hành vi tra tấn do quân lính chính phủ Sudan gây ra”.
Sau đó chưa đầy 2 tháng, hôm 2/9, một người phụ nữ khác bị tấn công ngay gần lối vào trụ sở Liên Hợp Quốc, nhưng “mặc dù người phụ nữ đã la hét, song các binh lính đều coi như không nhìn thấy”. Vụ việc chỉ được giải quyết khi các nhân viên khác của Liên Hợp Quốc can thiệp vào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận