Căn cứ 1 tỷ euro
Theo đó, căn cứ quân sự tọa lạc tại Rudninkai, gần thủ đô Vilnius của Litva và chỉ cách Belarus, đồng minh thân cận của Nga, khoảng 20km và giáp với Kaliningrad của Nga.
Căn cứ trên sẽ chứa tới 4.000 quân, là nơi bảo dưỡng xe tăng cùng các khí tài quân sự khác. Nơi đây cũng sẽ xây dựng các trường bắn với đầy đủ kích cỡ. Khoảng 1000 nhà thầu quân sự và dân sự Đức được điều động đến Litva.
Chỉ huy Lực lượng Quốc phòng Litva Raimundas Vaiksnoras ước tính nước này cần chi hơn 1 tỷ euro (hơn 27.000 tỷ đồng) trong ba năm tới để phát triển căn cứ này, dự kiến hoàn thành trong năm 2027.
Ông cho rằng đây là một trong những dự án xây dựng lớn nhất trong lịch sử Litva, là khoản đầu tư lớn đối với quốc gia chỉ có 2,9 triệu dân với nền kinh tế chỉ bằng 1/10 so với Đức.
Bộ trưởng Litva nói thêm, căn cứ sẽ hoạt động để trấn an người dân, ngăn chặn và đẩy lùi các lực lượng đối phương.
Động thái trên nằm trong kế hoạch triển khai lực lượng thường trực ở nước ngoài đầu tiên của quân đội Đức kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trước đó vào năm 2023, Đức cam kết triển khai một Lữ đoàn thường trực tại Litva, quốc gia thành viên NATO và cũng thuộc Liên minh Châu Âu (EU), nằm gần khu vực Nga.
Theo kế hoạch, Lữ đoàn Litva (hay còn gọi là Panzerbrigade 45) gồm hơn 4.800 quân lính và 200 nhân viên dân sự, sẵn sàng chiến đấu kể từ năm 2027.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius so sánh kế hoạch này giống như hoạt động triển khai lực lượng Đồng Minh tại Tây Đức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh để bảo vệ Tây Âu khỏi bị tấn công.
Đến tháng 4/2024, 21 quân nhân Đức đầu tiên đã đến thủ đô Vilnius của Litva nhằm chuẩn bị xây dựng lực lượng đóng quân thường trực tại đây.
Ngay khi Đức điều những binh lính đầu tiên tới Litva, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã mô tả tình hình với các phóng viên chỉ bằng một từ: “Tiêu cực”.
Theo ông, hành động này đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực, gây ra mối đe dọa nguy hiểm mới ngay gần biên giới Nga, do đó tất yếu Nga phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để bảo vệ an ninh đất nước.
Lo chậm tiến độ
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, đến nay mới chỉ khoảng 20% số tòa nhà phức hợp ở Rudninkai được ký hợp đồng xây dựng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dự án chậm tiến độ.
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Quốc phòng Laurynas Kasciunas cho biết cơ quan này sẽ nỗ lực ký kết hợp đồng cho các dự án còn lại vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, Litva đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Chính phủ của Thủ tướng Ingrida Simonyte cũng tăng thuế để hỗ trợ nhu cầu quốc phòng trong những năm tới.
"Tất cả các đảng phái chính trị đều nhất trí đây là ưu tiên trên hết. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm các nguồn lực cần thiết", ông Laurynas Kasciunas, người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Litva, nói với các phóng viên về kế hoạch xây dựng căn cứ cho Đức hồi tháng 12/2023.
Quan chức này cho biết thêm, Litva sẽ chi khoảng 0,3% GDP trong vài năm tới để xây dựng nhà ở, cơ sở huấn luyện và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ quân đội Đức và có thể phải tăng thuế cho mục đích này.
Hãng tin Reuters cũng cho biết theo một dự thảo ngân sách bí mật, chính phủ Đức đã yêu cầu quốc hội chi 2,93 tỷ euro (hơn 80 nghìn tỷ đồng) để đặt hàng 105 xe tăng Leopard 2 A8 trang bị cho căn cứ ở Litva.
Tuy nhiên đã xảy ra nhiều bất đồng về vấn đề ngân sách ngay trong liên minh đảng cầm quyền ở Đức, gây ra rủi ro đối với kế hoạch đáp ứng các cam kết nâng cấp lực lượng quân đội của Berlin đối với các đồng minh phương Tây.
Litva đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay và chính phủ của Thủ tướng Ingrida Simonyte đã tăng thuế để hỗ trợ nhu cầu quốc phòng, chẳng hạn như căn cứ, trong vài năm tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận