Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, các nhà thầu hiện đang gặp khó vì chưa có mặt bằng để thi công.
Vướng mặt bằng vì chờ khu tái định cư
Việc thi công trên nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam bị trở ngại do mặt bằng chưa được bàn giao đúng tiến độ (Trong ảnh: Thi công cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ vẫn vướng mặt bằng vì nhiều hộ chưa bàn giao). Ảnh: Duy Lợi.
Những ngày cuối tháng 9, có mặt tại đoạn tuyến dài khoảng 7km thuộc gói XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2) đoạn Vân Phong - Nha Trang, từ xã Ninh Sơn đến điểm cắt quốc lộ 26, thị xã Ninh Hòa, PV ghi nhận có đến 4 vị trí có nhà dân còn án ngữ trên phạm vi thi công.
Trong đó, có vị trí có vài ba hộ, chỗ nhiều hơn có đến 14 hộ dân. Hầu hết các trường hợp này đều chưa nhận chi trả hoặc đang chờ tái định cư.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Vạn Ninh còn 11 đoạn chưa bàn giao mặt bằng (tổng chiều dài gần 2,5km); Thị xã Ninh Hòa có 18 đoạn chưa bàn giao (dài hơn 3km); Huyện Khánh Vĩnh tồn tại 2 đoạn (dài gần 1km). Vướng mắc mặt bằng chủ yếu do chờ tái định cư hoặc khiếu nại về đơn giá bồi thường, tranh chấp đất…
Không chỉ vậy, việc thi công cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang còn bị cản trở bởi hàng loạt hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời.
Theo đại diện Ban QLDA 7, mới có 3/20 hệ thống hạ tầng kỹ thuật được di dời trên phạm vi mặt bằng dự án.
"Công tác thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật của địa phương rất chậm do thiếu chuyên môn, kinh nghiệm thực hiện thủ tục. Nếu tỉnh Khánh Hòa không rốt ráo chỉ đạo chủ đầu tư tiểu dự án GPMB thuê các đơn vị có đủ năng lực triển khai thì sẽ không đảm bảo tiến độ chung của dự án", đại diện Ban QLDA 7 nói.
Tại tỉnh Quảng Trị - địa phương từng dẫn đầu cả nước về khối lượng GPMB cao tốc những tháng đầu tiên, đến nay sau hơn 9 tháng thi công, chiều dài được bàn giao cho dự án Vạn Ninh - Cam Lộ mới đạt gần 25/32,5km. Trong đó, diện tích có thể thi công chỉ đạt gần 23km.
Vướng mắc trong tái định cư là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên. Trong 9 khu tái định cư phục vụ GPMB cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ qua Quảng Trị, hiện mới chỉ có một khu đang thi công, các khu còn lại mới đang ở bước lập dự toán và lựa chọn nhà thầu.
Nỗ lực đốc thúc các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh thủ tục bồi thường GPMB, song ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình thừa nhận việc bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh trong tháng 9/2023 là khó khả thi.
Lý do là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh còn chậm, việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, xử lý các vướng mắc về nguồn gốc đất đai… chưa hoàn thành.
Theo Sở GTVT Quảng Bình, hiện tại, địa phương đã bàn giao cho các chủ đầu tư hơn 107km mặt bằng trên tổng số hơn 126km ba dự án thành phần Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ qua địa bàn tỉnh.
Để di dời 580 hộ bị ảnh hưởng, Quảng Bình đã quy hoạch xây dựng 26 khu tái định cư. Song tính đến nay, mới có 1 khu tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh thi công hoàn thành và bàn giao cho người dân.
"Theo quy định, muốn thực hiện dự án khu tái định cư phải thông qua trình tự từng bước như các dự án thông thường. Một số khu còn phải trải qua trình tự hai bước (giá trị hợp đồng trên 15 tỷ đồng), thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy… việc triển khai mất rất nhiều thời gian", ông Lâm chia sẻ.
Nhà thầu lo gián đoạn thi công
Đồ họa: Nguyễn Tường.
Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư dự án đoạn - Vạn Ninh - Cam Lộ) cho biết dù đã nhiều lần làm việc, kiến nghị với các địa phương, lãnh đạo hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình cũng liên tục kiểm tra đôn đốc nhưng công tác GPMB, tái định cư tại các huyện vẫn còn chuyển biến chậm.
Hơn 2 tháng nay chưa có thêm đoạn nào được bàn giao mặt bằng. Trong đó, một số đoạn có tính chất phức tạp do phải xử lý nền đất yếu thời gian thi công kéo dài cần triển khai sớm nhưng cũng chưa có công địa triển khai.
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về việc thi công cuốn chiếu các vị trí có mặt bằng sạch, sản lượng thi công dự án hiện nay đạt 15% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là mùa mưa cận kề, nếu tiến độ bàn giao mặt bằng tiếp tục chậm, dự án sẽ đối diện với nguy cơ "vỡ" tiến độ.
Nan giải hơn, theo báo cáo, nếu đến hết tháng 10/2023, diện tích mặt bằng của dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ không được bàn giao thêm, nhiều nhà thầu sẽ bị gián đoạn thi công vì không còn công địa", đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lo lắng.
Mặt bằng không bàn giao liên tục cũng đang là nguyên nhân khiến sản lượng thi công hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau chưa đạt được kế hoạch đề ra dù tỷ lệ bàn giao mặt bằng trên hồ sơ là khá cao.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, trên tổng chiều dài hơn 110km của dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, hiện các địa phương đã bàn giao được hơn 95% diện tích. Phần còn lại liên quan đến công tác tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật đang tiến hành rất chậm.
Cụ thể, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, địa phương đã bàn giao khoảng 37km (đạt 99%) mặt bằng tuyến chính. Toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời.
Đoạn Hậu Giang - Cà Mau mặt bằng tuyến chính bàn giao được khoảng 71km (đạt 98%). Nhưng thực tế thi công chỉ được khoảng 68km. Phạm vi còn lại chưa thi công do mặt bằng xôi đỗ. Các hộ dân chưa có khu tái định cư, một số hộ còn khiếu nại về giá...
Những vướng mắc trên khiến sản lượng thi công dự án Cần Thơ - Hậu Giang mới đạt khoảng 11% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 10%. Đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt khoảng 9%, chậm 10% so với kế hoạch.
Vận động người dân tạm cư
Dù có tỷ lệ bàn giao mặt bằng khá cao, song nhiều đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau vẫn gặp tình trạng "xôi đỗ" bởi vướng mắc hạ tầng kỹ thuật, một số hộ dân chưa di dời.
Đánh giá tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam chưa đáp ứng kế hoạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, tỉnh yêu cầu Sở GTVT - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo GPMB tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng theo từng nhóm đối tượng, từng nhóm vấn đề để giải quyết dứt điểm. Trường hợp cần thiết, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại với người dân.
Phấn đấu hoàn thành 3/3 khu tái định cư trong tháng 10/2023 song một lãnh đạo Huyện ủy Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, trong trường hợp cần bàn giao mặt bằng sớm hơn, huyện sẽ tiếp tục vận động các hộ dân tạm cư.
"UBND tỉnh đã có văn bản, hỗ trợ mỗi hộ dân 1,2 triệu đồng/tháng để người dân thuê nhà, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Thế nhưng, phần lớn các hộ dân nông thôn đông người, để đảm bảo tốt hơn cho các hộ tạm cư, huyện đã kiến nghị nâng mức hỗ trợ lên 2 triệu đồng/tháng", vị này thông tin.
Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã có công điện gửi UBND các tỉnh đề nghị đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB; Yêu cầu các ban quản lý dự án, nhà thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, sớm khơi thông nút thắt mặt bằng.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (dự án Vạn Ninh - Cam Lộ), Ban QLDA 7 (dự án Chí Thạnh - Vân Phong) được yêu cầu khẩn trương trình hồ sơ bổ sung diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng phát sinh tới UBND tỉnh Quảng Trị, Phú Yên để gửi Bộ NN&PTNT.
"Riêng việc vận động hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng bởi dự án thực hiện chính sách tạm cư, cũng còn những khó khăn. Thực tế, ở một số khu vực, người dân nhận được tiền hỗ trợ cũng không có chỗ để thuê ở tạm.
Các địa phương cần linh hoạt, vận động người dân bị ảnh hưởng đang chờ tái định cư ở nhờ họ hàng, người thân, điều này sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt", ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu ý kiến.
Xem xét cưỡng chế thu hồi đất
Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau cho biết, tính đến ngày 22/9, phạm vi mặt bằng tuyến chính dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh chỉ còn vướng hai hộ dân. Đối với tuyến nối có chiều dài hơn 16km tồn tại hai hộ và một tổ chức với diện tích 0,33ha chưa bàn giao mặt bằng thuộc địa bàn huyện Cái Nước.
Trong đó, đối với hộ dân yêu cầu bồi thường giá đất trồng cây hàng năm tiếp giáp thửa đất cùng chủ sử dụng tiếp giáp quốc lộ 1, Trung tâm đang tiếp tục vận động, đến cuối tháng 9/2023, hộ trên không đồng ý thì hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp thẩm quyền quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Một hộ khác, chủ hộ chưa lập thủ tục thừa kế và yêu cầu tăng giá bồi thường mồ mả, Hội đồng bồi thường đang tiếp tục tuyên truyền vận động, nếu không đồng ý sẽ báo cáo UBND huyện xem xét xây dựng kế hoạch bảo vệ thi công.
Tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Thành Nguyên, Phó giám đốc Ban QLDA và Phát triển quỹ đất quận Cái Răng cho biết, đến thời điểm này, trên phạm vi tuyến chính và tuyến nối cao tốc chỉ còn một trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, diện tích hơn 100m2, không có người ở. Quận đã có quyết định cưỡng chế để thu hồi phần đất này để triển khai thủ tục tiếp theo, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công.
Mới hoàn thành 56 khu tái định cư
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến ngày 20/9/2023, diện tích mặt bằng thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đạt gần 667/hơn 721km (đạt 92,5%). Trong đó, diện tích có thể tổ chức thi công đạt hơn 613km (đạt 85%).
Về công tác tái định cư, ngoài 3 khu tái định cư đã có sẵn, các địa phương đang triển khai thi công 91/147 khu để bố trí tái định cư cho khoảng 5.565 hộ.
Đến nay, mới có 56 khu tái định cư được hoàn thành, gồm: 2 khu thuộc tỉnh Hà Tĩnh (đoạn Hàm Nghi - Vùng Áng); 1 khu thuộc tỉnh Quảng Bình (đoạn Bùng - Vạn Ninh); 23 khu thuộc tỉnh Quảng Ngãi (đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn); 21 khu thuộc tỉnh Bình Định (11 khu đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, 5 khu đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, 5 khu đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh); 4 khu thuộc tỉnh Phú Yên (đoạn Chí Thạnh - Vân Phong); 5 khu thuộc tỉnh Khánh Hòa (đoạn Vân Phong - Nha Trang).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận