Bổ sung quy định cho chợ đêm
Bộ Công thương vừa có tờ trình về Nghị định phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định số 02, ngày 14/1/2003 và Nghị định số 114 ngày 23/12/2009).
Theo đó, Bộ này đề xuất bổ sung quy định liên quan đến phát triển chợ đêm.
Bộ Công thương lý giải, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản (theo thẩm quyền) về quy định hoạt động và quản lý hoạt động của chợ đêm.
Chợ đêm đã góp phần tạo ra những chuyển biến cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, đặc biệt sau những thoái trào do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay
Nghị định số 02 chưa có quy định về chợ đêm trong khi thực tiễn đã phát sinh hoạt động này.
Vì thế, Bộ này đề xuất đưa một số nội dung về chợ đêm như: Bổ sung khái niệm về chợ đêm; bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc phát triển chợ đêm phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo Quyết định 1129 theo hướng khuyến khích phát triển phù hợp với bối cảnh thực tiễn tùy thuộc vào khả năng của địa phương; bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc bảo đảm an toàn trật tự xã hội, kiểm soát rủi ro, hạn chế hệ lụy tiêu cực và tác động/ảnh hưởng tới cộng đồng do hoạt động của chợ đêm...
Cần hành lang pháp lý, chế tài để kiểm soát các vấn đề xã hội
Theo Bộ Công thương, chính sách này sẽ giúp thu hút khách du lịch, mặt khác, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho những cá nhân tham gia kinh doanh tại chợ đêm.
Tại Việt Nam, mô hình chợ đêm đã được triển khai ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa…
Bộ Công thương đánh giá, lợi thế của chợ đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, chợ đêm được đầu tư thì càng có khả năng giữ chân được du khách.
Hoạt động của chợ đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động khá lớn, nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng mà còn từ các dịch vụ kèm theo như bốc vác, lái xe, bảo vệ, quản lý, vệ sinh…
Bộ Công thương cũng nhấn mạnh thực tế, đối với Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, do ảnh hưởng của dịch bệnh và cách ly xã hội thời gian qua đã khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Vì vậy, sự phát triển của chợ đêm có thể là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm tạo việc làm mới cho người lao động đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng trong quá trình vận hành của chợ đêm có thể làm phát sinh những vấn đề xã hội như tiếng ồn, an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng… Nếu không có hành lang pháp lý, chế tài phù hợp để bảo đảm phát triển chợ đêm nhưng cũng kiểm soát tốt các vấn đề xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận