Y tế

Lo dịch chồng dịch khi cúm A hoành hành

15/07/2022, 07:00

Theo cảnh báo của Bộ Y tế, số ca Covid-19 và sốt xuất huyết có thể bùng phát, trong khi đó, cúm A xuất hiện trái mùa, nguy cơ dịch chồng dịch.

Gia tăng cúm A trái mùa

Vài ngày nay, cậu con trai 8 tuổi của gia đình chị Trần Minh Ngọc (trú tại Hà Đông, Hà Nội) sốt cao, đau mỏi người và nôn ói liên tục.

Cháu bé vốn mạnh khoẻ, hiếu động nhưng giờ ăn gì vào cũng nôn. Vội đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán con trai chị mắc cúm A, tuy nhiên có thể điều trị ngoại trú.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi thông tin, thời gian gần đây tại khoa tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng so với cùng thời điểm các năm trước, trong khi mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát.

img

Điều trị cho trẻ mắc cúm A tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày, tỷ lệ trẻ mắc cúm A chiếm tới 1/4 tổng số bệnh nhân.

“Thường vào mùa hè bệnh cúm mùa hiếm xuất hiện. Loại virus này phát triển mạnh vào mùa đông, xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm”, bác sĩ Thúy lý giải hiện tượng cúm A trái mùa.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, thời gian qua, tại đây tiếp nhận khá đông bệnh nhân mắc cúm A. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, cá biệt có trường hợp viêm phổi, suy hô hấp.

“Các năm trước, dịch sốt xuất huyết xuất hiện trước, sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay chúng tôi ghi nhận sự trái ngược”, bác sĩ Hường nói.

Tại đây, anh P.V.M (23 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) nằm điều trị đã được 2 ngày, sức khỏe dần ổn định. Anh M cho biết: “Tôi bị sốt cao kéo dài, kết hợp uống thuốc hạ sốt, đắp chườm làm mát cơ thể nhưng vẫn không hạ. Nghi bị tái mắc Covid-19 nên tôi test nhanh nhưng kết quả âm tính. Thấy cơ thể ngày càng mệt lả, gia đình đưa đến viện và được test chẩn đoán bị cúm A”.

Theo bác sĩ Hường, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa. Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A như: H1N1, H5N1, H7N9...

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A viêm họng nhẹ, hắt hơi, ho, nghẹt mũi kéo dài vài ngày... nghiêm trọng thì có thể gây tức ngực, khó chịu và hay xuất hiện ho khan; biến chứng nặng và nguy hiểm thường gặp ở những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch và hô hấp.

Khi mắc cúm A, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (ho, chống nghẹt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng... Lưu ý, thuốc phải do bác sĩ chỉ định, người bệnh không được tự ý sử dụng. Biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động.

Sốt xuất huyết tăng ca mắc và tử vong

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 12/7, cả nước ghi nhận khoảng hơn 103.000 ca sốt xuất huyết với 37 ca tử vong. Số mắc mới tăng khoảng 11.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó.

Riêng TP.HCM, tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục báo động khi số ca mắc và số ca bệnh nặng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam như: Bình Dương, An Giang… cũng ghi nhận hàng nghìn ca mắc.

Tại Hà Nội, tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khoảng gần 300 ca mắc sốt xuất huyết, gần đây có xu hướng gia tăng. Nhiều bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thanh Nhàn... đã tiếp nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến trong tình trạng nặng...

Theo PGS. TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng tràn dịch màng bụng, suy thận, men gan tăng cao... Trước đó, các bệnh nhân này vừa đi du lịch về từ các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, TP.HCM.

Theo các chuyên gia, yếu tố dịch tễ di chuyển cộng với thời tiết miền Bắc thất thường, lúc nắng gắt, lúc mưa dông kèm lượng mưa lớn chính là điều kiện thuận lợi cho dịch sốt xuất huyết phát triển, dẫn đến dễ bùng dịch.

Hiện, Hà Nội đang mưa nhiều vào mùa hè, dự báo trong thời gian tới cũng là đỉnh điểm về dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc.

Cùng với sốt xuất huyết, thời gian qua cũng ghi nhận sự trồi sụt liên tục các ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, với sự hiện diện của biến chủng mới BA.5, nguy cơ bùng dịch Covid-19 là hiện hữu.

Trước tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với dịch sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh, Bộ Y tế nhận định thời gian tới, các ca mắc có thể tăng, dịch bùng phát trên diện rộng.

Để hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch, ngoài sự vào cuộc của cơ quan y tế, chính quyền địa phương, theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

Trong đó, đeo khẩu trang là biện pháp dự phòng cá nhân không chỉ với bệnh Covid-19 mà cả cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác. Bên cạnh đó, khuyến khích và nêu cao ý thức phòng bệnh cá nhân, người ho, sốt, khó thở không nên đến chỗ đông người, chủ động giữ khoảng cách với người khác. Người khoẻ mạnh không tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt để phòng bệnh…

Với dịch sốt xuất huyết, cần chủ động vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi để chặn đứng đường lây truyền bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.