Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận trên công trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, tuyến kênh dài nhất TP.HCM vào đầu tháng 5:
Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất TP.HCM với tổng chiều dài đường hai bên kênh gần 65km, đi qua 7 quận huyện bao gồm: Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Dự án có 10 gói thầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Ban hạ tầng đô thị) TP.HCM làm chủ đầu tư. (Trong ảnh: Trên đoạn kênh thuộc gói thầu xây lắp số 1 dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, nhà thầu huy động sà lan chở cây cừ (để đóng cọc), ván, cát đá tập kết vào công trường).
Trên công trường, các nhà thầu tăng tốc thi công đường giao thông ven kênh trong bối cảnh nguồn cát đắp nền rất khan hiếm. Để tránh cảnh "bó gối đợi cát", liên danh nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 1 và số 2 đã linh hoạt bố trí hàng chục xe ủi, xe cuốc san gạt mặt đường và phân bổ công nhân thi công sàn giảm tải, khoan cọc nhồi, đúc các loại cấu kiện. Cùng lúc, hàng trăm công nhân được bố trí dọc tuyến lắp đặt hạng mục hố ga, hào kỹ thuật, cống thoát nước. Trong ảnh: Phần đường giao thông đoạn từ rạch Nước Lên đến cầu Đường C đã đắp cát, gần hoàn chỉnh hào kỹ thuật.
Đại diện Ban hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết, tổng tiến độ toàn dự án hiện đạt hơn 36%. Trong đó, hạng mục đóng cừ bê tông dự ứng lực đạt hơn 56%, tương đương hơn 33.500 cây. Hạng mục thi công cọc bê tông ly tâm cũng đạt hơn 40,6%, tương đương 158.200m. Các hạng mục còn lại như xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng (CDM), hố ga, hào kỹ thuật cũng đang được tận dụng thời tiết mùa khô kéo dài để tăng tốc tiến độ. (Trong ảnh: Công nhân làm việc giữa nắng nóng hơn 42°C trưa 3/5 trên công trường).
Hạng mục tường quây bờ kè thuộc gói thầu xây lắp số 1 hiện đạt 50%. Công nhân thi công 3 ca, 4 kíp để chạy đua với mùa mưa.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cát, nhà thầu tại dự án đã chủ động xin thi công đắp nền và lu lèn thử nghiệm một đoạn 200m bằng đất phún sỏi đỏ thay cho cát. Đây là loại đất được đào lên từ các vị trí thi công hào kỹ thuật, cống thoát nước. Để có được đúng loại đất phún sỏi đỏ, nhà thầu thi công phải phân loại với đất trồng cây, đất bùn. Quá trình thi công thử nghiệm cũng cần tưới nước liên tục khi lu lèn để đảm bảo độ ẩm, độ bám dính.
Ông Lâm Tấn Kiệt, Giám đốc Xí nghiệp đường bộ 1, Công ty Cổ phần công trình Giao thông Sài Gòn nhận định: "Mặc dù mới chỉ thử nghiệm nhưng chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả tích cực. Nếu loại đất này có thể đảm bảo chất lượng tương đương để thay thế một phần cát đắp nền thì sẽ tiết kiệm được chi phí rất lớn, tối ưu được phương tiện và nhân lực của nhà thầu thi công". Tuy nhiên, ông Kiệt cho rằng vẫn cần có thời gian để chủ đầu tư, tư vấn giám sát đánh giá kết quả (Trong ảnh: Dùng đất phún sỏi đỏ thay thế một phần cát san nền, nhà thầu cho xe bồn tưới nước liên tục để đảm bảo độ ẩm giúp xe lu rung lu lèn đạt chất lượng tiêu chuẩn).
Các chuyên gia ước tính, nếu có thể dùng đất phún sỏi đỏ thay thế một phần cát đắp nền đường, toàn dự án có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng về cả chi phí lẫn thời gian thi công.
Hình hài tuyến đường giao thông ven kênh dài nhất TP.HCM đã lộ diện. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích rất lớn về giao thông đô thị như đã từng diễn ra vào năm 2012 khi khánh thành kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cùng hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa.
Toàn cảnh kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đoạn qua khu công nghiệp Tân Tạo với hàng chục ha đất trống. Hiện trạng này cho thấy dư địa thu ngân sách từ quỹ đất dọc các dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM còn rất lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận