Lò đốt than tự phát, không phép của gia đình ông Bình, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, Đắk Nông đang nghi ngút khói |
Dân cư sống chung khói than
Tại xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, Đắk Nông), nhiều năm qua, người dân “sống dở, chết dở” với mùi khói than từ các lò than tự phát, không phép nằm giữa khu dân cư. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, chỉ trong vòng bán kính khoảng 700m đã có 4 gia đình làm nghề đốt than củi (mỗi hộ sở hữu từ 2, 3 lò đốt). Từ con đường bê tông dẫn vào thôn Xuân Lộc 1, mùi khói than sộc thẳng vào mũi rất khó chịu. Càng đi sâu vào cuối thôn, mùi khói than càng nặng mùi hơn.
Một người dân (xin giấu tên) cho biết: “Mấy năm nay, người dân “ăn ngủ” với mùi khói than độc hại phát ra từ các lò đốt. Mùi khói bụi khiến trẻ em, người già bị viêm phổi, ho quanh năm. Ban ngày, không khí đỡ mùi hơn, ban đêm khói than cuộn theo gió sộc thẳng vào nhà khiến không khí ngột ngạt, không thể thở nổi. Vào những ngày cao điểm, phải đóng kín cửa”.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đắk Mil cho biết: “Các lò than trên địa bàn đa số hoạt động tự phát, kinh doanh sản xuất không có quy hoạch, người dân ở đâu thì làm đó. Chúng tôi sẽ cho nắm lại thông tin, nếu các lò than tự phát, nằm trong khu dân cư sẽ buộc đình chỉ và di dời đi nơi khác ngay. Quan điểm của huyện sẽ xử lý quyết liệt đối với các lò than tự phát, không phép nằm trong khu dân cư”. |
Ghi nhận tại lò đốt than của gia đình ông Bình, phía trước nhà nguyên liệu đốt than chất đống thành những “dãy núi”, phía sau lò đốt đang hoạt động, khói bốc lên nghi ngút, mùi nồng nặc. Ông Bình cho biết, gia đình làm nghề đốt than được hơn 2 năm nay. Công suất đốt khoảng 3 tấn củi khô, mỗi lò cho ra thành phẩm khoảng 40 bao than, mỗi bao bán ra 80.000 đồng/bao.
Cách nhà ông Bình khoảng 100m là lò đốt của gia đình ông Liên (thôn Thọ Hoàng 4). Vào thời điểm PV có mặt, 2 lò than xây kiên cố cạnh nhà vẫn đang đỏ lửa, khói bốc nghi ngút. Ông Liên khẳng định không ảnh hưởng đến người dân, và người dân không có ý kiến hay phản ánh. Tại khu vực trên còn có lò đốt của gia đình ông H. và ông Q.
Tương tự, tại xã Cư Eebur (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cũng xuất hiện nhiều lò đốt than củi tự phát, không phép “bủa vây” khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của đông đảo người dân bị đảo lộn.
Ông Nguyễn Tấn Trường (ngụ thôn 8, xã Cư Êbur), nhà ở sát bên các lò đốt than bức xúc: “Lò than đốt cả ngày lẫn đêm, chúng tôi liên tục phải ngửi và hít khói bụi từ các lò than, khổ sở nhưng không biết kêu ai. Mong các cấp chính quyền sớm di dời lò than ra khỏi khu dân cư để người dân yên tâm sinh hoạt”.
Theo quan sát, ngoài ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, các lò đốt than còn khiến cho diện tích cây công nghiệp bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Nam có diện tích cây trồng nằm sát bên cạnh lò than không phép của ông Nguyễn Văn Hoạt (trú tại thôn 8, xã Cư Êbur) bức xúc: “Hơn 6 sào bơ của gia đình trồng đã hơn 2 năm, hiện đang chết dần chết mòn vì hứng chịu hơi nóng và khói bụi phát ra từ lò đốt than. Chưa kể, mỗi lần vào rẫy canh tác, gia đình phải hít thở khói bụi”.
Kiên quyết di dời khỏi khu dân cư
Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Cư Êbur hiện có 3 cơ sở sản xuất than củi đang hoạt động không phép, với tổng cộng 34 lò, công suất 7 - 10 tấn than/lò. Tất cả các lò đều nằm gần khu dân cư, có nơi lò than chỉ cách nhà ở của dân chưa đầy 100m, liền kề vườn rẫy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Cư ÊBur khẳng định: “UBND xã sẽ kiểm tra và báo cáo lên UBND TP Buôn Ma Thuột để có phương án xử lý và di dời các lò than ra khỏi khu dân cư. Hiện, thành phố có 2 khu công nghiệp Hòa Phú và Tân An, nếu các hộ, doanh nghiệp sản xuất đốt than không đảm bảo các tiêu chí môi trường ảnh hưởng đến người dân và sản xuất của người dân thì cần phải di dời sớm. Xã kiên quyết sẽ xử lý nghiêm các cơ sở đốt than vi phạm như: Yêu cầu tháo dỡ, không cho xây dựng thêm các lò; UBND xã sẽ xin ý kiến thành phố và tổ chức cưỡng chế các lò than không phép ra khỏi khu dân cư”.
Ông Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết, từ phản ánh của người dân, UBND xã có thành lập đoàn kiểm tra xử lý, số lượng các lò than tự phát trên địa bàn xã đã giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân hoạt động lén lút ngay trong khu dân cư, UBND xã sẽ rà soát, mời các hộ đốt than lên làm việc, vận động họ di dời các lò than ra khỏi khu dân cư để tránh những ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận