Thị trường

Lo gạo ST25 dính “vết xe đổ” của cà phê Trung Nguyên tại Mỹ

23/04/2021, 12:05

Chuyên gia lo ngại gạo ST25 có thể dính “vết xe đổ” của cà phê Trung Nguyên, cuộc chiến giành thương hiệu tại Mỹ phức tạp, chi phí "khổng lồ"...

img

​​Năm 2019, gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới

Có "cửa" lật ngược tình thế nhưng...

Như báo Giao thông đã đưa, hiện có 5 doanh nghiệp tại Mỹ đã đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 – gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam và đang “chờ duyệt” cấp chứng nhận độc quyền.

Việc bảo hộ thương hiệu được hiểu rằng, các sản phẩm gạo ST24, ST25 của doanh nghiệp Việt, nếu muốn bán tại thị trường Mỹ, bắt buộc phải thông qua 5 doanh nghiệp đó khi họ đã đăng ký thành công.

Lúc đó, họ sẽ cầm trịch toàn bộ hệ thống phân phối của thị trường. Nếu doanh nghiệp Việt không muốn thông qua, bán cho 5 doanh nghiệp nêu trên thì bắt buộc phải lấy một tên khác, không phải tên là gạo ST24, ST25. Đó là rủ ro của doanh nghiệp Việt khi bị doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ trước.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hiện tại, việc bảo hộ sản phẩm tại nước ngoài của các doanh nghiệp (DN) Việt chưa cao, trái ngược với sự nhanh nhạy của các DN nước ngoài.

“Sự việc gạo ST24 và ST25 của Việt Nam bị các DN nước ngoài bảo hộ tại nước Mỹ cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các DN Việt Nam khi muốn hướng đến thị trường xuất khẩu”, ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, hiện gạo ST24, ST25 đã đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam, không ai có thể giành được sản phẩm này tại thị trường Việt Nam cả. Nhưng khi xuất khẩu sản phẩm của mình đến thị trường nào thì doanh nghiệp Việt cũng phải đăng ký bảo hộ cho sản phẩm đó tại thị trường đó.

Doanh nghiệp Việt muốn được bảo hộ thương hiệu tại thị trường ngoại cần phải làm rất bài bản theo quy định chung của quốc tế, nó cũng giống như quy định pháp lý và pháp quy được quy định rõ ràng như đăng ký tại Việt Nam.

Việc đăng ký cũng có thể nhờ đến bên thứ 3 là dịch vụ nếu không đọc hiểu được các văn bản nước ngoài.... Hơn nữa, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu để có thể tư vấn kỹ hơn. Nhưng đầu tiên, ý thức phải được xuất phát từ họ.

Nhận định thương hiệu gạo ST24 và ST25 “chưa bị mất ở Mỹ” do đang trong thời gian xem xét, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ông Cua có thể “lật ngược tình thế” nếu kịp thời khiếu nại đến phía Mỹ khi “át chủ bài” của ông Cua chính là “đơn vị sở hữu giống lúa, đưa đi thi và có giải thưởng”.

... Thủ tục phức tạp, chi phí "khổng lồ"

Một chuyên gia về sở hữu trí tuệ cho rằng, câu chuyện của ông Cua có thể dính lại “vết xe đổ” của cà phê Trung Nguyên khi phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Cafe Trung Nguyên với các cơ quan chức năng Mỹ và Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO) khi Công ty Trung Nguyên chỉ mới thương thảo mà chưa hề ký hợp đồng với đối tác để đưa hàng vào thị trường này.

Đây được xem là sự cố đầu tiên về “phong trào” mất thương hiệu của một doanh nghiệp Việt Nam khi muốn kinh doanh ở nước ngoài và mất 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu Café Trung Nguyên tại Mỹ và cũng đã tiêu tốn hàng trăm nghìn USD cho việc này.

Sau đó, WIPO đã không chấp nhận bảo hộ cho Rice Field - đối tác của Trung Nguyên. Công ty này cũng đành lùi bước và nhận làm đại lý phân phối Café Trung Nguyên tại Mỹ.

Trung Nguyên sau đó đã mạnh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới. Bài học kinh nghiệm xương máu vẫn còn đó, hiện hữu ngay câu chuyện của gạo ST24, ST25. Do vậy, theo vị này, ông Cua có thể dành lại được nhưng cũng không dễ, bởi cần làm nhanh và rất tốn kém. Chưa kể, những doanh nghiệp kia được hưởng quyền ưu tiên do nộp trước thì công đoạn thủ tục chứng minh còn mất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, nếu không làm sớm sẽ mất, cơ hội "đòi" khó hơn nhiều, nặng nề hơn là phải chi một số tiền "khổng lồ" mới mua được.

Với kinh nghiệm của nhiều DN đi trước, vị này cảnh báo: "Đừng đợi nổi tiếng rồi mới bảo hộ mà hãy hành động ngay khi hình thành ý tưởng. Trong thời đại kinh tế mở, mọi thứ đều dễ dàng, kể cả bảo hộ, chi phí cũng ngày càng rẻ. Doanh nghiệp Việt cũng cần thay đổi tư duy "sợ tốn kém" để khi quá muộn không thể cứu vãn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.