Tiền đạo Lâm Ti Phông |
“So bó đũa chọn cột cờ”
Theo kế hoạch, ngày mai (7/12), U23 Việt Nam sẽ lên đường sang Thái Lan dự giải giao hữu quốc tế với các đối thủ U23 Thái Lan, U23 CHDCND Triều Tiên, U23 Uzbekistan, U22 Nhật Bản, U22 Myanmar. Đây là một trong những bước đi quan trọng trong quá trình tập huấn của U23 Việt Nam trước thềm U23 châu Á 2018 diễn ra vào tháng 1 tới tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các tiền đạo HLV Park Hang-seo triệu tập, người hâm mộ lẫn giới chuyên môn không khỏi nghi ngại.
Cụ thể, trong số 34 cầu thủ hội quân đợt này, có cả thảy bốn tiền đạo gồm: Nguyễn Công Phượng (HAGL), Lê Thanh Bình (FLC Thanh Hóa), Hà Đức Chinh (SHB Đà Nẵng) và Lâm Ti Phông (Sanna Khánh Hòa). Theo thống kê, tại V-League 2017, không chân sút nào vừa kể có được trên 10 bàn thắng. Công Phượng và Lâm Ti Phông 7 lần xé lưới đối phương, Hà Đức Chinh sở hữu 6 bàn, còn Thanh Bình thậm chí chưa một lần được ăn mừng.
Tại FLC Thanh Hóa, Thanh Bình chỉ là sự lựa chọn thứ tư sau Omar, Uche và Lê Văn Thắng. Cả mùa giải vừa qua, tiền đạo này chỉ ra sân 390 phút và đa phần ở thời điểm khi thế trận đã an bài. Công Phượng là tiền đạo có số phút ra sân nhiều nhất (2.159) nhưng cũng phải khoảng 308 phút để ghi 1 bàn. Tương tự là Hà Đức Chinh 299 phút và Lâm Ti Phông 217 phút có một bàn thắng.
Theo HLV Triệu Quang Hà, đây là những chân sút tốt nhất của bóng đá Việt Nam ở lứa U23: “Bóng đá Việt Nam không có nhiều lựa cho ở độ tuổi này nên HLV Park Hang-seo buộc phải “so bó đũa chọn cột cờ”. Bản thân tôi đánh giá bốn cầu thủ trên hoàn toàn xứng đáng góp mặt ở tuyển U23. Thanh Bình tuy mùa vừa rồi trắng tay nhưng cậu ấy có nhiều tố chất tốt, có duyên làm bàn và thực tế từng chơi hay dưới thời HLV Toshiya Miura. Tiếc là Bình ít được ra sân tại V-League nên cần nỗ lực hơn trong tập luyện nếu muốn bắt kịp đồng đội”.
Cả hệ thống cần vào cuộc
Cũng theo HLV Triệu Quang Hà, việc bóng đá Việt Nam khan hiếm tiền đạo trẻ xuất sắc là hệ quả của việc các đội bóng tại V-League quá trọng dụng chân sút ngoại. “Vấn đề này chúng ta nói đi nói lại nhưng không thay đổi được gì bởi CLB họ cần thành tích. Một vị trí tiền đạo ngoại chơi tốt có thể gánh cả đội nên xu hướng chung là trao suất đá cắm cho “Tây”, dẫu không ghi bàn cũng có thể càn lướt, gây rối loạn trước khung thành đối thủ. Còn tiền đạo nội, việc thường xuyên phải dự bị khiến họ không phát triển được chuyên môn, đặc biệt là khả năng dứt điểm và tâm lý thi đấu”, HLV Quang Hà phân tích.
Đồng tình với quan điểm của cựu thuyền trưởng Hà Nội FC, chuyên gia Đoàn Minh Xương bổ sung thêm, bất cập trong công tác đào tạo trẻ cũng khiến bóng đá Việt Nam không sản sinh ra được nhiều tiền đạo giỏi. “Tôi biết, ở nhiều CLB, việc đào tạo, bồi dưỡng tiền đạo không được chú trọng. Cứ nhìn số lượng tiền đạo trẻ “xuất xưởng” mỗi năm là ta thấy ngay thực trạng. Ngay như HAGL, dù họ đã đạt được thành quả nhất định nhưng họ đâu giới thiệu được tiền đạo nào thực sự sáng giá sau Công Phượng”, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận.
Về giải pháp để nâng chất lượng, số lượng tiền đạo trẻ cho bóng đá Việt Nam, ông Xương nhấn mạnh cần có sự chung tay của cả nền bóng đá. “Về phía Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nên có những quy định, quy chế cụ thể về việc sử dụng cầu thủ trẻ nói chung và tiền đạo trẻ nói riêng để buộc các CLB phải tuân theo. Về phía đội bóng, nên cân đối giữa đào tạo tiền đạo và các tuyến khác. Nếu có điều kiện thì nên xây dựng giáo án chuyên biệt cho các tiền đạo. Ngoài ra, trong thi đấu nên bố trí đan xen tiền đạo trẻ với các chân sút có kinh nghiệm, chân sút ngoại để vừa giúp các em được rèn luyện, vừa được học hỏi từ đàn anh”, ông Xương đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận