Toà nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Hanoi Landmark Tower (Ảnh: TTXVN) |
Nguy cơ mất trắng 160 tỷ quỹ bảo trì
Trong những ngày gần đây, thông tin về việc toà án Hàn Quốc rao bán toà nhà Keangnam Hanoi Landmark cao 72 tầng tại Việt Nam với mức giá gần 800 triệu USD đã gây xôn xao dư luận.
Việc này còn khiến cộng đồng dân cư sinh sống tại đây vô cùng lo lắng vì giữa họ và chủ đầu tư vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc chưa thể giải quyết. Một trong số đó là việc Keangnam có nguy cơ phá sản và mất khả năng thanh toán quỹ bảo trì 2% lên tới hơn 160 tỷ đồng. Trước nguy cơ này, ngày 8/5, Ban Quản trị Nhà Chung cư Keangnam đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính Phủ “kêu cứu.”
Theo TTXVN, văn bản ghi rõ: Theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, quỹ bảo trì 2% của tòa nhà chung cư sẽ chuyển lại cho Ban quản trị khi được thành lập để duy tu, bảo trì tòa nhà. Chung cư Keangnam là tòa nhà cao nhất Việt nam có nhiều thiết bị hiện đại cần có kinh phí và quy trình bảo trì nghiêm ngặt.
Theo tính toán của Ban quản trị, quỹ bảo trì của chung cư Keangnam khi chưa tính lãi suất ngân hàng lên tới 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư chỉ đưa ra con số 125 tỷ.
“Vấn đề này, Ban quản trị đã nỗ lực làm việc và gửi 8 văn bản liên quan đến quỹ bảo trì tới chủ đầu tư, đồng thời gửi 2 công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội để yêu cầu chính quyền vào cuộc giúp cư dân. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến chỉ đạo nào,” văn bản thể hiện rõ sự bức xúc.
Cho đến tháng 12/2014, Keangnam Vina thừa nhận số tiền quỹ bảo trì đã thu được là 125 tỷ (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại) và đã sử dụng sai mục đích số tiền này.
Tháng 3/2015, Keangnam Vina gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỷ đồng và trả trong vòng 25 năm. Phương án này Ban quản trị không chấp nhận do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Trong khi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết quỹ 2% kể trên, thời gian vừa qua, người dân Keangnam đã vô cùng lo lắng trước việc báo chí Hàn Quốc đưa tin tập đoàn Keangnam có nguy cơ bị phá sản và các tài sản tại Việt Nam cũng bị rao bán. Điều này dẫn tới việc quỹ bảo trì của cư dân có khả năng bị mất.
Trước thực tế này, Ban quản trị chung cư Keangnam đã kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì 2% theo đúng quy định của pháp luật.
“Trong trường hợp Tập đoàn Keangnam bị phá sản, phải bán tòa nhà 72 tầng, Chính phủ chỉ chấp thuận chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam quỹ bảo trì này,” đại diện cư dân kiến nghị trong văn bản.
Ngoài ra, cộng đồng dân cư tại tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác quỹ bảo trì 2% để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho cư dân.
Xây cao ốc chọc trời Việt Nam - Đòn "chí tử" với Keangnam?
Trong khi đó, liên quan đến sự sụp đổ của đế chế Keangnam, giới chuyên gia cho rằng, công ty đã vay nợ quá nhiều để xây dựng toà nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Hanoi Landmark Tower dẫn đến mất cân đối tài chính, khởi đầu cho hàng loạt những khó khăn sau này.
Theo Dân Trí, Keangnam Landmark Tower có vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD. Công trình được khởi công từ năm 2008, được xây dựng với mục đích kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010). Đây cũng là dự án lớn nhất của công ty Hàn Quốc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Keangnam Hanoi Landmark Tower được đánh giá là tham vọng liều lĩnh của cố Chủ tịch Sung Wan-jong bởi để đầu tư dự án này, Keangnam gần như đã đặt cược số phận của chính mình. Mặc dù bắt đầu gặp khó khăn từ năm 1999 và bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nhưng với nước bài tại cao ốc cao nhất Việt Nam "số phận" của Keangnam mới chính thức được "định hình".
Giới chuyên gia cho rằng, công ty đã vay nợ quá nhiều để xây dựng toà nhà dẫn đến mất cân đối tài chính, khởi đầu cho hàng loạt những khó khăn sau này. Cụ thể, Keangnam đã đầu tư 1.200 tỷ won (hơn 1 tỷ USD) để xây dựng toà nhà này, trong đó số tiền đi vay nợ là 530 tỷ won từ các ngân hàng lớn tại Hàn Quốc là Shinhan Bank, Korea Eximbank, Woori Bank và ngân hàng nông nghiệp.
Tại Việt Nam, tập đoàn xây dựng Keangnam bắt đầu hoạt động từ năm 2007, nằm trong chính khoảng thời gian hoạt động kinh doanh của Keangnam gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo tài chính, Keangnam thua lỗ gần 311 tỷ won trong năm 2013 và 408,4 tỷ won trong năm 2014. Cổ phiếu của Keangnam thời kỳ đỉnh cao lên tới 225.000 won trong năm 1994 nhưng chỉ còn 113 won vào trước thời điểm bị ngừng giao dịch trên sàn chứng khoán Korea Exchange.
Theo những cáo buộc, cũng trong khoảng thời gian này Keangnam Enterpreses đã có những gian lận sổ sách kế toán nhằm che giấu nợ trong suốt những quá trình thi công xây dựng để có thể tiếp cận được với các nguồn vốn vay từ ngân sách Chính phủ và các tổ chức tư nhân khác nhằm có tiền thực hiện dự án bất động sản ở nước ngoài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận