Các bậc phụ huynh nên cân nhắc việc cho trẻ em dùng thẻ ATM vì có thể nguy hiểm đến sự an toàn của trẻ nhỏ trước kẻ xấu. Ảnh minh họa: Tạ Tôn |
Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 15/8, trẻ em từ 6 tuổi trở lên được dùng thẻ ATM thay vì quy định cũ là từ 15 tuổi. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít các bậc cha mẹ lo ngại khó kiểm soát chi tiêu của con.
Tá hỏa khi con nói “hào phóng như mẹ”
Đứng dậy tính tiền trà nước sau buổi gặp mặt với bạn bè, chị Nguyễn Thanh Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) khá bất ngờ khi trong list tính tiền có thêm một số khoản như: Kem, cacao nóng… mà chị không gọi. Thắc mắc của chị được nhân viên bán hàng giải thích, đó là khoản thanh toán số đồ uống mà con gái chị đồng ý mời những bạn bè mới quen tại quán. Chị Mai cho hay: “Khi mình khiển trách con vì tự ý mời bạn mà không hỏi ý kiến mẹ, con bé đã trả lời “con chỉ hào phóng như mẹ mà thôi”. Đây cũng không phải lần đầu con gái chị Mai “hào phóng” với bạn bè.
Chị Phương Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng vô cùng bối rối khi nhận được điện thoại của các phụ huynh có con học cùng lớp với con gái chị “bảo con đừng mua đồ chơi tặng bạn ở lớp nữa”. Hỏi ra mới biết, bé Huyền Linh thường xuyên mua đồ chơi hay quà vặt bằng tiền rút từ thẻ ATM phụ mẹ đưa cho để tặng bạn ở lớp, chỉ với lý do “bạn ý thích nhưng không có tiền mua mẹ ạ, nên con tặng”. Chị Trang cho hay: “Mình thật vui khi thấy con biết yêu thương bạn bè. Thế nhưng, cách làm của con lại khiến mình khó xử”.
Còn anh Hồ Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) hoảng hốt lo lắng khi đang giữa giờ làm nhận được tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm lớp con trai “đề nghị phối hợp quản lý giáo dục con”. Anh Hải cho biết, nhận được tin nhắn, anh tức tốc hẹn gặp cô giáo ngay buổi chiều. Theo lời kể, cậu con trai anh cùng một cậu bạn tự ý mua đồ uống vào lớp mời bạn và bị phát hiện. Theo điều tra của cô giáo, đây không phải lần đầu phát hiện con trai anh giữ món tiền lớn trong người. Đáng nói, để có tiền mua đồ tặng bạn, cậu bé đã tự ý lấy tiền của cha mẹ.
Theo quy định mới từ phía Ngân hàng Nhà nước, trẻ từ 6 - 15 tuổi chỉ được quẹt thẻ chứ không được rút tiền mặt như trẻ từ 15 tuổi trở lên và người lớn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rõ rằng, trẻ từ 6 - 15 tuổi chỉ được sử dụng để thanh toán đúng mục đích mà chủ thẻ chính là bố mẹ đã thỏa thuận bằng văn bản với ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ vẫn tỏ ý lo ngại khó kiểm soát chi tiêu của con. Dù thẻ phụ rút tiền ở đâu, lúc nào đều được ngân hàng thông báo ngay, nhưng vẫn là... sự đã rồi, cha mẹ không thể ngăn cản được.
Sớm dạy trẻ biết ý nghĩa của đồng tiền
Trao đổi với Báo Giao thông, TS. tâm lý Vũ Thu Hương cho biết, đây là tình huống khá nhiều gia đình gặp phải. Tuy nhiên, để giải quyết gốc rễ vấn đề cho trẻ thực sự hiểu và thay đổi không phải cha mẹ nào cũng làm được. Theo đó, cha mẹ phải giáo dục cho con hiểu được giá trị của đồng tiền. Một trong những bài học mà TS. Hương đã từng tư vấn cho nhiều gia đình là cần dạy các con cách quản lý chi tiêu.
Cụ thể, trước một dịp nào đó đặc biệt như sinh nhật của chính con, bố mẹ yêu cầu con nên lập kế hoạch chi tiêu để tự chuẩn bị cho sự kiện đó. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần ước lượng khoản tiền cho việc mua sắm đó và lưu ý cho con khoản tiền luôn ít hơn thực tế. Ví dụ, phải mua các món đồ tổ chức sinh nhật hết khoảng 500 nghìn thì cha mẹ chỉ cho 400 nghìn đồng thôi”. Sau đó, để con tự khảo giá trong siêu thị hoặc ngoài chợ, rồi lập kế hoạch chi tiêu chi tiết với từng khoản cần mua.
Khi đi khảo giá con sẽ bắt buộc phải cân nhắc khi mua đồ. “Chỉ với một khoản tiền cố định đó, trẻ sẽ cân nhắc nên lựa chọn món gì cho phù hợp. Ví như nếu nước ngọt đắt quá, con sẽ nghĩ đến việc tự pha nước chanh để giảm chi phí, dành tiền mua món khác. Hãy để trẻ tự chốt lại danh sách mua sắm. Sau đó, cha mẹ chỉ đi kèm để trả tiền cho các khoản mua đó, trong đúng khoản tiền hạn mức dự định ban đầu và nhất định không chi trả bất kỳ khoản vượt nào khác”, TS. Hương cho biết.
Theo tư vấn của TS. Hương, có làm như vậy, con mới hiểu khi thiếu tiền, cảm giác sẽ như thế nào. Chỉ khi hiểu được cảm giác đó, trẻ mới hiểu được đúng giá trị của đồng tiền. “Nếu bố mẹ thực hiện như vậy con sẽ trở nên rất “ki bo” bởi khi đó trẻ sẽ hiểu giá trị đồng tiền và sẽ nâng niu đồng tiền đó”, TS. Hương chia sẻ.
TS. Hương cũng dẫn chứng cách làm của mình qua việc cho con khoản tiền chi tiêu vặt hàng tuần đã từng áp dụng với con gái. Thay vì ngày nào cũng cho con tiền tiêu vặt (để trẻ có thể mua giấy kiểm tra, bút, tẩy… nếu thiếu), TS. Hương cho con 1 lần/tuần với khoản tiền nhỏ. Lần đầu cầm tiền, con gái đã mua ngay một món đồ yêu thích tặng bạn với giá trị gần bằng khoản tiền mẹ cho, sau đó khi muốn tiêu vặt món gì con lại ra xin mẹ.
TS. Hương cho biết: “Cần cương quyết không cho để con hiểu nếu con tiêu hết tặng bạn thì những ngày sau sẽ phải nhịn, không còn tiền để tiêu. Chỉ sau 2-3 lần gặp tình huống như vậy con gái mình đã phải tính toán cân đối sao cho hợp lý, biết tiết kiệm dành tiền tiêu cho việc cần thiết”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận