Quảng cáo điện thoại trong MV Thật bất ngờ của Trúc Nhân. |
Tác phẩm điện ảnh giống… phim quảng cáo
Trong phim điện ảnh 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, nhân vật nữ trong phim nói với cô bạn cùng phòng: “Sao không đi Grab taxi cho rẻ?”. Ở phân cảnh khác, một nhân vật nói với cô bạn mình: “Yên tâm, mình đã gọi Grab taxi rồi” và chìa chiếc điện thoại OPPO ra cho xem đã dùng ứng dụng để gọi Grab taxi. Nhiều khán giả khi xem xong phải ngao ngán thốt lên: “Đây là phim quảng cáo cho Grab taxi với OPPO à?” hay “Cắt đoạn phim này ra cũng làm thành clip quảng cáo được đấy”.
Một bộ phim điện ảnh khác là Con ma nhà họ Vương của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng khiến khán giả “cáu tiết” khi đưa vào những phân đoạn quảng cáo lộ liễu cho các ứng dụng điện thoại và nhãn hàng tài trợ. Tất cả lặp đi, lặp lại theo kịch bản khiến nội dung phim trở nên nhạt nhẽo, rời rạc, giống… phim quảng cáo hơn là một tác phẩm điện ảnh mặc dù trước đó đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng tuyên bố: “Nhiều nhà tài trợ đòi hỏi quá quắt, có khi làm ảnh hưởng đến câu chuyện và nhân vật trong phim. Với những trường hợp này, tôi từ chối thẳng thừng”.
Hay trong MV Thật bất ngờ mới đây nhất của ca sỹ Trúc Nhân, dù khai thác bối cảnh trong một khu tập thể cũ nhưng hai chữ OPPO “đập” vào mắt người xem gần như từ đầu đến cuối MV. Một ứng dụng trò chơi khác cũng được đưa vào MV với những góc quay thiếu tinh tế. Với những khán giả dễ tính, họ chấp nhận điều đó như một lẽ dĩ nhiên của một MV thương mại và có xin tài trợ, nhưng cũng không ít khán giả tỏ ra không hài lòng với màn quảng cáo quá lộ liễu và thiếu tinh tế này.
Không chỉ có phim điện ảnh và MV ca nhạc, rất nhiều phim truyền hình cũng hay rơi vào tình trạng quảng cáo lộ liễu khiến người xem thấy phản cảm. Những hình ảnh của các hãng thời trang, quán cà phê hay chai nước tương, nước khoáng… luôn có thể dễ dàng bắt gặp trong nhiều phim truyền hình Việt hiện nay.
“Cài cắm” quảng cáo cần tinh tế, nghệ thuật
Đành rằng việc lồng ghép quảng cáo lên phim là việc gần như bất khả kháng hiện nay, nhất là khi những đơn vị, nhãn hàng đó lại là nhà tài trợ chính cho bộ phim hoặc sản phẩm ca nhạc. Thế nhưng lồng ghép quảng cáo khéo léo ra sao để phim không trở nên phản cảm và người xem có thể chấp nhận nó như một khuôn hình nghệ thuật trong phim thì dường như không phải đạo diễn nào cũng có thể làm được. Việc bê nguyên hình ảnh của hãng tài trợ lên phim một cách ngang nhiên và lộ liễu khiến nhiều khán giả khó chấp nhận và làm bộ phim mất đi tính nghệ thuật của một tác phẩm điện ảnh.
Có nhà tài trợ đưa ra những đòi hỏi, can thiệp cả vào nội dung phim để quảng cáo sản phẩm của mình, những trường hợp đó, tôi từ chối nhận lời, vì nó làm chất lượng nghệ thuật phim bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nếu tôi làm “phim sạch”, sẽ hứa hẹn một phim “tốt” và nhà đầu tư sẽ “giàu” hơn gấp nhiều lần bởi doanh thu từ phim “sạch”. Bởi, “phim sạch” chưa chắc là phim hay nhưng phim hay chắc chắn là “phim sạch”. Đạo diễn Đỗ Thành An |
Theo đạo diễn Đỗ Thành An, đạo diễn giỏi sẽ là người biết “cài cắm” quảng cáo sản phẩm vào phim sao cho tinh tế, vừa đảm bảo nội dung phim vừa đáp ứng nhu cầu nhà tài trợ. Nếu không sẽ gây phản cảm, lúc đó cả phim và sản phẩm đều bị khán giả quay lưng, và vấn đề này ở các nước đứng đầu về điện ảnh cũng gặp phải.
“Ở đâu cũng vậy, tài trợ là một phần của đầu tư sản xuất phim. Phim có kinh phí đầu tư càng lớn, tiền tài trợ càng cao thì sức ép càng lớn. Lúc đó đạo diễn không chỉ làm nghệ thuật trên phim mà còn phải làm quảng cáo một cách nghệ thuật. Việc cân bằng giữa mục đích của nhà tài trợ mà vẫn đảm bảo tính nghệ thuật cho bộ phim cần phải tính toán trước ngay khi có ý tưởng làm phim và viết kịch bản. Sau đó đạo diễn sẽ sáng tạo để đưa sản phẩm vào một cách hợp lý, đảm bảo được nội dung và nghệ thuật khi sản phẩm đó xuất hiện.
Việc này rất khó, nhưng khó thì mới cần đến khả năng sáng tạo của người đạo diễn, mà đó chính là một trong những sứ mệnh của đạo diễn nếu họ muốn nhận tiền của nhà tài trợ”, đạo diễn Đỗ Thành An khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận