Kết quả kiểm nghiệm cho thấy nguồn nước cấp cho khu đô thị Thanh Hà, Thanh Oai, Hà Nội, nhiễm E.coli và có hàm lượng Amoniac, Clo vượt hàng chục lần ngưỡng cho phép. Theo phản ánh của cư dân, những ngày qua, nhiều người ở đây bị ngứa ngáy, lở loét, viêm nhiễm phụ khoa.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS.BS Nguyễn Thị Hiền, phụ trách Phòng khám Da liễu Green Forest (Hà Nội), cho biết hàm lượng Clo trong nước cao hơn giới hạn cho phép có thể gây các bệnh lý về da liễu.
Hàm lượng Clo lớn sẽ gây ảnh hưởng đến lớp màng bảo vệ da, làm da khô và môi trường PH thay đổi, đặc biệt vào mùa hanh này. Khi da khô sẽ khiến liên kết tế bào không còn chặt chẽ, dễ gây mất nước. Khi đó, nấm mốc, bụi bẩn dễ bám vào da. Ánh nắng mặt trời dễ hấp thụ vào những tổn thương làm da dễ bị viêm, nhiễm khuẩn…
Nguồn nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn đến người mắc bệnh lý viêm da cơ địa. Da những người này khô, nếu sử dụng nước chứa Clo vượt quá hàm lượng cho phép sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
Theo BS Hiền, điều quan trọng là người dân cần được cung cấp nguồn nước sinh hoạt đảm bảo. Trong trường hợp buộc phải dùng nước có hàm lượng clo cao hơn bình thường, cư dân Thanh Hà nên hứng nước, để một thời gian cho Clo bay hơi rồi mới sử dụng. Ngoài ra, người dân nên bôi dưỡng ẩm ngay sau khi tắm để bổ sung hàng rào bảo vệ cho da, phòng các bệnh lý liên quan da liễu.
BS Hiền cũng lưu ý nếu có các dấu hiệu của bệnh lý về da, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám, chẩn đoán và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc điều trị. Việc chẩn đoán, cho thuốc bôi phải căn cứ các dấu hiệu lâm sàng và phụ thuộc tuổi, giới, địa lý, gen… Đó là cơ sở quan trong để bác sĩ quyết định phối hợp thuốc, theo dõi quá trình điều trị để tránh nhờn thuốc, tái đi tái lại, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Trước thông tin nhiều cư dân Thanh Hà bị viêm phụ khoa, BS Lê Công Định, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đưa ra một số lưu ý phòng bệnh.
Cụ thể, không được xịt rửa vòi nước vào trong âm đạo, vì nguồn nước ô nhiễm sẽ làm thay đổi môi trường PH trong âm đạo. Cư dân nên đun nước rồi để nguội trước khi để vệ sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Lâu dài cần có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo an toàn cho người dân. Ngoài ra, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ để kịp thời điều trị nếu bị viêm nhiễm.
Một lưu ý khác, theo BS Định, tại các cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa, trước khi kê đơn thuốc, bên cạnh việc khám, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh là nhiễm khuẩn, hay nhiễm nấm. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen ra hiệu thuốc nhờ dược sĩ tư vấn rồi tự điều trị. Nếu không đúng phương pháp, việc này sẽ gây kháng thuốc, tái phát bệnh khó chữa. Đặc biệt, việc dùng sai thuốc đối với người viêm phụ khoa do nhiễm nấm có thể dẫn đến vô sinh, viêm vòi tử cung…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận